Doanh nghiệp Việt cần sẵn sàng cho quy định của CBAM

11/10/2024 9:34 PM

(Chinhphu.vn) - Việc tuân thủ hiệu quả các quy định của CBAM, đảm bảo rằng Việt Nam có chỗ đứng trên thị trường xuất khẩu toàn cầu.

Doanh nghiệp Việt cần sẵn sàng cho quy định của CBAM- Ảnh 1.

Ông Jean-Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch EuroCham. Ảnh: VGP/LA

Đây là chia sẻ của ông Jean-Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch EuroCham tại Hội nghị "CBAM và thị trường Carbon - Cơ hội và thách thức cho DN TPHCM" diễn ra ngày 11/10 tại TPHCM.

CBAM là một chính sách của Liên minh châu Âu (EU) nhằm kiểm soát lượng khí thải carbon từ hàng hóa nhập khẩu. Theo đó, các sản phẩm có lượng phát thải carbon cao hơn so với hàng hóa sản xuất tại EU sẽ bị áp dụng mức thuế điều chỉnh khi nhập khẩu vào thị trường này.

Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) Hồ Thị Quyên cho hay, CBAM đặt ra nhiều thách thức cho các DN xuất khẩu, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, nông sản của TPHCM, vì các DN này có nguy cơ mất thị phần nếu không kịp thích ứng với các yêu cầu xanh từ EU.

Theo Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 34,08 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó các mặt hàng công nghiệp chế biến như điện thoại, máy tính, hàng dệt may và giày dép chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Ngoài ra, nhóm hàng nông sản cũng đang cho thấy dấu hiệu tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, thị trường châu Âu đang trở thành một thị trường đầy thách thức với những tiêu chuẩn ngày càng nghiêm ngặt về môi trường, mà việc áp dụng CBAM là một minh chứng rõ ràng.

Theo các chuyên gia, tác động của CBAM đối với các DN Việt Nam nói chung và các DN tại TPHCM nói riêng là rất lớn. Các DN có nguy cơ bị cạnh tranh xuất khẩu và mất thị phần tại thị trường này do đối thủ cạnh tranh đã sẵn sàng cho việc đáp ứng các chính sách xanh.

Ông Jean-Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch EuroCham nhấn mạnh: Việc tuân thủ hiệu quả các quy định của CBAM, đảm bảo rằng Việt Nam có chỗ đứng trên thị trường xuất khẩu toàn cầu. Việc triển khai CBAM vào ngày 1/1/2026 tới đây sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với các nhà xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực sử dụng nhiều carbon như thép, xi măng, phân bón và nhôm.

Từ thực tế trên, đòi hỏi việc ban hành khung pháp lý để thực hiện cũng như nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng việc giảm phát thải khí nhà kính, trung hòa carbon, tăng khả năng thích ứng và cạnh tranh cho các doanh nghiệp xuất khẩu là yêu cầu cấp bách hơn bao giờ hết.

Trong đó, chuyển đổi sản xuất xanh không chỉ có ý nghĩa quan trọng với bản thân mỗi doanh nghiệp mà còn tác động tới cả chuỗi cung ứng. Bởi vì, khi một đơn vị cung ứng giảm phát thải, các doanh nghiệp trong chuỗi hoạt động cũng sẽ đến gần hơn với mục tiêu về giảm phát thải và Net Zero. Đây vừa là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường.

Anh Lê

Top