Hành trình 48 năm vượt khó và phát triển của đầu tầu kinh tế TPHCM

30/04/2023 9:25 AM

(Chinhphu.vn) - Ngày 30/04/1975, Sài Gòn được giải phóng, bước ngoặt to lớn của lịch sử cũng khởi đầu cho công cuộc phát triển kinh tế đầy khó khăn nhưng cũng hết sức ngoạn mục của Thành phố mang tên Bác.

Kinh tế TPHCM: Hành trình 48 năm phát triển  - Ảnh 1.

Vượt qua những khó khăn, thách thức, kể từ ngày non sông về một mối, TPHCM luôn khẳng định vị thế của một đô thị “văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, có đóng góp to lớn cho cả nước không chỉ thể hiện qua các con số ấn tượng, mà còn là tư duy đổi mới, sáng tạo, đột phá - Ảnh: VGP

Giai đoạn đầu (1976 - 1985), cùng với cả nước, TPHCM bước vào công cuộc xây dựng CNXH trong bối cảnh đất nước gặp muôn vàn khó khăn của một nước mới trải qua 30 năm chiến tranh, lại phải đối phó với 2 cuộc chiến tranh biên giới, nền kinh tế lại đang vận hành theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung, do vậy tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Thành phố chỉ đạt trung bình 2,7%/năm. Điều quan trọng của giai đoạn này là Thành phố đã nỗ lực chăm lo đời sống của người dân, đồng thời không ngừng tìm tòi, đổi mới, đột phá từ thực tiễn để "tự cởi trói", góp phần cùng cả nước chuẩn bị những tiền đề cho đổi mới kinh tế giai đoạn tiếp theo.

Giai đoạn bắt đầu đổi mới (1986 - 1995), cùng với cả nước TPHCM đã bước vào công cuộc đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế. Tăng trưởng kinh tế Thành phố đã gia tăng nhanh chóng, nếu những năm đầu đổi mới (1986 - 1990) GRDP của Thành phố tăng trưởng bình quân đạt 7,82%/năm (tính theo giá so sánh 1994), 5 năm tiếp theo (1991 - 1995) tăng trưởng kinh tế Thành phố đạt trung bình 12,62%/năm. Đây là giai đoạn vai trò đột phá, đầu tàu kinh tế của Thành phố phát huy mạnh mẽ, đầu tư nước ngoài gia tăng nhanh chóng, đạt trung bình 67,97%/năm (1991 - 1995). Cơ cấu kinh tế của Thành phố đã có sự chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, trung tâm dịch vụ chất lượng cao của cả nước.

Giai đoạn đẩy nhanh CNH, HĐH (1996 - 2010), TPHCM đã gia tăng tốc độ phát triển kinh tế, khẳng định vị thế và vai trò của đầu tàu kinh tế Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam (KTTĐPN) và cả nước. Tăng trưởng kinh tế Thành phố đạt tốc độ bình quân 2 con số (1996 - 2000: 10,11%; 2001 - 2005: 11% và 2006 - 2010: 11,18%/năm, giá so sánh năm 1994), đưa Thành phố trở thành một trong số rất ít địa phương của cả nước đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số trong thời gian dài. GRDP bình quân đầu người của Thành phố đã tăng từ 700 USD (1996) lên xấp xỉ 5.000 USD (2010).

Đây cũng là giai đoạn tăng trưởng kinh tế của Thành phố chuyển biến tích cực từ chiều rộng sang chiều sâu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển biến quan trọng, theo hướng gia tăng khu vực dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp. Năm 2010 tỷ trọng giữa 3 khu vực dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp tương ứng là 55,98%; 42,96% và 1,06%. TPHCM có vai trò quan trọng trong đóng góp vào GDP và ngân sách của cả nước, giữ vững vị trí đầu tàu, đi đầu đổi mới - sáng tạo trong công cuộc phát triển kinh tế của cả nước.

Giai đoạn phát triển kinh tế theo chiều sâu (2011 - 2020), tăng trưởng kinh tế Thành phố đạt bình quân 6,86%/năm, vượt mức tăng trưởng chung của cả nước (5,96%) và cả Vùng KTTĐPN (6,31%). Quy mô GRDP của Thành phố năm 2020 (theo giá năm 2010) chiếm 25,79% của cả nước và chiếm 51,11%  vùng KTTĐPN. TPHCM có mật độ doanh nghiệp/1000 dân dẫn đầu cả nước, vượt xa mức bình quân của cả nước với 27,6 doanh nghiệp/1000 dân so với 8,3 doanh nghiệp/1000 dân (2020).

