DN Đức ưu tiên hợp tác đầu tư với các DN Việt tham gia chuỗi cung ứng
(Chinhphu.vn) - Nhiều DN Đức và DN có mối liên hệ mật thiết với các DN Đức đang tiếp tục mở rộng quy mô kinh doanh trên các thị trường.

Ngành công nghiệp chế biến. chế tạo dẫn đầu trong thu hút FDI của Việt Nam
Đây là kết quả rút ra từ cuộc Khảo sát mùa thu năm 2023 với hơn 3.600 DN Đức được Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (AHK Việt Nam) công bố ngày 21/11.
Cụ thể, 42% công ty Đức tại Việt Nam ưu tiên đa dạng hóa sản xuất và chế tạo, cho thấy sự tập trung vào chiến lược đa dạng hóa sản phẩm. Cuộc khảo sát cũng tập trung vào các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư. Theo đó, 50% doanh nghiệp cho rằng tiềm năng tăng trưởng của thị trường Việt Nam là yếu tố then chốt.
Tiếp theo, 43% DN Đức cho rằng việc thu hẹp khoảng cách với khách hàng/tốc độ nội địa hóa cũng là một trong những yếu tố quan trọng liên quan đến quyết định đầu tư. Điều này thể hiện sự quan tâm sâu sắc của các DN Đức đến việc điều chỉnh các chiến lược cho phù hợp với các động lực phát triển tại thị trường Việt Nam. Ngoài ra, nguồn lao động có kỹ năng tại Việt Nam cũng là một yếu tố rất quan trọng, với 37% DN Đức nhấn mạnh vai trò không thể thiếu của lực lượng lao động có trình độ chuyên môn.
Trong 10 tháng đầu năm 2023, các DN Đức đã tiến một bước mạnh mẽ trong việc củng cố sự hiện diện tại thị trường Việt Nam. Tổng cộng có 26 dự án đầu tư đã được thực hiện, với tổng vốn đầu tư gần 221,5 triệu USD. Điều này không chỉ phản ánh niềm tin của các doanh nghiệp Đức vào thị trường Việt Nam mà còn cho thấy Việt Nam đang trở thành một điểm đến hứa hẹn cho các doanh nghiệp mong muốn tìm kiếm cơ hội mở rộng quy mô tại khu vực châu Á.
Song song với đó, kết quả khảo sát cho thấy xu hướng các doanh nghiệp Đức đang triển khai chiến lược "Trung Quốc +1" (China plus one) tập trung vào các dự án đầu tư xanh. Và thị trường Việt Nam đã sẵn sàng chào đón và hỗ trợ những dự án kinh doanh như vậy bằng cách cung cấp nền tảng cho sự tăng trưởng, đa dạng hóa và thực hiện các hoạt động kinh doanh bền vững.
Theo ông Gabor Fluit, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam đã đạt được hiệu quả tích cực. Cụ thể, thời gian thực hiện thủ tục hành chính giảm mạnh; dịch vụ hành chính công điện tử được áp dụng tại nhiều tỉnh thành, nhất là những tỉnh, thành phố tập trung nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Quảng Ninh… Điều này đã giúp minh bạch thông tin chủ trương, chính sách của Chính phủ và các tỉnh, thành.
Theo ông Gabor Fluit giữa các DN châu Âu đầu tư tại Việt Nam và các doanh nghiệp cung ứng trong nước đã có sự kết nối và sẽ nối kết ngày càng chặt chẽ hơn trong việc xây dựng và mở rộng chuỗi cung ứng toàn cầu. Đơn cử như Tập đoàn adidas của Đức đã hợp tác với 51 nhà cung cấp tại Việt Nam.
Anh Lê