Đổi mới, phát triển các KCX-KCN theo hướng xanh, bền vững

27/10/2022 2:17 PM

(Chinhphu.vn) - Sau 30 năm, TPHCM có 3 khu chế xuất (KCX) và 14 khu công nghiệp (KCN) đi vào hoạt động, góp phần thực hiện các mục tiêu thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. Tính đến tháng 9/2022, các KCX, KCN trên địa bàn TPHCM đã thu hút được 1.674 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 12,5 tỷ USD; trong đó, vốn đầu tư nước ngoài chiếm 45%.

Đổi mới, phát triển các KCX-KCN theo hướng xanh, bền vững - Ảnh 1.

Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban Hepza cho biết các KCX, KCN đã có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM. Ảnh: VGP/Lê Anh

Ngày 27/10, Ban quản lý các khu chế xuất – khu công nghiệp TPHCM (Hepza) tổ chức Hội nghị tổng kết 30 năm xây dựng và phát triển các KCX – KCN trên địa bàn TPHCM nhằm đánh giá hiệu quả hoạt động của các KCX-KCN, đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho những năm tiếp theo.

Mô hình hiệu quả, tạo động lực thu hút các DN FDI

Trong giai đoạn đầu thực hiện chính sách đổi mới, Chính phủ chủ trương làm thí điểm một mô hình kinh tế nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. KCX Tân Thuận đã ra đời vào ngày 25/11/1991 trở thành mô hình KCX đầu tiên của cả nước. Vượt qua những khó khăn thử thách, từ thành công của mô hình KCX Tân Thuận, lần lượt các KCX, KCN tại TPHCM , cũng như tại hầu hết tỉnh, thành trong cả nước được thành lập.

Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban Hepza cho biết, đến tháng 9/2022, các KCX, KCN trên địa bàn TPHCM đã thu hút được 1.674 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 12,5 tỷ USD; trong đó, vốn đầu tư nước ngoài chiếm 45%. Giá trị xuất khẩu trung bình hàng năm của các KCX, KCN đạt 7 tỷ USD, chiếm trên 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của TPHCM. Trung bình các KCX, KCN hàng năm nộp ngân sách Nhà nước hơn 22.000 tỷ đồng, chiếm 6% thu ngân sách Thành phố (không kể dầu thô); giải quyết việc làm cho hơn 281.000 lao động, chiếm 6% lực lượng lao động của TPHCM.

Theo ông Hứa Quốc Hưng, một trong những yếu tố quan trọng góp phần quyết định cho sự phát triển các KCX, KCN của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung là cơ chế quản lý "một cửa, tại chỗ". Cơ chế này ra đời và vận hành lần đầu tiên cùng với việc ra đời và phát triển của KCX Tân Thuận đã có đóng góp thiết thực trong việc xây dựng, phát triển thành công các KCX - KCN.

Tuy nhiên, theo ông Hưng, sau 30 năm hình thành và phát triển, các KCX, KCN cũng bộc lộ nhiều vướng mắc, hạn chế.

Cụ thể, hiệu quả thu hút đầu tư, sử dụng đất chưa cao. Mô hình tổ chức hoạt động KCX chậm được đổi mới. Hạ tầng một số KCN thiếu đồng bộ. Một số KCN đã được thành lập hoặc có quyết định đầu tư mở rộng chậm được triển khai. 

Cùng với đó, TPHCM cũng thiếu các KCN chuyên ngành, chuyên môn hóa; hạ tầng phục vụ KCN còn thiếu đồng bộ. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu đầu tư. Mô hình quản lý theo cơ chế "một cửa, tại chỗ" còn nhiều bất cập, quy định về KCX, KCN chỉ chịu sự điều chỉnh ở cấp Nghị định, chưa được thể chế hóa ở cấp Luật…

Đổi mới, phát triển các KCX-KCN theo hướng xanh, bền vững - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Duy Đông cho rằng, TPHCM cần phát triển các KCN theo hướng chuyên ngành. Ảnh: VGP/Lê Anh

Cần tái cơ cấu lại các KCX, KCN theo hướng xanh, bền vững

Ông Trần Tựu, Tổng Giám đốc Công ty Savipharm (KCX Tân Thuận) cho biết, để giữ chân các nhà đầu tư với các dự án hiệu quả hiện có, đồng thời khuyến khích, mời gọi các nhà đầu tư mới với các dự án được ưu tiên lựa chọn, TPHCM cần tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư thuận lợi và các chính sách khuyến khích đầu tư.

