Đồng bào các dân tộc thiểu số đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của Thành phố

21/02/2024 7:34 PM

(Chinhphu.vn) - Chiều 21/2, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM chức buổi họp mặt đồng bào tiêu biểu các dân tộc thiểu số mừng xuân Giáp Thìn năm 2024. Đây là hoạt động định kỳ hằng năm nhằm trân trọng ghi nhận những đóng góp quý báu của đồng bào các dân tộc thiểu số trên các lĩnh vực; đồng thời lắng nghe, ghi nhận những tâm tư, tình cảm của đồng bào.

Đồng bào các dân tộc thiểu số đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của Thành phố- Ảnh 1.

Lãnh đạo TPHCM chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Tham dự buổi họp mặt có bà Phạm Thanh Tuyền - Phó Trưởng Ban Công tác phía Nam, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố; ông Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND Thành phố… cùng 200 đại biểu là đồng bào tiêu biểu trên các lĩnh vực, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Tại buổi họp mặt, ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố đã thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, kết quả thực hiện công tác dân tộc của Thành phố năm 2023 và một số nội dung trọng tâm năm 2024.

Trong đó, góp phần vào kết quả chung của Thành phố có sự đóng góp không nhỏ của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn Thành phố.

Xác định vai trò quan trọng của đồng bào dân tộc thiểu số trong xây dựng, củng cố, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, năm 2023, Thành phố tiếp tục quan tâm, làm tốt chính sách dân tộc như giải quyết việc làm, dạy nghề, trợ vốn, giảm nghèo bền vững trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Kết quả, đã cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 10.840 trường hợp, hỗ trợ 72 căn nhà ở, nhà tình thương; dạy nghề miễn phí và hỗ trợ việc làm cho hàng trăm trường hợp. Đồng thời, hỗ trợ vay vốn cho 615 trường hợp với số tiền gần 28,4 tỷ đồng; miễn học phí đối với học sinh dân tộc Chăm và Khmer, với tổng số tiền gần 3 tỷ đồng; hỗ trợ 50 giáo viên người dân tộc thiểu số dạy tiếng dân tộc với tổng số tiền gần 500 triệu đồng.

TP. Thủ Đức và các quận, huyện chủ động tổ chức thăm, tặng quà đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các diện chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, khó khăn, người già neo đơn, công nhân, học sinh và sinh viên khó khăn với tổng số tiền hơn 12 tỷ đồng…

Đồng bào các dân tộc thiểu số đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của Thành phố- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố thông tin về tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Trân trọng sự hỗ trợ của Thành phố

Chia sẻ tại buổi họp mặt, ông Res A Bidine, Trưởng Ban Quản trị Thánh đường Mubarak, dân tộc Chăm bày tỏ những năm qua, bà con dân tộc Chăm đã nhận được sự quan tâm giúp đỡ rất nhiều từ các ban, ngành đoàn thể các cấp của Thành phố như hỗ trợ an sinh xã hội, xây nhà tình thương, cấp học bổng cho các em học sinh…

Từ một dân tộc thiểu số có trình độ học vấn thấp, nhờ sự quan tâm hỗ trợ của lãnh đạo Thành phố và những suất học bổng đã chắp cánh ước mơ cho cả thế hệ con em dân tộc Chăm. Đã có một số em vào ngành y làm bác sĩ tại các bệnh viện tham gia phục vụ chữa bệnh cho mọi người, một số em học cao học và đặc biệt có em là giáo viên đứng lớp giảng dạy tại các trường học.

Ông Res A Bidine cho biết thêm, nắm bắt được nhu cầu thực tiễn của khách du lịch tại các nước Hồi giáo đến tham quan tại TPHCM, các thành viên trong cộng đồng dân tộc Chăm cũng đã đóng góp những dự thảo về việc thiết kế khu vực ẩm "Halal food" nhằm phục vụ nhu cầu thưởng thức ẩm thực của dân tộc Chăm, giới thiệu văn hóa Chăm đến khách du lịch nhằm góp phần mang lợi ích kính tế cho Thành phố.

Đồng bào các dân tộc thiểu số đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của Thành phố- Ảnh 3.

Ông Vương Bái Xuyên, nguyên Chánh Văn phòng Ban Bảo trợ Trung tâm Hoa văn Khải Tú chia sẻ tại buổi họp mặt - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Còn ông Hứa Sa Ni, Phó Trưởng Khoa Văn hóa Dân tộc, Trường Đại học Văn hóa TPHCM, người dân tộc Khmer bày tỏ ý kiến một số ngành chức năng của Thành phố cần chú ý nhiều hơn trong việc phối kết hợp với 2 ngôi chùa Khmer (tại Quận 3 và quận Tân Bình), nhằm khai thác, tổ chức các hoạt động gắn với du lịch hiệu quả.

Đây được xem là 2 trung tâm sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng, văn hóa tâm linh và là kho tàng văn hóa vật thể sống động không chỉ dành riêng cho người Khmer, mà từ lâu đã trở thành nơi tụ hội của đông đảo người dân Thành phố mỗi khi có dịp lễ hội hoặc khi cần thêm những kiến thức, hiểu biết về văn hóa Khmer. Vì vậy việc đầu tư nhiều hơn nữa về vật chất cũng như tinh thần cho bà con ở 2 địa bàn này hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay cũng như mai sau.

Ông Vương Bái Xuyên, nguyên Chánh Văn phòng Ban Bảo trợ Trung tâm Hoa văn Khải Tú thì nhìn nhận, đồng bào dân tộc Hoa ở Thành phố luôn đoàn kết một lòng, phát huy tiềm năng, thế mạnh trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển Thành phố.

Ông Vương Bá Xuyên cho rằng, với sự phát triển mạnh mẽ của Thành phố hiện nay, có sự giao thoa, hội nhập để cùng phát triển thì việc bổ sung ngoại ngữ rất cần thiết. Bởi vậy, ông mong muốn lãnh đạo Thành phố quan tâm đến lực lượng giáo viên, bồi dưỡng nhân tài đào tạo ngoại ngữ, trong đó có giáo viên giảng dạy tiếng Hoa. Thành phố cần có những chính sách thiết thực để phát huy vai trò của nguồn nhân lực tri thức trong thời gian tới.

Anh Thơ

Top