Gặp gỡ 3 gương mặt Công dân trẻ tiêu biểu TPHCM
(Chinhphu.vn) - Ngày 1/1/2023, TPHCM sẽ tổ chức tuyên dương 12 gương Công dân trẻ tiêu biểu thuộc các lĩnh vực học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, lao động sáng tạo; lao động, sản xuất, cải cách hành chính, kinh doanh; văn hoá - nghệ thuật; công tác xã hội… Trong số đó phải kể đến 3 gương mặt trẻ có những đóng góp và thành tựu nổi bật trong nhiều năm qua.
"Cô bé vàng" của cờ tướng Việt Nam
Trong danh sách 12 Công dân trẻ tiêu biểu năm 2022 vừa được Thành đoàn TPHCM công bố, nữ sinh Đinh Trần Thanh Lam (sinh năm 2008), học sinh lớp 9/4 Trường THCS Hậu Giang, Phường 6, Quận 6 là người trẻ tuổi nhất.
Mọi người hay gọi Đinh Trần Thanh Lam là "cô bé vàng" triển vọng của làng cờ tướng Việt Nam. Dù mới là học sinh lớp 9 nhưng Thanh Lam đã có hơn 30 huy chương vàng, 5 huy chương bạc, 3 cúp vàng các giải đấu cờ tướng cấp thành phố, quốc gia và quốc tế.
Được truyền lửa đam mê cờ tướng từ ba, từ nhỏ Thanh Lam đã được dìu dắt, hướng dẫn, cô bé xuất sắc giành được huy chương vàng đầu tiên môn cờ tướng vào năm học lớp 2 tại Hội khỏe Phù Đổng TPHCM.
Đặc biệt, Thanh Lam từng lập hat-trick, đoạt cùng lúc 3 huy chương vàng lứa tuổi U10 ở 3 nội dung: Cờ nhanh, cờ chớp, cờ tiêu chuẩn. Gần đây nhất, tại Giải vô địch cờ tướng thế giới năm 2022 tại Kuching Malaysia, Thanh Lam đã xuất sắc giành Huy chương vàng trong nhóm tuổi U16.
Bên cạnh thành tích nổi bật trong lĩnh vực thể thao, Thanh Lam còn đạt danh hiệu học sinh giỏi 8 năm liền, 2 năm học gần nhất điểm trung bình đều đạt trên 8,5 điểm; là học sinh chuyên cấp quận môn Tin học năm học 2022 - 2023.
Mang về lợi ích kinh tế "khủng"
Một trong những gương mặt đáng chú ý của giải thưởng năm nay nữa là anh Phạm Quang Thắng (sinh năm 1993) hiện là Trưởng Phòng Nghiên cứu Công nghệ sinh học và thủy sản, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao, BQL Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM.
Phạm Quang Thắng không chỉ trực tiếp tham gia nghiên cứu các quy trình công nghệ thuộc lĩnh vực thủy sản, công nghệ sinh học để đưa ra các mô hình, sáng kiến áp dụng tại đơn vị mà còn trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất và chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp và người dân có nhu cầu tại TPHCM và các tỉnh lân cận.
Năm 2022, anh Thắng có 3 mô hình áp dụng vào thực tiễn, làm tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho đơn vị ứng dụng. Đó là sáng kiến "Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) thâm canh hai giai đoạn ứng dụng hệ thống giám sát môi trường (IoT) tại huyện Cần Giờ" với năng suất đạt 40 tấn/ha (mô hình nuôi truyền thống 7- 33 tấn/ha). Mô hình mang về tổng doanh thu hơn 3,9 tỷ đồng/năm; lợi nhuận hơn 1,4 đồng/năm (4 vụ).
Sáng kiến "Mô hình chế biến một số sản phẩm từ Sâm bố chính" mang về doanh thu 3,9 tỷ đồng/năm, lợi nhuận hơn 1,4 tỷ đồng/năm (10 vụ). Hay sáng kiến "Quy trình sản xuất bột hòa tan dưa hấu sấy thăng hoa" được áp dụng từ tháng 12/2019 đến nay với giá trị lợi nhuận khoảng 500-600 triệu/năm.
Trước đó, trong giai đoạn 2020 - 2021, anh Thắng cũng có 4 mô hình áp dụng vào thực tiễn, giúp làm tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho đơn vị ứng dụng với mức lợi nhuận từ 1,4-1,8 tỷ đông/năm.
Các mô hình trên không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn giúp giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Không chỉ trong nghiên cứu, gương mặt trẻ tiêu biểu Phạm Quang Thắng còn tham gia tích cực các hoạt động đoàn thể như phòng, chống dịch COVID-19, tham gia tập huấn và hỗ trợ tập huấn khoa học công nghệ trong chương trình "Trí thức trẻ tình nguyện",… Năm 2022, với những giải pháp, sáng kiến tiêu biểu, anh đã được trao tặng giải thưởng "Lương Định Của"; Bằng khen của Ủy ban Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TPHCM, Bằng khen của Thành đoàn TPHCM; Giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi…
Đưa nhạc cụ dân tộc đến gần hơn với khán giả
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống về nghệ thuật âm nhạc dân tộc, Đinh Nhật Minh (sinh năm 1996), nghệ sĩ sáo trúc Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen là thế hệ thứ ba kế thừa và phát huy những giá trị, đóng góp của gia đình đối với nghệ thuật dân tộc sáo trúc, ông của Minh là NSƯT sáo trúc Đinh Thìn, ba là NSƯT sáo trúc Đinh Linh và mẹ là NSƯT Ngô Tuyết Mai.
Được gia đình định hướng và tiếp cận với lĩnh vực nghệ thuật truyền thống từ năm 8 tuổi, năm 12 tuổi, Nhật Minh đã được UBND TPHCM cử đi học tại Học viện Nghệ thuật Quảng Tây, Trung Quốc theo diện học bổng tài năng trẻ của nhà nước chuyên ngành Sáo trúc.
Hơn 15 năm theo đuổi bộ môn nghệ thuật này, Nhật Minh gặt hái hơn 10 giải thưởng trong và ngoài nước, góp phần quảng bá nghệ thuật âm nhạc dân tộc đến với đông đảo bạn bè trên thế giới như Pháp, Đức, Phần Lan, CH Czech, Hungary, Bỉ, Ukraine, Hàn Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia…
Đặc biệt, năm 2022, Nhật Minh cùng đoàn văn nghệ sĩ của Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen tham gia Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc và xuất sắc đạt Huy chương Vàng với tiết mục độc tấu sáo trúc "Ký ức dòng sông" và Minh cũng đóng góp vào 1 Huy chương Bạc tứ tấu trong liên hoan này.
Với mong muốn đưa nghệ thuật dân tộc đến gần hơn đến giới trẻ, Nhật Minh luôn tích cực góp mặt trong các chương trình truyền hình, sản phẩm truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng. Minh chia sẻ: "Với tôi, việc góp mặt ở gameshow là một trong những cách đưa nhạc cụ dân tộc đến gần khán giả hơn, nhất là người trẻ".
Nhật Minh và gia đình đang duy trì những lớp học chơi nhạc cụ truyền thống miễn phí nhằm giữ gìn, lan toả tình yêu và lòng tự hào với nhạc cụ dân tộc tại nhà riêng.
Lệ Vũ