Giải bài toán bãi đỗ xe, đèn xanh đã sáng!

25/03/2017 9:29 AM

(Chinhphu.vn) - Việc các quận trung tâm TPHCM đồng loạt ra quân “đòi lại vỉa hè” cho người đi bộ đã khiến những bãi đỗ xe tự phát trên vỉa hè, lòng đường biến mất và câu chuyện về bãi đỗ xe lại trở nên nóng hơn trong những ngày qua. Tạo lan toả “cuộc chiến” lấy lại vỉa hè cho người đi bộ

Bãi đậu ôtô có thu phí tại công viên 23/9, Q.1, TPHCM - Ảnh: Hữu Khoa

Theo quy hoạch 930ha khu trung tâm của TPHCM, ngoài các bãi xe đang khai thác hiện nay, TPHCM còn quy hoạch 8 bãi đỗ xe ngầm với 15.000 chỗ đỗ xe ô tô. Chủ trương chung của thành phố là kêu gọi xã hội hóa để thực hiện các bãi đậu xe ngầm.

Nhưng sau ngót chục năm kể từ lúc dự án đầu tiên được thai nghén, đến nay vẫn chưa có bãi xe ngầm nào thành hình, dù có dự án đã động thổ được gần 10 năm.

Phí giữ xe thấp, nhà đầu tư khó cạnh tranh

Vì sao dự án được cho là khả quan nhất - bãi xe ngầm tại công viên Lê Văn Tám với chi phí đầu tư dự kiến 200 triệu USD cho hơn 100 nghìn mét vuông sàn và chỉ cần xây dựng trong 3 năm vẫn chưa thể tiến thêm bước nào đáng kể sau lễ động thổ vào tháng 8/2010?

Theo chủ đầu tư dự án, ông Lê Tuấn, tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển không gian ngầm (IUS), chính việc tổ chức trông giữ xe dưới lòng đường, vỉa hè với mức thu phí phổ biến là 20.000 đồng/lượt hiện nay đang tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa nhà nước với các nhà đầu tư bãi xe ngầm. Bởi suất đầu tư để xây dựng một chỗ đậu xe ngầm khoảng 50 nghìn USD, hết sức tốn kém. Tính ra, nếu giữ xe với mức giá quy định hiện nay thì thời gian hoàn vốn lên đến cả ....trăm năm! Trong khi ngân hàng chỉ cho vay với điều kiện 12 năm phải hoàn vốn.

Ông Tuấn còn dẫn chứng tại Singapore và Thái Lan hiện nay, phí đỗ xe dao động từ 5 - 8USD/giờ, nghĩa là mức giá 20.000 đồng/lượt đỗ xe hiện nay (trên các tuyến đường cho phép đậu xe) tương đương chưa tới 1USD. Trong khi đó, ngoại trừ chi phí nhân công, phần đầu tư cho bãi xe chủ yếu là xi măng, sắt thép tại Việt Nam chẳng có gì rẻ hơn hai người láng giềng trên. Mà nhân công để vận hành một bãi xe ngầm thật ra cũng không đáng là bao trên tổng vốn đầu tư một bãi xe. “Đây mới chính là chốt chặn lớn nhất với các nhà đầu tư hiện nay chứ không phải là các hạn chế về kỹ thuật hay công nghệ”, ông Lê Tuấn nhấn mạnh.

Ở một khía cạnh khác, khi nói về tiến độ chậm chạp của các bãi xe ngầm, tại cuộc gặp gỡ đầu năm giữa lãnh đạo thành phố và đại diện giới doanh nghiệp, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho rằng mặc dù suất đầu tư tương đối lớn nhưng với quy định về cơ cấu giữa khu đỗ xe và khu thương mại dịch vụ là 70% - 30% thì chưa nhà đầu tư nào có được phương án hoàn vốn khả thi.

Thành phố bắt tay điều tiết nhu cầu đỗ xe

Trong bối cảnh thiếu chỗ đỗ xe như hiện nay, việc cấp phép giữ xe trên một số tuyến đường được cho là giải pháp phù hợp nhưng các nhà đầu tư cho rằng, cần phải thay đổi cách làm.

