Giải đáp vướng mắc cho DN các chính sách về lao động, việc làm

24/05/2024 6:50 PM

(Chinhphu.vn) - Ngày 24/5, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố (ITPC) phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố tổ chức Hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp và Chính quyền Thành phố nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn liên quan đến việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về lao động, việc làm, an toàn lao động và giáo dục nghề nghiệp.

Giải đáp vướng mắc cho DN các chính sách về lao động, việc làm- Ảnh 1.
Giải đáp vướng mắc cho DN các chính sách về lao động, việc làm- Ảnh 2.

Lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố trả lời các thắc mắc từ doanh nghiệp. Ảnh: VGP/Anh Lê

Hội nghị thu hút hơn 400 đại diện của các DN đăng ký tham dự, tiếp nhận và giải đáp hơn 86 câu hỏi gửi trước của DN liên quan đến các vấn đề về chính sách đào tạo nguồn nhân lực và giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; hợp đồng lao động; đào tạo nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề; thử việc; trợ cấp thôi việc và các chế độ BHXH..

Tại hội nghị, đại diện các DN đã phản ánh tình trạng người lao động phải chờ đợi lâu và có thể đi lại nhiều lần khi đi giải quyết các chế độ BHXH một lần. Cụ thể, người lao động muốn làm thủ tục rút BHXH một lần phải đặt lịch làm việc với cơ quan BHXH trực tuyến qua mạng và chờ đợi 1-2 tháng mới tới lượt. Khi đến lượt có thể phát sinh các vấn đề về thủ tục, hồ sơ. Sau khi xử lý, hoàn thiện xong, muốn bổ sung hồ sơ, người lao động lại phải đặt lại lịch làm việc và mất thêm hơn 1 tháng chờ đợi nữa.

Phản hồi thắc mắc của doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Thanh, Phó Giám đốc BHXH TPHCM, cho biết: Thời gian trước do số người lao động rút BHXH một lần tăng cao nên đã xảy ra tình trạng ách tắc tại BHXH một số quận, huyện như báo chí đã thông tin. Để giải quyết tình trạng này, BHXH Việt Nam đã triển khai việc đặt lịch làm việc trực tuyến. Hiện tại TPHCM, khi đặt lịch thành công, người lao động được giải quyết đúng lịch hẹn đã đặt.

Theo ông Thanh, vấn đề người lao động phải chờ hơn 1 tháng mới tới lượt là vì khả năng giải quyết của cơ quan BHXH có hạn, chỉ có thể xử lý được một lượng hồ sơ nhất định trong ngày. Do vậy, nếu khi đặt lịch ở BHXH một quận, huyện nào đó mà thấy số thứ tự cách xa, có thể phải chờ lâu, người lao động có thể tiếp tục đặt lịch tại cơ quan BHXH khác (có thể có ít người đăng ký hơn) để rút ngắn thời gian chờ đợi.

Ông Thanh cũng cho biết từ năm 2024, cơ quan BHXH đã thông báo đến DN và người lao động về việc phải thực hiện thủ tục gộp sổ nếu có từ 2 số sổ BHXH trở lên. Tuy nhiên, vẫn có nhiều DN và người lao động chưa thực hiện, dẫn đến vướng mắc khi làm thủ tục hưởng các chế độ BHXH và kéo dài thời gian xử lý.

Trả lời chính sách đối với các trường hợp người lao động có thời gian làm việc thường xuyên cho DN từ đủ 12 tháng trở lên, khi mất việc làm, bà Lượng Thị Tới, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TPHCM cho biết: Trường hợp người lao động đã làm việc thường xuyên cho DN từ đủ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm theo quy định tại Khoản 11 Điều 34 của Bộ luật Lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động, cứ mỗi năm làm việc trả 1 tháng tiền lương nhưng ít nhất bằng 2 tháng tiền lương theo quy định tại Khoản 1 Điều 47 Bộ luật Lao động, kể cả trường hợp người lao động có tổng thời gian đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động bằng với thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.

Bên cạnh trả lời vướng mắc của các DN, tại Hội nghị, đại diện Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố còn giải thích chi tiết, cụ thể các chính sách, quy định pháp luật, góp phần tạo thuận lợi cho cộng đồng DN Thành phố trong việc thực thi các chính sách của Nhà nước một cách kịp thời, nhanh gọn và hiệu quả.

Anh Lê

Top