Doanh nghiệp cần chủ động hơn trong thị trường tín chỉ carbon
(Chinhphu.vn) - Theo các chuyên gia, hiện nay, thị trường tín chỉ carbon bắt đầu khởi động nhưng ở trong bối cảnh còn nhiều khó khăn và các doanh nghiệp còn “khá thụ động”. Nhiều dự án mua bán theo hợp đồng song phương trong khi chưa có sàn giao dịch.
Đây là nội dung được các diễn giả chia sẻ trong buổi "Giao lưu giữa người mua người bán tín chỉ carbon" nằm trong khuôn khổ sự kiện Diễn đàn kinh tế xanh 2024 được tổ chức ngày 19/9 tại TPHCM
Đánh giá về thị trường tín chỉ carbon, ông Nguyễn Võ Trường An, Phó Tổng Giám đốc, Công ty Sàn giao dịch tín chỉ carbon ASEAN (CCTPA) cho rằng, Việt Nam đang đi chậm hơn đáng kể so với thị trường quốc tế, ở thời điểm này, thị trường bắt đầu khởi động nhưng ở trong bối cảnh còn nhiều khó khăn và các doanh nghiệp còn "khá thụ động".
Theo đó, thị trường tín chỉ carbon manh nha từ năm 2017 nhưng chủ yếu các nhà đầu tư nước ngoài đến "đặt chỗ", thậm chí trả trước mà tín chỉ đó chưa được xác nhận. Đến thời điểm này có nhiều dự án mua bán theo hợp đồng song phương trong khi chưa có sàn giao dịch, tức gần giống như hoạt động môi giới hơn.
Theo ông An, giá tín chỉ carbon ở Việt Nam hiện tại thấp một phần vì tính thụ động, chúng ta chưa chủ động tìm người mua để đàm phán về giá cũng như chưa có dự án chất lượng. Nhiều doanh nghiệp đang chủ động đầu tư vào lĩnh vực tín chỉ carbon, nhưng chủ yếu chỉ mới dừng bước ở công nghệ.
Ông Nguyễn Thế Phương, Giám đốc tư vấn chuyển đổi số FPT Digital cho rằng bước đầu tiên là doanh nghiệp cần công cụ để kiểm kê khí thải theo các chuẩn quốc tế. Đánh giá kiểm kê khí phát thải để doanh nghiệp biết đang đứng ở đâu, vượt chuẩn hay chưa hoặc vẫn còn "room" để có thể chuyển giao cho bên cần. Số liệu này là bước đầu để tổ chức khác xác nhận rồi phát hành tín chỉ carbon.
Tương tự, ông Trần Minh Tiến, Công ty Netzero Carbon Việt Nam, đơn vị tư vấn liên quan đến tín chỉ carbon và đang thực hiện dự án trồng lúa, cho biết, doanh nghiệp cần công ty tư vấn để đứng ra đo khí thải, xác định "dấu chân carbon". Sau đó khi làm rồi thì cần bên tư vấn theo một tiêu chuẩn nhất định trên thị trường.
Ông Nguyễn Võ Trường An cho biết, các dự án theo tiêu chuẩn nổi bật hiện nay đặt yếu tố hàng đầu là phương pháp luận của nhiều ngành và lĩnh vực: Từ trồng rừng, sử dụng đất, nông nghiệp, năng lượng, thu hồi carbon…
"Miễn sao dự án được thiết kế kỹ thuật khoa học tuân thủ theo phương pháp luận đó thì sẽ phát hành được tín chỉ carbon", ông An khuyến nghị về cách tăng khả năng phát hành tín chỉ carbon của doanh nghiệp.
Anh Lê