Giữ gìn ký ức lịch sử - Bài 1: Chuyện của người trong cuộc

30/04/2023 7:43 AM

(Chinhphu.vn) - Với những người đi qua bao mất mát, chia cắt của chiến tranh, thời khắc đất nước chiến thắng, non sông thống nhất là ký ức khó có thể quên.

Giữ gìn ký ức lịch sử - Bài 1: Chuyện của người trong cuộc - Ảnh 1.

Với nguyên Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, nguyên Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM, Chủ tịch HĐND TPHCM, Bí thư Thành đoàn TPHCM Phạm Chánh Trực, những ngày dấn thân vì thành phố, vì đất nước bao giờ cũng đẹp và đáng quý - Ảnh: VGP/Nguyễn Trần

Nhớ mãi ngày 30/4 lịch sử

Cuối tháng 3 năm 1975, khi đang làm Bí thư Thành đoàn TPHCM, nhận lệnh từ Thành ủy, ông Phạm Chánh Trực (bí danh Năm Nghị) về làm Bí thư Ban Cán sự quận 11, chuẩn bị kế hoạch phát động nhân dân giành chính quyền cơ sở khi thời cơ chín muồi. Vừa đến nơi, ông gặp các đồng chí cán bộ trong nội thành ra họp bàn kế hoạch vận động quần chúng, rà soát các điểm đóng chốt của địch, vạch sẵn các vị trí sẽ chiếm lĩnh. Sau đó, cánh ông Trực tập trung về khu vực ven đô (huyện Bình Chánh).

Những ngày cuối tháng 4 lịch sử, cả thành phố xôn xao, tin tức từ chiến trường đổ về rất nhanh. Khi hay tin Quân đoàn 2 ở Tây Nguyên tan rã, tháo chạy, ai cũng ngóng chờ ngày quân giải phóng về Sài Gòn, chờ ngày cuộc chiến tranh chống Mỹ kết thúc sau 21 năm đằng đẵng thương đau.

Chiều tối ngày 29/4, cánh ông Trực từ Bình Chánh vào áp sát ven đô (quận Tân Bình), sẵn sàng tiến về trung tâm quận 11 thực hiện kế hoạch đã lên sẵn. Lúc 9 giờ 30 ngày 30/4/1975, lời Tổng thống Việt Nam cộng hòa Dương Văn Minh ra lệnh quân đội Sài Gòn "án binh bất động" lặp đi lặp lại trên sóng của Đài phát thanh Sài Gòn. Cả thành phố rộn ràng niềm vui khi biết thời cơ tổng tấn công và nổi dây đánh đổ chính quyền Sài Gòn đã đến.

Trong lúc đang đào hầm chống phản kích, nghe tin tình hình đột biến, cánh ông Trực lập tức vác ba lô, súng đạn lên nòng, chạy bộ về hướng quận 11, nhằm thẳng mục tiêu phát động nhân dân giải phóng quận 11.

Cánh ông Trực gồm khoảng 20 người có vũ trang di chuyển nhanh đến Ty cảnh sát kế bên Dinh quận 11, dân chúng đổ ra đường chạy theo, già trẻ lớn bé ai nấy đều reo hò phấn khởi. "Sau khi chiếm lĩnh Ty cảnh sát, chúng tôi tiến chiếm Dinh quận. Tôi yêu cầu anh em bố trí ngay lực lượng bảo vệ đề phòng phản kích. Bố trí xong, anh em chia nhau đi lục soát xung quanh. Anh em chiến sĩ trong đoàn gặp lại cơ sở của mình tại quận. Lập tức, tôi bàn với các đồng chí trong Ban Cán sự quận 11 huy động toàn bộ cơ sở bí mật lúc bấy giờ chia nhau đi giành chính quyền tại các phường. Tới chiều ngày 30/4, quận 11 giải phóng, các Ủy ban Cách mạng lần lượt được thiết lập", ông Trực kể lại.

Đã 48 năm trôi qua, ông Trực vẫn nhớ như in khoảnh khắc người dân xuống đường mừng thành phố chấm dứt chiến tranh, hoàn toàn giải phóng. Cách mạng đã về. Khí thế ngất trời, đồng bào ta tưng bừng phấn khởi trong ngày hòa bình, non sông thống nhất.

Giữ gìn ký ức lịch sử - Bài 1: Chuyện của người trong cuộc - Ảnh 2.

