Doanh nghiệp địa ốc TPHCM “than” mất cơ hội vì thủ tục chậm
(Chinhphu.vn) - Đối thoại với Lãnh đạo TPHCM, các doanh nghiệp kêu rằng, hiện tại, thủ tục hành chính vẫn là nỗi khổ của doanh nghiệp, dù trong thời gian qua, phía cơ quan quản lý đã có nhiều cải thiện. HoREA kiến nghị tháo điểm nghẽn “rà soát”, mở nút thắt tăng vốn
Doanh nghiệp bất động sản phát biểu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: SGGP |
Ngày 10/4, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, đã tham dự và chủ trì Hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp bất động sản. Cùng tham dự có các đồng chí Trần Lưu Quang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP, cùng các lãnh đạo sở ngành, quận huyện và khoảng 100 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên địa bàn TPHCM.
Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang cho biết, thủ tục thực hiện một dự án phải qua 5 bước tiêu tốn mất 4-5 năm. Chính sự trì trệ về thủ tục đã làm mất cơ hội của doanh nghiệp. Nếu như vẫn cứ tái diễn, chính quyền thành phố đồng ý rồi nhưng lại hồi tố sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Còn ông Bùi Xuân Huy, Tổng giám đốc Novaland nhấn mạnh rằng, thị trường huy động vốn thuận lợi nhưng khâu pháp lý rất chậm sẽ khiến doanh nghiệp gặp rủi ro về tài chính, cũng như quy trình rà soát chậm làm mất cơ hội của doanh nghiệp dẫn đến hoạt động kém hiệu quả.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA), cho rằng, qua 3 tháng đầu 2019 này, các doanh nghiệp bất động sản rất lo ngại trước tình trạng nhiều dự án bất động sản bị ách tắc, không được xem xét, giải quyết kịp thời. Điều này sẽ làm cho nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở sẽ bị sụt giảm mạnh, như vậy sẽ ảnh hưởng đến thị trường về lâu dài.
Trong quý 1/2019, Sở Xây dựng phê duyệt số lượng dự án giảm đến 63%; cấp 8.472 giấy phép xây dựng (kể cả khu vực nhà dân và dự án) giảm 16% so với cùng kỳ năm trước; Số lượng hợp đồng nhận thầu xây lắp của các doanh nghiệp xây dựng cũng bị sụt giảm từ 30-50% do các chủ đầu tư bất động sản thiếu nguồn dự án mới.
TPHCM và Trung ương đã rà soát hơn 150 dự án bất động sản trên địa bàn thành phố và đã chấp thuận cho 124 dự án được tiếp tục triển khai, thực hiện. HoREA kiến nghị UBND TPHCM cho công bố danh mục 124 dự án này nhằm giúp các chủ đầu tư có căn cứ làm việc với các Sở, ngành để hoàn thiện các thủ tục đầu tư xây dựng và tiếp tục triển khai thực hiện dự án. Đồng thời giúp cho người mua nhà yên tâm.
Cũng theo kiến nghị của HoREA, UBND TPHCM và Thanh tra Chính phủ sớm xem xét, giải quyết với 30 dự án còn lại đang được rà soát, thanh tra.
Bên cạnh đó, thị trường bị ách tắc do một số dự án nhà ở đang thực hiện trên địa bàn liên quan đến đất công, hiện đang bị trì hoãn do các quyết định thu hồi. Theo thông tin của Sở Tài chính TPHCM, có khoảng 300 mặt bằng đất công trên địa bàn thành phố thuộc diện bị thu hồi quyết định hoặc văn bản về sử dụng đất.
Theo kiến nghị của HoREA, UBND TP sớm chỉ đạo các Sở, ngành khẩn trương thực hiện công tác rà soát, phân loại khoảng 300 mặt bằng đất công thành 3 nhóm để có phương án xử lý cụ thể.
Trước rất nhiều ý kiến của doanh nghiệp bày tỏ khó khăn, ông Trần Vĩnh Tuyến chia sẻ, UBND TP đã làm việc với Thanh tra Chính phủ, kể cả Bộ Công an, thống nhất sai ở đâu thì xử lý gốc vấn đề ở đó, còn những vấn đề TP thực hiện kế thừa, tiếp nối thì nếu chưa phát hiện vấn đề gì thì vẫn làm bình thường; còn nếu phát hiện sai thì phải truy xử lý từ gốc. Ủng hộ theo cách làm đó, không phải truy theo hướng là ai ký thì đều chịu trách nhiệm hết, mà sai từ đâu, xử lý từ đó.