Cụ thể, thay vì trông giữ xe không hạn chế giờ như hiện nay, nên áp dụng phương thức thu phí giữ xe theo giờ. Bên cạnh đó, chính quyền cũng cần phải có lộ trình tăng giá phí giữ xe, chỉ có như thế, các nhà đầu tư mới dám “xuống tiền” làm bãi giữ xe. Ví dụ năm nay phí đỗ xe trên lòng đường là 20.000 đồng/giờ thì sang năm có thể là 40 – 50.000 đồng/giờ và tăng lên theo thời gian.

Có vẻ cuối cùng thì thông điệp mang tính thị trường từ các nhà đầu tư và giới chuyên gia đã nhận được những tín hiệu “bật đèn xanh” đầu tiên của lãnh đạo TPHCM.

Theo đó, ngày 22/3, tại cuộc họp với các cơ quan chức năng và nhiều bên liên quan, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo Sở GTVT thành phố làm việc với nhà đầu tư 4 bãi xe ngầm ở khu vực trung tâm và hỗ trợ họ tháo gỡ khó khăn. Trường hợp nhà đầu tư không đủ năng lực triển khai thì chấm dứt dự án, mời nhà đầu tư khác. Ông Phong cũng chỉ đạo các sở, ngành liên quan tập hợp các cơ chế chính sách cần hỗ trợ nhà đầu tư, báo cáo UBND thành phố, nếu vượt thẩm quyền thì thành phố trình Chính phủ giải quyết.

Đáng chú ý, UBND TPHCM cũng đã đưa ra định hướng về thu phí dịch vụ giữ xe trên địa bàn. Trong đó nêu rõ “giá dịch vụ giữ xe phải điều chỉnh theo hướng tăng để hạn chế phương tiện cá nhân”. Và phí trông giữ xe cũng phải phân biệt giữa những nơi khai thác vì mục tiêu công ích và khai thác vì mục tiêu thương mại. Phí trông giữ xe cũng cần phân biệt giữa nội thành và ngoại thành. Đặc biệt, UBND thành phố chỉ đạo Sở Tài chính “nghiên cứu giá giữ xe theo giờ đối với các khu vực có phương tiện lưu thông lớn nhằm giảm tình trạng kẹt xe”.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND TPHCM cũng yêu cầu Sở GTVT tìm thêm những vị trí khác có thể xây dựng bãi giữ xe ngầm. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Sở Quy hoạch - Kiến trúc nhằm đảm bảo các dự án khai thác không gian ngầm được thực hiện đồng bộ, hiệu quả.

Như vậy, làm sao có đủ chỗ để xe không còn là chuyện ngắn hạn liên quan đến cái sự “đòi lại vỉa hè” nữa. Bởi những gì mà TPHCM đang theo đuổi là một trật tự đô thị được quản lý và vận hành gần hơn với hơi thở của thị trường. Định hướng đầy tính cởi mở và đột phá này được kỳ vọng sẽ mở ra một trang mới cho những nhà đầu tư đang tâm huyết với bài toán xây dựng những khu đỗ xe văn minh và hiện đại.

Sở GTVT TPHCM cho biết, quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020, diện tích dành cho hệ thống giao thông tĩnh (bến bãi) là 1.145,88ha, trong đó chỉ tiêu bãi đỗ ô tô 519,98ha.

Hiện tại, quận 1 đã xác định được 4 vị trí sẽ xây dựng bãi đậu xe ngầm gồm: Công viên Lê Văn Tám, sân khấu Trống Đồng, công viên Văn hóa Tao Đàn và sân vận động Hoa Lư.

Ngoài ra, trong khu vực trung tâm hiện hữu mở rộng của thành phố (gồm các quận 1, 3 và một phần quận 4, Bình Thạnh) dự kiến sẽ tìm kiếm thêm vị trí xây bãi đậu ô tô nữa. Những vị trí đang được xem xét gồm: Công viên 23/9, chợ Bến Thành, công viên Quách Thị Trang, bến Bạch Đằng, đường Nguyễn Huệ, công viên Chi Lăng.

Phương Hiền

Top