Doanh nghiệp nỗ lực giữ giá các mặt hàng bình ổn

09/03/2022 1:22 PM

(Chinhphu.vn) - Các nhà phân phối lớn trên địa bàn TPHCM đang nỗ lực làm việc với các nhà cung cấp, nhà sản xuất để tìm giải pháp cân đối để mức tăng giá ở mức thấp nhất, ổn định cho khách hàng cũng như duy trì sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

DN nổ lực giữ giá các mặt hàng bình ổn - Ảnh 1.

Giá các mặt hàng tiêu dùng tăng nhẹ trong bối cảnh giá xăng dầu, gas và nguyên liệu đầu vào tăng cao - Ảnh: VGP/Lê Anh

Sở Công Thương TPHCM vừa có buổi làm việc với các doanh nghiệp (DN) phân phối lớn, các doanh nghiệp bình ổn thị trường chủ lực của Thành phố cũng như các hiệp hội ngành hàng trong bối cảnh giá xăng dầu, gas, nguyên vật liệu liên tục tăng trong thời gian gần đầy, gây áp lực lớn cho các DN sản xuất cũng như nhà phân phối.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM, cho rằng giá xăng dầu tăng cao và liên tiếp thời gian gần đây gây áp lực rất lớn lên chi phí sản xuất, kinh doanh của cộng đồng DN. Hầu như tất cả nguyên liệu, kể cả nhập khẩu lẫn trong nước đều tăng 20-30%.

Trước tình hình trên, đối với những nhóm hàng hóa thiết yếu, các DN đang cố gắng giữ giá bán nhưng khó cầm cự lâu. Ngoài việc kỳ vọng vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước như giảm thuế, phí… tự thân các DN chủ động tính toán để giảm thiểu mức thiệt hại. Nhiều DN nỗ lực tái cấu trúc hoạt động, đầu tư mạnh mẽ vào số hóa để giảm các chi phí trong sản xuất. Đặc biệt, nhiều DN bắt tay nhau trong vận chuyển hàng hóa để giảm chi phí xăng dầu.

Nhiều hiệp hội ngành hàng cũng kiến nghị lùi thời gian áp dụng thu phí sử dụng cửa khẩu, cảng biển trên địa bàn Thành phố theo quy định mới, giúp DN tiết giảm được chi phí sản xuất.

Hiệp hội DN TPHCM cho biết mới đây đã tiến hành khảo sát về tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN. Kết quả cho thấy có một số vấn đề đáng lo ngại với hầu hết DN, cụ thể là dịch bệnh tác động đẩy giá thành sản xuất bình quân tăng lên 47%, trong khi đó giá bán của DN chỉ tăng lên 17%. Bên cạnh đó, một số sản phẩm, hàng hóa bị mất thị trường, làm cho giá trị hàng tồn kho tăng lên 30% so với bình quân các năm trước. Mặt khác, thị trường lao động, vật tư, hàng hóa thiếu hụt đáng kể khiến các DN gặp rất nhiều khó khăn.

Nhiều DN sản xuất thừa nhận với xu hướng xăng dầu tiếp tục tăng, buộc họ phải cân nhắc điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm, nếu không sẽ không thể bù đắp được chi phí đầu vào tăng quá nhiều. Tuy nhiên, nhiều DN cho biết sẽ cố gắng tăng ở mức thấp nhất có thể để giữ chân khách hàng.

Ở góc độ nhà phân phối lớn, ông Trần Lâm Hồng, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), cho biết, tăng giá là việc không ai muốn vì gây thiệt hại chung cho người tiêu dùng lẫn DN sản xuất, phân phối.

Trước tình hình như vậy, Saigon Co.op nỗ lực làm việc với các nhà cung cấp, nhà sản xuất để tìm giải pháp cân đối để mức tăng giá ở mức thấp nhất nhằm duy trì sản xuất và kinh doanh. Bản thân Saigon Co.op đang triển khai nhiều giải pháp để cắt giảm tối đa chi phí, mục đích là giữ giá bán hàng hóa hoặc không tăng quá cao vì càng tăng nhiều thì thiệt hại về doanh thu càng lớn.

Đại diện Tổng Công ty Thương mại TPHCM (Satra) cũng cho biết đang cố gắng đàm phán với nhà cung cấp làm hàng nhãn riêng để có giá tốt nhất, ổn định cho khách hàng.

Lê Anh

Top