Giải pháp chống ngập mùa triều cường tại TPHCM
(Chinhphu.vn) - Mặc dù TPHCM đã vào mùa mưa nhưng theo dự báo từ nay đến tháng 2/2017, sẽ còn vài đợt triều cường vượt mức báo động 3.
Hệ thống bơm ly tâm chống ngập của Tập đoàn Quang Trung. |
Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, đợt triều cường giữa tháng 12 này được dự báo là có mực nước cao. Mực nước tại trạm Phú An (sông Sài Gòn) ngày 13/12 tới sẽ vượt mức báo động III với độ cao từ 1,55-1,6 m.
Đây là mức nước vẫn gây ra tình trạng ngập nặng ở TPHCM. Kết hợp với gió mùa Đông Bắc, triều cường giữa tháng 1, tháng 2/2017 tại trạm Phú An được dự báo là có thể xấp xỉ hoặc cao hơn mức báo động III.
Thoát nước ngay bằng bơm ly tâm
Trước tình trạng cứ mưa to hoặc có triều cường là ngập, nhiều người dân TPHCM đặt hy vọng vào giải pháp thoát nước nhanh mà UBND Thành phố đã thí điểm sau trận mưa lịch sử 40 năm mới có một lần xảy ra ngày 26/9. Đó là phương án gắn máy bơm ly tâm vào cống thoát nước trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, do Tập đoàn công nghiệp Quang Trung đề xuất.
Ông Nguyễn Tăng Cường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Quang Trung, cho biết, với giải pháp này, chỉ cần đặt máy bơm ly tâm tại một số vị trí mà không cần vớt rác, đào đường, lắp cống mới. Theo đó, hệ thống bơm hút công suất lớn được đặt tại các cửa xả nước tiếp giáp với sông sẽ tự động hút nước và các loại rác như cành cây, que, lá, giẻ rách, tóc, đá nhỏ (nặng dưới 0,2 kg). Rác sẽ được bộ lọc tách ra, được xe chuyên dụng mang đến nơi thu gom.
“Hệ thống bơm công suất 96.000 m3/h sẽ bơm và hút nước từ chỗ thấp lên chỗ cao, sử dụng trực tiếp hệ thống đường cống có sẵn của Thành phố, có thể đẩy nước xa tới 10.000 m, độ cao trên 5 m về một hướng mà nước không bị giội ngược lại do được trang bị van một chiều. Vì thế, khi mực nước sông cao hơn mực nước cống thoát, van bơm đẩy nước ra sông, không cho nước sông chảy ngược vào cống”, ông Cường giải thích.
Theo ông, hệ thống này phù hợp với những nơi có cốt nền thấp. Máy nổ chạy bằng dầu diesel nên không có nguy cơ rò điện khi vận hành trong môi trường nước. Do đặt ở nơi cuối cùng của cửa xả tiếp giáp với cống, việc bơm hút này không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động chung của Thành phố, giảm từ 60-70% chi phí nạo vét và thông cống.
Chỉ là giải pháp tình thế?
Đánh giá giải pháp chống ngập bằng bơm ly tâm, TS. Phạm Sanh, chuyên gia quy hoạch đô thị, cho rằng hệ thống chỉ hiệu quả nếu chống ngập tạm thời. Với bài toàn lâu dài thì cần quy hoạch lại hệ thống cống trong toàn Thành phố.
“Không nơi nào trên thế giới dùng bơm để thoát nước trong hàng chục năm. Bơm chỉ dùng trong các trường hợp bất khả kháng như chỗ trũng chưa kịp làm đê, lũ về quá nhanh, lượng mưa quá lớn, hay khu vực mới phát triển chưa xây dựng hệ thống cống hoàn chỉnh để thoát nước”, ông Sanh nói.
Chuyên gia này cũng lưu ý, việc dùng bơm trong cả mùa mưa sẽ rất tốn nhiên liệu, do phải tiếp xúc với hệ thống nước bẩn và nhiều rác nên máy sẽ rất nhanh hỏng.
TS. Ngô Hoàng Văn, Hội Nước và Môi trường TPHCM, thì cho rằng: “Thoát nước cưỡng bức với những trạm bơm thoát khổng lồ ở đây là phản khoa học. Công tác thoát nước mặt tại đô thị có nền cao bao giờ cũng phải ưu tiên thoát nước bằng tự chảy chứ không phải cưỡng bức bằng bơm”.
Theo ông Văn, vấn đề cần giải quyết là tình trạng vừa nâng cao nền đô thị vừa làm cống ngăn triều do thiếu hiểu biết về mối quan hệ giữa khoa học thoát nước mặt và khoa học quy hoạch đô thị.
Cũng phủ nhận tính khả thi của phương pháp bơm ly tâm, TS. Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường TPHCM, cho rằng nên chú trọng việc khai thông các kênh rạch bị lấn chiếm: “Một nguyên nhân quan trọng khiến Thành phố ngập ngày càng nặng là 20% số ao hồ, kênh rạch đã bị san lấp trong 40 năm qua. Với việc mất đi 3.506 ha diện tích chứa nước, Thành phố cũng mất khả năng chứa 25 triệu mét khối nước”.
Ngoài vấn đề kênh rạch, ông Thuận cho rằng Thành phố nên dừng việc phát triển về hướng nam (gồm một phần Quận 7, Quận 8, huyện Nhà Bè, Bình Chánh) vì đây là nơi trữ nước của Thành phố.
Khu vực hồ chứa của hệ thống kinh phân phối ngầm để thoát nước khỏi khu vực trung tâm thành phố Tokyo. Ảnh: The Japan Times |
Xây dựng hệ thống cống sự cố
Xây dựng hệ thống cống sự cố là một giải pháp mà TS. Phạm Sanh cho là rất cần thiết cho TPHCM nếu muốn giải bài toán chống ngập, với đường kính ống đủ thoát nước mà không tốn quá nhiều kinh phí.
“Với hệ thống cống đô thị thông thường, nếu xây cống cho trận mưa 100 năm (nghĩa là chịu được trận mưa lớn có tần suất 100 năm/lần) thì quá tốn kém, còn dùng cống nhỏ cho trận mưa 1-2 năm thì cứ mưa là ngập”, TS. Sanh nói. Tiêu chuẩn Việt Nam hiện nay quy định hệ thống cống đô thị phải có sức chịu tải trận mưa 5-10 năm.
“Vấn đề của chúng ta không phải là xây một cái cống thoát nước mà phải thiết kế một hệ thống cống với quy hoạch rõ ràng, cống trong hẻm có sức tải trận mưa 5 năm, cống ở đường phố là 20-25 năm, cống chảy qua kênh rạch phải là 50 năm”, TS. Sanh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, để đối phó với những trận mưa 100-200 năm, ông cho rằng TPHCM phải có hệ thống cống sự cố đường kính lớn, nước chảy qua đây sẽ đi ra hệ thống điều áp, trạm xả công suất lớn để bơm ra biển. Hầu hết các thành phố lớn như New York (Mỹ), Tokyo (Nhật), London (Anh) đều có hệ thống này.
Ngoài việc xây dựng cống sự cố, nhiều thành phố lớn trên thế giới cũng áp dụng các giải pháp thoát nước khác, nhất là các thành phố gần biển. London, Venice (Italy) xây cổng ngăn lũ trên sông Thames và Adriatic. Các thành phố Hà Lan bảo vệ mình bằng hệ thống chống lũ, thoát nước phức tạp gồm đê, đập, barrier…
(Theo Khoa học và Phát triển)