Quy mô kinh tế của Thành phố năm 2020 tăng gấp 2,7 lần năm 2010, thu nhập bình quân đầu người của TPHCM năm 2020 tăng gấp 2,39 lần so với năm 2010. Kinh tế Thành phố tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện chất lượng tăng trưởng kinh tế trên nền tảng ứng dụng khoa học và công nghệ, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tập trung vào các ngành công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao.

Cũng trong giai đoạn 2011 - 2020, TPHCM tiếp tục phát huy vai trò động lực trong thu hút nguồn vốn FDI, đi đầu trong phát triển dịch vụ gắn với công nghệ hiện đại, có đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu và thu ngân sách của cả nước. Năng lực và vị thế kinh tế của Thành phố được khẳng định qua chỉ tiêu "mật độ kinh tế" so với Vùng KTTĐPN và cả nước. Nếu năm 2010 mật độ kinh tế của Thành phố gấp 7,18 lần so với cả vùng và gấp 38,25 lần so với cả nước, thì năm 2020 đã tăng lên tương ứng là 7,56 lần và 41,49 lần. Năm 2020, mật độ kinh tế của Thành phố đã gấp 1,94 lần năm 2010 (theo giá  năm 2010).

Giai đoạn 2021 đến nay, do tác động của đại dịch COVID-19, kinh tế TPHCM đã suy giảm lớn. Nếu năm 2020, khi đại dịch COVID-19 hoành hành trên phạm vi cả nước và hầu hết các nước trên thế giới, kinh tế TPHCM chỉ duy trì được tốc độ tăng trưởng 1,4% (cả nước 2,91%), thì năm 2021, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là Vùng KTTĐPN và TPHCM, tăng trưởng kinh tế Thành phố đã giảm sâu (-6,78%) trong khi cả nước vẫn duy trì được tỷ lệ tăng trưởng GDP là 2,58%.

Năm 2022, kinh tế cả nước và TPHCM đã phục hồi nhanh chóng, trong đó TPHCM tăng trưởng đạt 9,03% vượt xa kế hoạch đề ra (6 - 6,5%), thu ngân sách của Thành phố đạt 122% dự toán, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2021, đóng góp khoảng 26,5% tổng thu ngân sách của cả nước. Tuy nhiên, sự gia tăng này được đánh giá là chưa bền vững và sẽ gặp khó khăn hơn trong năm 2023 (đây cũng là nhận định chung đối với tình hình cả nước). Thực tế cho thấy, Quý I/2023, tăng trưởng kinh tế của TPHCM chỉ đạt tỷ lệ 0,7% so với cả nước là 3,32%, đây là tỷ lệ thấp ngoài dự báo, trong khi kế hoạch của Thành phố năm 2023 tăng trưởng từ 7,5 - 8,0%. Đây cũng là một thách thức lớn của Thành phố trong năm 2023.

Nhìn lại chặng đường 48 năm phát triển kinh tế của TPHCM kể từ ngày non sông về một mối (30/04/1975) để tự hào về những nỗ lực, đổi mới, sáng tạo, tiên phong và đóng góp to lớn của TPHCM đối với quá trình phát triển kinh tế chung của cả nước, vượt qua những khó khăn, thách thức, TPHCM luôn khẳng định vị thế của một đô thị "văn minh, hiện đại, nghĩa tình", có đóng góp to lớn cho cả nước không chỉ thể hiện qua các con số ấn tượng, mà còn là tư duy đổi mới, sáng tạo, đột phá. TPHCM cùng với Vùng KTTĐPN trong các thập kỷ qua, đã thể hiện vai trò của Vùng Kinh tế động lực của cả nước, trong đó TPHCM giữ vai trò đầu tàu, kết nối.

Kinh tế TPHCM: Hành trình 48 năm phát triển  - Ảnh 2.

