Giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ cho người cao tuổi tại Việt Nam
(Chinhphu.vn) - Việc chuyên nghiệp hóa nghề chăm sóc cho người cao tuổi tại Việt Nam không chỉ là một yêu cầu về mặt kỹ thuật, mà còn mang ý nghĩa xã hội sâu rộng. Đây là điều kiện để xây dựng một hệ thống chăm sóc có chất lượng, công bằng và nhân văn.

Dự án phát triển nguồn nhân lực trong chăm sóc người cao tuổi được công bố ngày 4/7 tại TPHCM. Ảnh: VGP/Lê Tuấn
Chiều ngày 4/7 tại TPHCM, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – Chi nhánh khu vực TPHCM phối hợp cùng sáng kiến Đầu tư cho Phụ nữ (Investing in Women – IW) và Chính phủ Australia tổ chức hội thảo chuyên đề "Chuyên nghiệp hóa nghề chăm sóc – Động lực phát triển của ngành dịch vụ dành cho người cao tuổi tại Việt Nam hướng tới bình đẳng giới và chăm sóc toàn diện"
Sự kiện có sự tham gia của đại diện các bộ, ngành trung ương, cơ quan hợp tác quốc tế và chuyên gia trong lĩnh vực dân số - an sinh xã hội.
Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số với tốc độ nhanh. Dự báo đến năm 2030, cứ 100 người dân sẽ có gần 18 người trên 60 tuổi, tương đương khoảng 18 triệu người cao tuổi trên cả nước. Thực tế này đặt ra nhu cầu ngày càng lớn về hệ thống dịch vụ hỗ trợ chăm sóc chuyên biệt, đặc biệt trong bối cảnh mô hình gia đình truyền thống đang dần thay đổi, khả năng tự chăm sóc của người cao tuổi bị giới hạn, trong khi lực lượng lao động phi chính thức trong ngành chăm sóc vẫn chưa được nhìn nhận đúng vai trò.
Ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chi nhánh TPHCM nhận định: Việc chuyên nghiệp hóa nghề chăm sóc không chỉ là một yêu cầu về mặt kỹ thuật, mà còn mang ý nghĩa xã hội sâu rộng. Đây là điều kiện để xây dựng một hệ thống chăm sóc có chất lượng, công bằng và nhân văn, đồng thời góp phần tạo thêm cơ hội việc làm phù hợp trong bối cảnh chuyển dịch dân số.
Theo báo cáo từ Bộ Y tế, hiện nay cả nước mới chỉ có một số mô hình thí điểm đào tạo nhân lực chăm sóc người cao tuổi tại một vài trường cao đẳng, chủ yếu gắn với lĩnh vực điều dưỡng hoặc công tác xã hội. Các khung chương trình đào tạo về chăm sóc dài hạn và phi y tế vẫn chưa được thống nhất trên toàn quốc.

Bà Sarah Hooper, Tổng Lãnh sự Australia tại TPHCM chia sẻ về Dự án GRACE. Ảnh: VGP/Lê Tuấn
Định hướng chiến lược của ngành y tế đến năm 2030 xác định rõ: Cần thiết lập nghề chăm sóc như một lĩnh vực độc lập, có hệ thống tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, đồng thời tạo hành lang pháp lý để công nhận nghề nghiệp và bảo vệ người lao động trong lĩnh vực này.
Tại hội thảo, Dự án GRACE (Geriatric Care Resources and Career Empowerment) được giới thiệu như một sáng kiến đang trong giai đoạn triển khai thử nghiệm, với mục tiêu phát triển mô hình đào tạo nghề chăm sóc người cao tuổi theo hướng bài bản và thực hành. Dự án kéo dài 18 tháng (06/2025 - 12/2026), do một số tổ chức giáo dục - đào tạo hợp tác thực hiện cùng cơ quan chuyên môn trong nước.
Bà Sarah Hooper, Tổng Lãnh sự Australia tại TPHCM chia sẻ: Chúng tôi ủng hộ các sáng kiến giúp xây dựng lực lượng lao động chăm sóc được đào tạo đúng chuẩn, được công nhận về chuyên môn và có mức thu nhập ổn định, xứng đáng. Đây là một phần trong cam kết của chúng tôi đối với phát triển một xã hội bao trùm và bình đẳng tại Việt Nam.
Dự án GRACE hướng đến việc xây dựng khung đào tạo kết hợp kỹ năng thực hành và kiến thức xã hội, tập trung vào các hoạt động hỗ trợ sinh hoạt, tương tác xã hội và chăm sóc cơ bản tại cộng đồng. Dự án cũng mở rộng đối tượng tiếp cận cho người trung niên, người chuyển nghề và phụ nữ quay lại thị trường lao động, đồng thời phối hợp tìm kiếm đầu ra việc làm thông qua các mô hình hợp tác địa phương.
Các đại biểu tham dự hội thảo nhấn mạnh việc chuyên nghiệp hóa nghề chăm sóc cần tiếp cận theo hướng dài hạn, có sự phối hợp liên ngành và phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Trong đó, cần hoàn thiện khung pháp lý về công nhận nghề, tiêu chuẩn hóa chương trình đào tạo, thiết lập cơ chế giám sát chất lượng dịch vụ và bảo vệ quyền lợi của người lao động.
Lê Tuấn