Đồng chí Lê Khả Phiêu với lực lượng cách mạng Campuchia
(Chinhphu.vn) - Gần nửa thế kỷ phục vụ trong quân đội, cuộc đời binh nghiệp của đồng chí Lê Khả Phiêu gắn liền với những cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Ông là một trong những người tham gia chỉ huy những trận đánh đầu tiên cho đến ngày lật đổ hoàn toàn chế độ diệt chủng Pol Pot, giúp lực lượng cách mạng Campuchia xây dựng chính quyền. TPHCM tổ chức viếng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu
Đồng chí Lê Khả Phiêu (đứng giữa) cùng dự thông qua quyết tâm tiến công căn cứ Các-đa-mon, mùa khô 1984-1985 - Ảnh do Trung tướng Lưu Phước Lượng cung cấp |
“Anh Năm Phiêu” là cái tên thân thương, trìu mến mà Thiếu tướng Lê Xã Hội (Chín Hội), nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 9 vẫn gọi đồng chí Lê Khả Phiêu.
Trong cuộc tổng tiến công tiêu diệt chế độ Khmer đỏ và lực lượng Pol Pot Ieng-Sary, đồng chí Lê Khả Phiêu tham gia Bộ Tư lệnh tiền phương Quân khu 9. Còn ông Chín Hội được chính đồng chí Lê Khả Phiêu điều động từ Phó Phòng Tác chiến về làm Phó Sư đoàn trưởng, Tham mưu trưởng rồi Sư đoàn trưởng Sư đoàn 4 - Quân khu 9, trực tiếp chiến đấu trên chiến trường Campuchia.
Đồng chí Lê Khả Phiêu lúc đó trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng vũ trang Quân khu 9 phối hợp với Quân đoàn 2 và một số đơn vị bạn tác chiến, giải phóng các tỉnh Đông - Nam và phía Nam Campuchia, trong đó có những mục tiêu then chốt: cảng XihanucVin, sân bay Pôchentông, Thủ đô Phnom Penh, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cuộc tổng tiến công, đập tan chế độ diệt chủng Pol Pot Ieng-Sary.
Ông Chín Hội kể, thời kỳ đầu mới giải phóng, cách mạng Campuchia còn gặp vô vàn khó khăn, thử thách. Đất nước chùa Tháp bị chế độ diệt chủng làm cho tan hoang “không chợ, không chùa chiền, không tiền bạc”, mọi thứ phải xây dựng lại từ đầu.
Trong khi đó, tàn quân Pol Pot - Ieng Sary chưa bị tiêu diệt hoàn toàn. Chúng rút về hoạt động tại vùng rừng núi giáp biên giới Campuchia - Thái Lan, dựa vào sự giúp đỡ tích cực bên ngoài tiếp tục hoạt động chống phá. Quân tình nguyện Việt Nam chủ yếu là bộ đội Quân khu 9 đã quen tác chiến ở địa hình đồng bằng nên gặp rất nhiều khó khăn để đánh đuổi tàn quân Pol Pot. Bộ đội ta vừa đánh địch vừa giúp nhân dân Campuchia thoát nghèo, giúp bạn xây dựng lực lượng cách mạng vững vàng.
Trước yêu cầu giúp bạn trong tình hình mới, đồng chí Lê Khả Phiêu được phân công phụ trách toàn bộ hoạt động công tác đảng, công tác chính trị, rồi giữ chức vụ Tư lệnh Sở chỉ huy tiền phương chỉ huy quân tình nguyện Việt Nam tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quốc tế giúp đỡ nhân dân Campuchia bảo vệ chính quyền cách mạng, thực hiện công cuộc hồi sinh đất nước.
Chỉ riêng trên địa bàn do lực lượng Quân khu 9 đảm nhiệm, trong năm 1979, ta đã giúp bạn xây dựng chính quyền cách mạng ở 20/23 huyện, 216/260 xã; đồng thời giúp 4 tỉnh bạn xây dựng được 6 tiểu đoàn, 17 đại đội bộ đội địa phương, 3 khung huấn luyện tân binh (tương đương tiểu đoàn) và hàng trăm đội du kích ở các xã, ấp. Những thành quả đạt được đó góp phần tạo cơ sở vững chắc để nhân dân Campuchia tổ chức bầu cử Quốc hội và chính quyền các cấp (5/1981), thông qua Hiến pháp mới của nước Cộng hòa nhân dân Campuchia, đập tan luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của các thế lực thù địch trong và ngoài nước.