 Trước hết, cần nghiên cứu đơn giản tối đa các thủ tục hành chính; hoàn thiện các quy trình đầu tư, danh mục các dự án đầu tư ưu tiên lựa chọn; công bố các chủ trương của Thành phố về việc ổn định và phát triển các KCX, KCN hiện có, sớm hoàn thiện và công bố bản quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn thành phố đến năm 2040…

Đồng quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Duy Đông cho rằng, với vai trò đầu tàu cả nước về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ, TPHCM cần nâng cao hiệu quả hoạt động của các KCX, KCN hiện có; đẩy mạnh việc thu hút các dự án đầu tư có công nghệ hiện đại, có hợp tác chuyển giao công nghệ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả sử dụng tài nguyên và lao động, có giá trị gia tăng cao và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thích ứng với Cách mạng Công nghiệp 4.0

Thành phố cần phát huy vai trò tiên phong trong phát triển các KCN theo hướng bền vững, các loại hình KCN mới như: KCN hỗ trợ, KCN chuyên ngành, KCN sinh thái và KCN công nghệ cao để thích ứng với yêu cầu trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế; đảm bảo sức hấp dẫn, cạnh tranh quốc tế của KCX, KCN trong thu hút, hợp tác đầu tư; đồng thời tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách và mô hình KCN, Khu kinh tế mới phù hợp với thực tiễn phát triển.

Đổi mới, phát triển các KCX-KCN theo hướng xanh, bền vững - Ảnh 3.

Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu chỉ đạo Hội nghị tổng kết 30 năm xây dựng và phát triển các KCX – KCN trên địa bàn TPHCM. Ảnh: VGP/Lê Anh

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Văn Nên, cho biết, trong suốt 30 năm hình thành và phát triển KCX – KCN, có được sự thành công nêu trên, đó là nhờ chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành luôn sát sao chỉ đạo kịp thời tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết những cái khó khăn mà Thành phố không giải quyết được.

Lãnh đạo Thành phố trân trọng ghi nhận những đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, ban lãnh đạo Hepza, đội ngũ công nhân, người lao động đang làm việc trong các KCX - KCN của thành phố đã nổ lực, trách nhiệm làm việc hết lòng hết sức, nhất là trong dịp COVID-19 vừa qua; Cũng chính từ sự chung vai vượt khó đó, đã tạo nên mối quan hệ lao động giữa chủ doanh nghiệp và người lao động ngày càng gắn bó hơn.

Thời gian tới, Thành phố sẽ tăng cường kết nối các KCN, KCX để hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp. Tập trung thu hút các dự án công nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao, có khả năng tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Phát triển các khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị hiện đại và các khu công nghiệp công nghệ cao.

Đổi mới, phát triển các KCX-KCN theo hướng xanh, bền vững - Ảnh 4.

Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Văn Nên trao cờ thi đua của Thành phố cho Ban quản lý Hepza. Ảnh: VGP/Lê Anh

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho rằng, với trọng trách tiếp tục là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong bối cảnh công nghiệp buộc phải chuyển sang mô hình mới hiện nay dựa trên đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ đòi hỏi các KCX-KCN Thành phố phải tập trung cải tiến toàn diện và quyết liệt nhằm loại bỏ các ngành công nghiệp thâm dụng lao động, sử dụng nguyên nhiên liệu có mức phát thải cao để tái cấu trúc công nghiệp theo hướng bền vững, tuần hoàn, dựa trên nền tảng công nghệ vật liệu mới đồng thời bảo đảm vai trò chuyển giao công nghệ của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cùng với đó, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực để chuyển đổi mô hình tăng trưởng; tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng xã hội trong các KCX-KCN như nhà lưu trú, ký túc xá công nhân, các trường mầm non, các dịch vụ thiết yếu phục vụ người lao động để người lao động yên tâm gắn bó với DN.

Lê Anh

Top