Về các kiến nghị cụ thể, ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết, những dự án Thanh tra kết luận có sai phải dừng lại để thực hiện theo đúng quy định. Những dự án cơ quan công an đang thụ lý thì dừng lại, đây là luật quy định. Còn những dự án không thuộc 2 trường hợp này, UBNDTP làm việc trực tiếp với Thanh tra Chính phủ, cơ quan Kiểm toán… thì được thống nhất tháo gỡ 124 dự án, TP tiếp tục làm.
Tiếp tục triển khai các thủ tục hành chính bình thường, nhưng phải đúng quy định pháp luật; còn trong quá trình triển khai, nếu phát hiện sai pháp luật thì phải dừng lại. UBND TP đã có Kết luận giao Sở Tài nguyên và Môi trường mời doanh nghiệp lên để công khai đầy đủ, hướng dẫn các doanh nghiệp làm các thủ tục, triển khai nhanh các dự án, không để lãng phí và ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của TP.
Các sở không được ngâm hồ sơ
Về 300 mặt bằng có ý kiến tạm dừng, hủy quyết định đầu tư, ông Tuyến cho biết, đây là vấn đề đã qua nhiều năm, theo Quyết định 09 của Thủ tướng Chính phủ được phép bán chỉ định nhưng các doanh nghiệp này không làm thủ tục tài chính, nói cách khác là không mua. Đến nay đã quá thời gian quy định 24 tháng, không mua thì nhà nước thu hồi. UBND TP đã chỉ đạo Sở Tài chính là Thường trực Ban chỉ đạo 167, mời doanh nghiệp lên để tìm hiểu lý do, nếu chính đáng mà có cơ sở xem xét tiếp tục bán thì đề xuất triển khai; còn nếu không thì thu hồi bán đấu giá, chứ không để tài sản lãng phí.
“Không phải dự án nào UBNDTP cũng tự động rà soát, việc thực hiện đều có ý kiến của cơ quan kiểm toán, bộ ngành, yêu cầu phải rà soát. Đó là liên quan đến đất công, những vấn đề đất có nguồn gốc từ cổ phần hóa, chứ không phải là không có lý do. Chúng tôi cam kết rằng, những vấn đề TP phải tạm dừng dự án để rà soát lại, là phạm vi nội bộ TP, đều có lý do. Không cho phép bất cứ một sở ngành nào tự đặt ra lý do để rà soát lại quyết định của UBNDTP, cũng như các chỉ đạo trước đây của UBNDTP”, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến khẳng định.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân chỉ rõ những thiếu sót trong quá trình phê duyệt dự án. Đó là dự án bất động sản phải có quy trình cho từng công đoạn, trách nhiệm từ sở nào qua sở nào, đến quận huyện rồi quay trở lại UBNDTP như thế nào. Thứ hai, từng cơ quan phải quy định cụ thể thời gian giải quyết là bao lâu. Hiện nay, từng sở ngành lại chưa có quy định thời gian giải quyết hồ sơ. Báo cáo của quận huyện cho biết tỷ lệ hồ sơ hoàn thành đúng hẹn là 99%, nhưng tỷ lệ tại các sở và của TP nói chung là bao nhiêu phần trăm là chưa có.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết, sắp tới UBND TP sẽ ban hành quy chế giải quyết các hồ sơ, nêu rõ thời hạn lưu giữ hồ sơ từng cơ quan, chủ tịch, phó chủ tịch giữ hồ sơ trong thời hạn bao lâu..
“Năm nay phải ra quy chế này, có thời hạn lưu giữ hồ sơ ở từng cơ quan, chứ không là các sở chờ nhau, rồi các doanh nghiệp lại chờ mình. Đây chính là một nội dung cải cách hành chính, xây dựng quy trình chuẩn, công khai, đưa ra thời gian giải quyết công việc. Đề nghị Thường trực UBND TP có văn bản để các sở rà soát lại vấn đề này, chuẩn bị lộ trình để công bố”, Bí thư Thành ủy yêu cầu.
“Tôi đã nói trong cuộc họp Thành ủy rằng ai cũng có điều không biết, nhưng không biết thì bàn bạc với đồng nghiệp, hoặc là bàn với cấp trên, chứ không được nói “tôi đang làm việc này nhưng không biết cách làm, để đó cái đã”, chúng ta không được làm như thế. Khi đã thống nhất thời gian giải quyết hồ sơ tại từng bộ phận, thì sẽ quy rõ trách nhiệm, đôn đốc nhắc nhở nếu không đúng thời hạn. Khẳng định trước doanh nghiệp, đồng bào, chúng ta quản lý theo phương châm là giám đốc là người quản lý đầy đủ cơ quan của mình, nhân viên không có quyền không trình, cứ ngâm ra đó là không được”, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ.
Thành Đạt