Doanh nghiệp CNHT đổi mới công nghệ để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng

15/12/2022 6:57 PM

(Chinhphu.vn) - Việt Nam trở thành điểm đến cung ứng hàng hóa quan trọng trong khu vực ASEAN đang mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tiếp cận các chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu toàn cầu.

Doanh nghiệp CNHT đổi mới công nghệ để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng - Ảnh 1.

TPHCM thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ DN Thành phố tham gia, kết nối với các DN DFI đầu cuối - Ảnh: VGP/Lê Anh

Kết quả nghiên cứu về năng lực hoạt động của doanh nghiệp (DN) Việt Nam do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện cho thấy DN Việt Nam đã tham gia tích cực trong chuỗi giá trị toàn cầu, song giá trị còn hạn chế. Nhiều DN thiếu định hướng rõ ràng khi tham gia.

Một số khảo sát khác chỉ ra rằng khả năng tham gia của Việt Nam còn thấp so với các quốc gia trong khu vực ASEAN. Trong các chuỗi sản xuất và cung ứng, DN Việt Nam chủ yếu tập trung vào công đoạn gia công, lắp ráp… với giá trị gia tăng thấp. Nguyên nhân chính là do các DN Việt Nam hạn chế về vốn, công nghệ và quản lý, cũng như năng lực sản xuất và khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Nhiều DN chưa tập trung giải quyết những vấn đề mang tính dài hạn, chiến lược như xây dựng và đào tạo nguồn nhân lực, làm chủ công nghệ, đổi mới sáng tạo, mở rộng kết nối mạng lưới, tăng cường đáp ứng quy chuẩn và quản trị rủi ro...

Nhiều chính sách hỗ trợ

Tại TPHCM, nơi tập trung rất nhiều DN công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ (CNHT),Thành phố đã dành nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, UBND Thành phố đã thông qua việc triển khai Kế hoạch số 2888 về thực hiện Chương trình phát triển CNHT trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2022-2023. Kế hoạch đề ra các nội dung thực hiện, gồm: Hỗ trợ DN CNHT đầu tư phát triển, mở rộng thị trường; kết nối cung cầu sản phẩm, áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị DN, quản trị sản xuất. Hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm CNHT, giải quyết nhu cầu về mặt bằng sản xuất cho DN CNHT, xây dựng và vận hành Cổng thông tin CNHT.

Sở Công Thương Thành phố cũng đang triển khai chương trình nâng cao trình độ, năng lực quản trị, năng suất sản xuất và quản trị chất lượng sản phẩm cho DN CNHT song song với hoạt động kết nối, hỗ trợ DN bổ sung nguồn lực, cải thiện năng lực cạnh tranh. Giải pháp hỗ trợ vốn, kích cầu đầu tư lĩnh vực CNHT giai đoạn này cũng hết sức cần thiết.

Bên cạnh đó, hiện nay, TPHCM đang kêu gọi thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp trọng yếu có hàm lượng khoa học - công nghệ và giá trị gia tăng cao (cơ khí chế tạo, điện tử - công nghệ thông tin, hóa dược - cao su, chế biến tinh lương thực, thực phẩm), công nghiệp điện tử, công nghiệp Internet vạn vật (IoT)..., đồng thời thúc đẩy các ngành CNHT và các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao.

Cùng với chính sách hỗ trợ từ Thành phố, trong lĩnh vực công nghiệp, CNHT của Thành phố cũng nhận được sự quan tâm của nhiều đối tác lớn. Ông Matsumoto Nobuyuki, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM, cho biết Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đang thúc đẩy các công ty nước này đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu. 103 dự án đã được thực hiện, trong đó 41 dự án liên quan đến Việt Nam. Các dự án này có 3 nhóm chính, gồm: gia công kim loại, y tế và thiết bị điện.

Doanh nghiệp CNHT đổi mới công nghệ để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng - Ảnh 2.

