Du lịch trực tuyến - xu hướng mới cho các khách lẻ
(Chinhphu.vn) - Nhằm thỏa mãn nhu cầu của nhiều khách lẻ, đặc biệt là khách lẻ thuộc dân số vàng, cùng với sự phát triển nhanh của internet, công nghệ di động và hàng không giá rẻ đã dẫn tới sự lớn mạnh ngày càng nhanh của các đại lý du lịch trực tuyến (OTAs) trong và ngoài nước. TPHCM lần đầu tổ chức “Ngày du lịch trực tuyến 2017”
Ảnh minh họa |
Ngày Du lịch trực tuyến (Online tourism day) 2017 sẽ được Tổng cục Du lịch (TCDL) phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) và Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin tổ chức vào ngày 5/7, tại TPHCM.
Sự kiện này được tổ chức nhằm thu hút sự tham gia của các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp tới du lịch trực tuyến, qua đó thúc đẩy sự liên kết giữa doanh nghiệp du lịch với doanh nghiệp trong các lĩnh vực liên quan như công nghệ thông tin, tiếp thị trực tuyến, thanh toán trực tuyến, bảo hiểm, điểm đến, hàng không...
Ngày Du lịch trực tuyến 2017 sẽ tập trung vào 4 chủ đề chính: Du lịch trực tuyến - xu hướng không thể đảo ngược; Đại lý du lịch trực tuyến - ai mạnh hơn ai?; Du lịch trực tuyến - khởi đầu từ doanh nghiệp; Phát triển du lịch trong thời đại số.
Tại sự kiện này, các chuyên gia, diễn giả sẽ trao đổi xoay quanh 4 chủ đề trên, trong đó đề cập đến những nội dung: Xu hướng phát triển tất yếu của du lịch trực tuyến, cùng những nội dung liên quan đến chính sách, pháp luật, cạnh tranh mà các bên liên quan cần nhận thức rõ; những tác động của công nghệ tới kinh doanh du lịch; hoạt động kinh doanh của các đại lý du lịch trực tuyến trong nước và quốc tế; tầm quan trọng của việc triển khai công nghệ thông tin và thương mại điện tử tại mỗi đơn vị kinh doanh du lịch…
Ngày Du lịch trực tuyến 2017 sẽ là một diễn đàn hữu ích dành cho các khách sạn, công ty lữ hành, nhà hàng, điểm đến, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giải trí, vận chuyển khách du lịch, thanh toán, bảo hiểm... gặp gỡ, trao đổi về kinh doanh du lịch trực tuyến.
Đồng thời, đây cũng là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xúc tiến, nghiên cứu và đào tạo về du lịch và thương mại điện tử nắm bắt thực tiễn và xu hướng phát triển du lịch trực tuyến trong giai đoạn tới.
Sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông đã thúc đẩy thương mại điện tử, bao gồm du lịch trực tuyến phát triển. Hiện nay, các công cụ trực tuyến đã tác động tích cực và đáng kể tới nhiều hoạt động du lịch như quảng bá thương hiệu, tiếp thị, đặt chỗ… Việc chủ động triển khai du lịch trực tuyến là một hoạt động thiết thực, phù hợp xu thế chung, đặc biệt là trong bối cảnh ngành du lịch có những bước phát triển vượt bậc trong những năm gần đây và dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới với mục tiêu phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng cục trưởng TCDL cho biết: “Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) trong báo cáo Các xu hướng du lịch châu Á năm 2016 cho thấy, du lịch ở châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục tăng trưởng ở mức cao nhất trên thế giới. Những yếu tố về dân số, thu nhập, công nghệ di động và mạng xã hội đang tác động mạnh mẽ đến du lịch ở khu vực này.
Tuy nhiên, khan hiếm nguồn nhân lực là một trở ngại lớn tới sự tăng trưởng trong giai đoạn tới, và Việt Nam không nằm ngoài xu hướng này.
Năm 2017, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tháng 6/2017, Quốc hội đã thông qua Luật Du lịch (sửa đổi). Ngành du lịch sẽ kiến nghị Chính phủ ban hành các chính sách và giải pháp để thúc đẩy phát triển du lịch trong thời gian tới. Trong đó, có sự quan tâm đúng mức tới du lịch trực tuyến và xu hướng du lịch mới nhằm đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030”.
Ước tính doanh số du lịch trực tuyến toàn cầu năm 2016 tăng 13,8% và đạt khoảng 565 tỷ USD. Thị trường châu Á-Thái Bình Dương và châu Mỹ La tinh góp phần chủ yếu cho sự tăng trưởng nhanh này. Thị trường Bắc Mỹ vẫn là thị trường du lịch trực tuyến lớn nhất năm nhưng năm 2017, châu Á-Thái Bình Dương sẽ chiếm ngôi đầu (sớm hơn 1 năm so với dự báo trước đó). Sự tăng nhanh chóng của du lịch trực tuyến ở Trung Quốc là động lực chính cho sự thay đổi này.
Tuy nhiên, nhiều nước khác ở khu vực này cũng có đà tăng trưởng du lịch trực tuyến nhanh hơn dự báo.
Tại khu vực Đông Nam Á, một báo cáo của Google dự đoán quy mô của du lịch trực tuyến sẽ tăng mạnh từ 22 tỷ USD năm 2015 lên 90 tỷ USD vào năm 2025.
Ngành du lịch là một trong những ngành chịu tác động nhanh chóng và sâu sắc của những tiến bộ về công nghệ. Công nghệ di động, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, mạng xã hội, kinh tế chia sẻ, internet vạn vật, blockchain, cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0), kinh tế tri thức… sẽ là những nhân tố thúc đẩy cũng như thách thức du lịch Việt Nam phát triển trong thời đại số.
Nguyễn Anh