Bức ảnh kỷ niệm lễ ra quân Lực lượng Thanh niên xung phong vào ngày 28/3/1976 được nguyên Bí thư Thành đoàn TPHCM giữ gìn cẩn trọng

Chung tay dựng xây thành phố

Các cánh nội thành đã chiếm lĩnh hoàn toàn các quận huyện. Các quận khẩn trương mở kho quân nhu phân phát gạo cứu đói cho đồng bào. Tuổi trẻ thành phố xuống đường thu gom súng đạn, dọn dẹp vệ sinh, điều khiển giao thông, chia nhau đi xóa tàn tích văn hóa phản động, văn hóa đồi trụy… Khắp thành phố tổ chức trình diện binh lính, sĩ quan và công chức chính quyền Sài Gòn, mở lớp tuyên truyền giáo dục chính sách Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, nhanh chóng thành lập chính quyền cách mạng ở cơ sở và các cấp. Tiếp đó, các nhà máy, xí nghiệp bắt đầu hoạt động trở lại. Đặc biệt là điện, nước không lúc nào ngưng hoạt động, vì cơ sở cách mạng đã chủ động nắm giữ nhà máy từ trước.

Sau niềm vui chiến thắng, mọi thứ thật bộn bề, khó khăn lại bủa vây. Chiến tranh không chỉ làm dân đói khổ triền miên mà kinh tế cũng rệu rã. Sau ngày giải phóng, cả thành phố ngập tràn người thất nghiệp. Thất nghiệp và thiếu đói là hai vấn đề khẩn cấp cần được chính quyền tập trung giải quyết lúc bấy giờ. Thời điểm đó, ông Trực đã được điều động trở lại Thành đoàn hoạt động trong cương vị cũ.

Tháng 7 năm 1975, một cuộc họp bàn cách giải quyết tình trạng thất nghiệp tại thành phố, Thành đoàn quyết định tổ chức một đại đội thanh niên ra ngoại thành ở huyện Củ Chi tổ chức khai hoang, gỡ mìn, trồng trọt… Nhiều thay đổi tích cực bắt đầu xuất hiện.

Từ thí điểm ban đầu, tám tháng sau, theo sự chỉ đạo của Thành ủy TPHCM, Thành đoàn tổ chức lễ ra quân 10.000 Thanh niên xung phong, tuổi trẻ thành phố bước vào giai đoạn mới, nỗ lực phục hồi kinh tế sau tổn thất nặng nề của cuộc chiến kéo dài.

Ông Trực kể lại tình hình lúc bấy giờ: "Thành đoàn huy động con em đồng bào từ cơ sở, nhân dân rất đồng tình ủng hộ. Toàn thành phố ủng hộ công cuộc ra quân Thanh niên xung phong này. Không chỉ về vùng ven thành phố khai hoang phục hóa, lực lượng Thanh niên xung phong còn được đưa về nhiều tỉnh thành ở miền Nam tham gia các mô hình kinh tế mới. Xe cộ đâu đưa cả 10.000 Thanh niên xung phong đi các nơi? Rồi phải trang bị cuốc xẻng, quần áo, võng dù, dụng cụ thô sơ, thuốc men y tế… tốn kém nhiều lắm mà trong tay chính quyền lúc bấy giờ đâu có tiền. Thế nhưng, cuối cùng cũng huy động được trong thời gian ngắn. Đó là tinh thần cách mạng, sự quyết tâm của tổ chức, sự ủng hộ của nhân dân lo cho "đoàn quân" mới mẻ này".

Ông Trực nói, cuộc ra quân Thanh niên xung phong thời điểm ấy được đánh giá cao vì đã tạo nên bước chuyển biến mạnh mẽ trong giai đoạn mới. Đó là một đột phá cách mạng, chuyển ý thức xã hội từ một thành phố phục vụ chiến tranh sang xây dựng hòa bình, từ ăn bám viện trợ nước ngoài sang lao động sản xuất, tự lực tự cường. Thanh niên xung phong là tập hợp đa dạng các thành phần nên được xem là một điển hình của "tinh thần hòa hợp dân tộc". Với lực lượng cán bộ, đoàn viên thanh niên cộng sản làm nòng cốt, lực lượng Thanh niên xung phong còn tập hợp được đội ngũ trí thức trẻ, đông đảo học sinh, sinh viên và cả những thanh niên thất nghiệp, công chức và binh lính rã ngũ, thanh niên lỡ lầm… Tất cả cùng chung tay tạo nên sức trẻ cùng thành phố vượt qua giai đoạn khó khăn, xây dựng cuộc sống mới.

Cầm trên tay bức ảnh kỷ niệm ngày ra quân Lực lượng Thanh niên xung phong của Thành đoàn năm 1976, bên cạnh là đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Văn Kiệt, ông Trực hào hứng kể lại những ngày tuổi trẻ thành phố hăng say "lên rừng xuống biển", góp sức dựng xây đất nước. Được góp phần cống hiến trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, được tận mắt chứng kiến thời khắc thành phố giải phóng, đất nước thống nhất, được chung tay dựng xây đất nước, với những người bước qua cuộc chiến như ông Trực, đó là niềm tự hào vô cùng to lớn.

Nguyễn Trần

Bài 2: Bức ảnh đặc biệt

Top