Tổng Công ty công nghiệp Sài Gòn và các công ty thành viên tham gia chuỗi triển lãm sản phẩm CNHT đầu tháng 12/2022 - Ảnh: VGP/Lê Anh

Trong khi đó, ông Alex Tatsis, Trưởng Phòng Kinh tế Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại TPHCM, cho biết Mỹ đang đầu tư để giúp Việt Nam tăng cường vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu về dài hạn. Cụ thể, thông qua dự án kết nối các DN nhỏ và vừa của USAID giúp DN nhỏ và vừa của Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất, tiếp cận nguồn tài chính, thực hiện chuyển đổi số, từ đó giúp các DN tham gia tốt hơn chuỗi cung ứng toàn cầu.

DN đổi mới công nghệ, đón đầu cơ hội

Thực tế, trong nhiều năm nay, làn sóng chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam và nhu cầu gia tăng tỉ lệ nội địa hóa đang mở ra cơ hội lớn cho các DN CNHT tiếp cận các chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu toàn cầu.

Nắm bắt được xu thế này, nhiều DN CNHT phía nam đã đổi mới máy móc công nghệ, tham gia sâu hơn vào chuối giá trị toàn cầu

Ông Trần Bá Linh, Giám đốc sản xuất Công ty Điện Quang cho biết, đứng trước sự "chuyển mình" tích cực của ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp, trong đó có Điện Quang đã và đang không ngừng thay đổi về tư duy, giải pháp, máy móc, nguồn nhân lực.

Ông Linh cho biết: Điện Quang đang đẩy mạnh đầu tư quy mô lớn vào công nghiệp điện tử, để mở ra những cơ hội phát triển cho ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam. Hiện nay, Điện Quang với 5 nhà máy được đầu tư dây chuyền sản xuất đồng bộ và hiện đại, đã và đang lắp đặt, đưa vào vận hành dây chuyền đóng gói chip LED, dây chuyền SMT dán chip và sản xuất driver - board mạch, dây chuyền lắp ráp tự động đèn LED các loại, thiết bị phòng thử nghiệm tiên tiến, tự động hóa cao từ các nước tiên tiến, như Nhật Bản, Đức... Với tổng năng lực sản xuất 140 triệu sản phẩm một năm, Điện Quang hoàn toàn làm chủ công nghệ sản xuất chip LED, khép kín chuỗi sản xuất từ khâu nguyên liệu đầu vào đến thành phẩm ra thị trường.

Tuy nhiên, hiện nay ngành công nghiệp điện tử còn nhiều hạn chế cần cải thiện, nhận thức được điều đó, doanh nghiệp cũng chú trọng việc hợp tác với các nhà cung ứng, các đối tác để học hỏi, trao đổi và hỗ trợ lẫn nhau.

Theo ông Linh, từ bài học của Điện Quang cho thấy, muốn tham gia được sâu hơn vào chuỗi cung ứng, để nâng cao giá trị, DN phải đầu tư bài bản công nghệ, nhân sự thì mới có thể tạo ra các sản phẩm CNHT đạt chất lượng, độ chính xác và tính hoàn thiện cao mà các chuỗi cung ứng toàn cầu nói riêng và thị trường khó tính như châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản cần.

Đồng quan điểm trên, ông Lưu Đình Thịnh, Giám đốc Tiếp thị Kinh doanh Công ty TNHH CNS Amura (thành viên Tổng công ty công nghiệp Sài Gòn) cho biết, công ty hoạt động trong lĩnh vực cơ khí chính xác, với các sản phẩm khuôn như: khuôn ép nhựa, khuôn cao su, khuôn đúc nhôm ứng dụng vào các ngành công nghiệp xe hơi, xe máy, linh kiện điện tử (hộp mực in, máy tính, ổ đĩa cứng...), thiết bị y tế, cao su kỹ thuật, nhựa kỹ thuật, dụng cụ chứa thực phẩm...

Nhờ đầu tư đổi mới công nghệ máy móc hiện đại, cùng đội ngũ nhân công chất lượng cao mà các sản phẩm của công ty nhận được sự quan tâm của nhiều DN trong và ngoài nước trong lĩnh vực khuôn mẫu. Đặc biệt, lĩnh vực khuôn mẫu, công ty là nhà cung ứng cấp 1 cho Samsung.

Lê Anh

Top