DN TPHCM linh hoạt vượt thách thức, tận dụng cơ hội năm 2023

25/02/2023 5:32 PM

(Chinhphu.vn) - Trong năm 2023, TPHCM đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 7,5-8%, để làm được điều này, Thành phố cần thúc đẩy các chương trình hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ các DN tiếp cận được nguồn vốn thông qua chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp (DN), rà soát giãn, hoãn thuế cho các DN; đẩy mạnh đầu tư công nhất là các dự án trọng điểm của Thành phố.

DN TPHCM linh hoạt vượt thách thức, tận dụng cơ hội năm 2023 - Ảnh 1.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế chia sẻ tại buổi cà phê doanh nhân lần thứ 67 do Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) tổ chức. Ảnh: VGP/Lê Anh

Chia sẻ tại buổi cà phê doanh nhân lần thứ 67 do Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM (HUBA) tổ chức với chủ đề: Dự báo kinh tế Việt Nam và TPHCM trong năm 2023 diễn ra ngày 25/2 tại TPHCM, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho biết, kinh tế thế giới giảm mạnh đà hồi phục trong năm 2022 do nhiều yếu tố tác động như: Lạm phát và lãi suất tăng và ở mức cao, các rủi ro về an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh chuỗi cung ứng… Điều này đã tác động tới Việt Nam, nhiều DN xuất khẩu từ quý III/2022 trở đi không có đơn hàng mới hoặc bị giảm đi.

Theo TS. Cấn Văn Lực, động lực chính mở ra cơ hội cho các DN Việt Nam trong năm 2023 là việc Trung Quốc mở cửa trở lại từ đầu tháng 1/2023; các nước phục hồi nhanh hơn, lạm phát giảm nhanh hơn dự báo trước đó, mở ra nhiều cơ hội cho các DN xuất khẩu. Cùng với đó, việc đẩy mạnh đầu tư công giai đoạn 2022-2023 cũng mở ra nhiều cơ hội cho các DN trong nước. Thực tế cho thấy, ngay trong tháng 1/2023, chỉ số PMI đã bắt đầu phục hồi dần so với tháng trước, nhiều hiệp hội ngành hàng cho biết, các DN trong ngành như dệt may, điện tử, gỗ đã có đơn hàng cho quý III/2023. Hiện các DN đã bắt tay vào sản xuất để kịp theo tiến độ cam kết.

Bên cạnh những cơ hội nói trên, trong năm 2023, kinh tế Việt Nam vẫn còn đối mặt với những thách thức như: Mặt bằng lãi suất còn cao, tỉ giá còn chịu sức ép tăng (dù đã dịu bớt); chương trình phục hồi và giải ngân đầu tư công chưa có đột phá; DN còn nhiều khó khăn như nguồn vốn, nhân sự; rủi ro về trái phiếu DN, nhất là các DN bất động sản, cần thời gian xử lý, lành mạnh hóa.

Với vai trò là trung tâm kinh tế của khu vực phía nam, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, sự phục hồi và phát triển của TPHCM trong thời gian tới đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển chung của cả nước.

Tăng cường kết nối ngân hàng, hỗ trợ vốn cho DN

Trong năm 2023, TPHCM đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 7,5-8%, gấp 1,3-1,5 lần so với mức bình quân của cả nước. Để làm được điều này, TPHCM cần đẩy mạnh và thúc đẩy các chương trình hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ các DN tiếp cận được nguồn vốn thông qua chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, rà soát giãn, hoãn thuế cho các DN;  đẩy mạnh đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm của Thành phố.

Bên cạnh đó, tăng cường các giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản như: Tiếp tục cải cách hành chính, giảm thiếu thời gian, quy trình đầu tư xây dựng các dự án nhà ở trên địa bàn; nhanh chóng rà soát và tháo gỡ cho các dự án chậm tiến độ do vướng mắc về pháp lý, thủ tục đầu tư; phát triển nhà ở xã hội…

DN TPHCM linh hoạt vượt thách thức, tận dụng cơ hội năm 2023 - Ảnh 2.

Một DN TPHCM giới thiệu sản phẩm tại chương trình cà phê doanh nhân - Ảnh: VGP/Lê Anh

Về phía các DN, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, DN TPHCM cần thích ứng linh hoạt bằng cách tái cấu trúc, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; quản lý rủi ro tài chính, minh bạch dòng tiền trong các hoạt động kinh doanh, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.

Chia sẻ về xu hướng tiêu dùng trong thời gian tới, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) – nhà phân phối bán lẻ hàng đầu của cả nước cho biết, sau đại dịch COVID-19, xu thế tiêu dùng của khách hàng có sự thay đổi. Theo đó người tiêu dùng chú trọng hơn tới hàng hóa thiết yếu, các hàng hóa được sản xuất theo hướng " xanh" với tiêu chuẩn cao ngày càng được quan tâm. Do đó, các DN Việt Nam không thể "bỏ qua" xu hướng này.

Ông Đức cho biết, hiện nay, có rất nhiều DN, nhãn hàng lớn nước ngoài đang quan tâm tới thị trường 100 triệu dân tại Việt Nam, dẫn đến áp lực cạnh tranh cho các DN nội địa sẽ ngày càng tăng.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TPHCM cho biết, khó khăn hiện nay của các DN trong ngành là việc tiếp cận nguồn vốn vay cũng như lãi suất cho vay cao. Cũng có trường hợp DN không muốn vay để mở rộng sản xuất, vì làm không có lãi, thậm chí thua lỗ.

Bà Chi cho biết: "nhiều DN của Thành phố, trong quá trình phát triển đã tích lũy được nguồn vốn nhất định để mở rộng đầu tư, đổi mới công nghệ. Đối với các DN sản xuất, nếu không thường xuyên đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất, đồng nghĩa với bị bỏ lại phía sau". Tuy nhiên nguồn vốn tích lũy chỉ đáp ứng được khoảng 30-40%, còn lại là các DN vay trung hạn và dài hạn vốn từ ngân hàng, vì vậy nếu vốn vay mà lãi suất cao, DN sẽ đối mặt với áp lực tài chính lớn.

Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TPHCM Lý Kim Chi cho biết, trước đây, TPHCM có chương trình kích cầu đầu tư, hỗ trợ lãi suất, nhờ đó nhiều DN đã mạnh dạn đầu tư máy móc công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, 2 năm nay, chương trình gián đoạn, do đó, các DN kiến nghị Thành phố duy trì lại chương trình này trong thời gian tới.

Lê Anh

Top