Hàng loạt dự án hạ tầng lớn trên địa bàn chuẩn bị khánh thành, khởi công, sẽ đầu tư như: metro số 1, nhà ga T3, đường vành đai 3, các tuyến giao thông liên vùng, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ… cùng những cơ chế, chính sách đặc thù sẽ được ban hành tới đây đang được kỳ vọng mở ra một giai đoạn phát triển mới cho TPHCM - Ảnh: VGP

Kỷ niệm 48 năm ngày giải phóng đất nước (30/04/1975), cũng cần nhận thức sâu hơn về những hạn chế, bất cập và thách thức mà kinh tế TPHCM đang phải đối mặt, điều này không những có ảnh hưởng đến sự đóng góp của nền kinh tế Thành phố, mà còn là nguyên nhân làm suy giảm tương đối vị thế, vai trò của kinh tế Thành phố đối với Vùng KTTĐPN và cả nước.

Thứ nhất, tiềm năng, thế mạnh vốn có của Thành phố về địa - kinh tế, nguồn lực (đặc biệt là nguồn nhân lực), năng lực đột phá - sáng tạo của Thành phố đang gặp các rào cản, đó là thể chế quản lý, trách nhiệm tự chủ và phân bổ nguồn lực đối với một đô thị hiện đại, tháo gỡ khó khăn về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhất là giao thông liên vùng và nội vùng.

Thứ hai, mô hình tăng trưởng kinh tế Thành phố đã được xác định theo hướng phát triển theo chiều sâu dựa trên nền tảng KHCN đổi mới - sáng tạo, song cấu trúc kinh tế của Thành phố vẫn còn những bất cập. Các ngành công nghiệp của Thành phố vẫn chưa có sự đột phá đối với các ngành công nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại, trong khi các ngành công nghiệp truyền thống vẫn giữ tỷ trọng cao trong cơ cấu công nghiệp của Thành phố (dệt may, chế biến nông sản, hóa nhựa…). Lĩnh vực dịch vụ cần có các đột phá như Logistics, vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng - hậu cần hàng hải, kinh doanh bất động sản, thông tin tư vấn, khoa học công nghệ, du lịch…

Thứ ba, TPHCM là trung tâm KHCN, đào tạo - khởi nghiệp lớn của cả nước, có vai trò đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy liên kết, hợp tác và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, sự liên kết - phát triển giữa các đơn vị nghiên cứu, đào tạo và các cơ sở sản xuất - kinh doanh chưa được phát huy hiệu quả.

Thứ tư, tăng trưởng và phát triển kinh tế của Thành phố phải đặt trong thể chế liên kết vùng và liên vùng, song mối quan hệ, liên kết giữa TPHCM với các địa phương trong Vùng KTTĐPN và các vùng kinh tế của cả nước còn khá nhiều bất cập và hạn chế, chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh, nội lực của các địa phương. Thể chế liên kết và hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại đang là một "điểm nghẽn" đã hạn chế động lực tăng trưởng và phát triển không chỉ của TPHCM và còn cả các địa phương khác.

Thứ năm, đội ngũ cán bộ quản lý năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và năng lực quyết đoán, tự chịu trách nhiệm, vốn là thế mạnh của TPHCM từ nhiều năm qua, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới - hội nhập quốc tế, song những năm gần đây do các nguyên nhân khách quan và chủ quan có biểu hiện "trùng lại". Điểm nghẽn ở đây, xét đến cùng thuộc về năng lực và bản lĩnh của đội ngũ cán bộ quản lý, bên cạnh đó là cơ chế quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ.

Khắc phục những khó khăn, điểm nghẽn nêu trên, chính là các yêu cầu đặt ra và đòi hỏi phải có các giải pháp vừa có tính cấp thiết, vừa có tính chiến lược lâu dài. Đây cũng là điều trăn trở và kỳ vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố.

Những việc làm của lãnh đạo TPHCM, những chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đối với TPHCM và Vùng KTTĐPN vừa qua nhằm phát huy vai trò đầu tàu kinh tế của TPHCM đang được kỳ vọng sẽ tạo ra những động lực tích cực giúp Thành phố sớm tháo gỡ những khó khăn, thách thức trên con đường phát triển để đạt mục tiêu "đến năm 2025 TPHCM sẽ là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng KTTĐPN và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo", và "đến năm 2030, TPHCM sẽ là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu kinh tế số, xã hội số".

PGS.TS Nguyễn Chí Hải
Trưởng Khoa Kinh tế, Đại học Kinh tế - Luật (ĐHQG TPHCM)

Top