“Lúc đó anh Năm Phiêu nói, mình đánh đuổi quân Pol Pot là đúng rồi nhưng chủ yếu là lo cho dân. Mà muốn hoàn thành nhiệm vụ của quân tình nguyện quốc tế thì phải xem công tác dân vận là số 1. Tôi nhớ nhất lời căn dặn của anh Năm Phiêu, mỗi cán bộ chiến sĩ phải biết tiếng Campuchia. Anh Năm Phiêu cử một bộ phận đi học và trở thành chuyên gia, người không đi học thì tập trung làm dân vận, sống với dân, ở gần dân, làm cùng dân. Hiệu quả của công tác dân vận đó, khi mình đánh chiến dịch cuối cùng vào năm 1984-1985 thì quân Pol Pot ở tất cả các cấp đều tan rã hết và đầu hàng lực lượng cách mạng Campuchia”, ông Chín Hội nhớ lại.
Đồng chí Lê Khả Phiêu thăm và ghi sổ lưu niệm tại Bảo tàng Quân khu 9, tháng 12/2015 - Ảnh do Quân khu 9 cung cấp |
Trung tướng Lưu Phước Lượng, nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó Tư lệnh về Chính trị Quân khu 9 có ấn tượng với đồng chí Lê Khả Phiêu ngay từ lần gặp đầu tiên vào trung tuần tháng 2/1985.
Lúc đó ông Lượng là trợ lý cho đồng chí Nguyễn Thới Bưng, Tư lệnh Chiến dịch biên giới. Còn đồng chí Lê Khả Phiêu là Chủ nhiệm Chính trị Mặt trận 719 (mật danh của Bộ Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia).
Đêm hôm đó, ông Lượng nghỉ cùng đồng chí Lê Khả Phiêu trong một hầm âm. “Đồng chí Năm Phiêu hỏi tôi rất nhiều, cụ thể tình hình từng cứ điểm, tỉ mỉ từng hướng tấn công vào căn cứ Các-đa-mon, sào huyệt của Pol Pot. Sau này khi đọc các nghị quyết đánh giá tình hình chiến trường Campuchia của ông mới thấy hết được tầm khái quát, rất sâu sắc nhưng lại dễ triển khai”. Ông Lượng nhớ lại, dù ở thời kỳ đầu phối hợp với lực lượng cách mạng của bạn đánh đổ chế độ Khmer Đỏ cho đến giai đoạn giúp bạn xây dựng lực lượng, củng cố chính quyền, đồng chí Lê Khả Phiêu luôn luôn chủ trương xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh. “Đồng chí Năm Phiêu chủ trương, đánh nhau là một việc, bảo vệ biên giới là một việc nhưng người dân phải làm chủ phum ấp, phải phát triển được sản xuất, phải tự bảo vệ được an ninh, trật tự xã hội thì mới đánh được Pol Pot”, ông Lượng kể.
Nhiều thập kỉ đã trôi qua, song những đóng góp của đồng chí Lê Khả Phiêu, dù trên bất kỳ cương vị nào, đối với cách mạng Campuchia (1979 - 1989) sẽ mãi được lịch sử và nhân dân Campuchia ghi nhận, góp phần vun đắp tình đoàn kết hữu nghị, bình đẳng, hợp tác cùng phát triển lâu bền giữa nhân dân hai nước, hai dân tộc Việt Nam - Campuchia.
Đúng như lời Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã viết trong điện chia buồn gửi đến Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về sự ra đi của nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu: “Ngài Lê Khả Phiêu là một nhà lãnh đạo sáng suốt đã hi sinh cả đời mình vì nền độc lập, hòa bình và sự phồn vinh của Việt Nam; một người bạn tốt của Campuchia, đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng mối quan hệ hữu nghị anh em và hợp tác tốt đẹp giữa hai Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước”.
Băng Tâm