Gỡ nút thắt, khuyến khích người dân sử dụng năng lượng tái tạo

10/04/2025 2:44 PM

(Chinhphu.vn) - Việc Chính phủ ban hành Nghị định 58/2025/NĐ-CP là một bước tháo gỡ rất lớn không chỉ cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mà còn cho cả doanh nghiệp và người dân có nhu cầu đầu tư vào năng lượng sạch nhằm giảm chi phí điện năng.

Gỡ nút thắt, khuyến khích người dân sử dụng năng lượng tái tạo- Ảnh 1.

Ông Đinh Hồng Kỳ, Phó Chủ tịch HUBA chia sẻ tại tọa đàm "Năng lượng sạch và giải pháp giảm chi phí điện cho người dân, doanh nghiệp diễn ra ngày 10/4. Ảnh: VGP/Lê Anh

Đây là chia sẻ của ông Đinh Hồng Kỳ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) khi tham dự tọa đàm "Năng lượng sạch và giải pháp giảm chi phí điện cho người dân, doanh nghiệp" do Báo Người Lao động tổ chức ngày 10/4.

Ông Đinh Hồng Kỳ, cho biết, các doanh nghiệp TPHCM không chỉ đầu tư trong Thành phố mà còn mở rộng ra nhiều tỉnh thành khác. Hiện nay, nhu cầu lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà rất lớn và mang tính cấp bách. Việc sử dụng năng lượng sạch như một giải pháp bổ sung, thay thế nguồn điện từ EVN là vô cùng quan trọng nhằm giảm chi phí về điện trong hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

TPHCM - đẩy mạnh tham gia phát triển điện mặt trời mái nhà

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM về các chương trình mục tiêu quốc gia trong việc sử dụng điện tiết kiệm, an toàn và hiệu quả giai đoạn 2019-2030, cũng như các kế hoạch của TPHCM, Sở Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với ngành điện để triển khai các hoạt động sử dụng và phát triển năng lượng xanh trên địa bàn Thành phố.

Bà Ngọc cho biết, hằng năm, việc cập nhật công nghệ mới là một trong những nội dung được chú trọng. Từ góc độ của Sở, chúng tôi luôn nỗ lực lan tỏa thông tin, truyền thông đến người dân và doanh nghiệp, nhằm nâng cao nhận thức và hướng dẫn sử dụng năng lượng một cách hiệu quả, tiết kiệm và an toàn.

Về đề án phát triển điện mặt trời mái nhà, hiện nay Chính phủ đã ban hành các nghị định cụ thể, nhất là Nghị định 58/2025/NĐ-CP, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để triển khai rộng rãi. Sở Công Thương đã phối hợp với EVN xây dựng bộ thủ tục hành chính công khai, minh bạch để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và các hộ kinh doanh dễ dàng tiếp cận và thực hiện.

Tính đến thời điểm hiện tại, Sở Công Thương đã tiếp nhận 5 hồ sơ đăng ký và đã cấp giấy chứng nhận. Qua buổi tọa đàm hôm nay, chúng tôi rất mong muốn người dân và doanh nghiệp tiếp tục triển khai các dự án điện mặt trời mái nhà, góp phần giảm chi phí sử dụng điện và tăng tỉ lệ năng lượng sạch cho TPHCM.

Gỡ nút thắt, khuyến khích người dân sử dụng năng lượng tái tạo- Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM. Ảnh: VGP/Lê Anh

Đối với khối công, TPHCM hiện có Nghị quyết 98 của Quốc hội cho phép sử dụng các trụ sở công như bệnh viện, trường học... để triển khai lắp đặt điện mặt trời mái nhà. Sở Công Thương đang phối hợp với các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan triển khai đề án này. Dự kiến khoảng 50% trụ sở công sẽ tham gia, với tổng cộng 430 tòa nhà và tổng kinh phí hơn 640 tỷ đồng.

Ông Phạm Thanh Trực, Phó trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TPHCM (Hepza) cho biết, tại các khu chế xuất (KCX) và khu công nghiệp (KCN), nhiều doanh nghiệp đã và đang triển khai lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời trên mái nhà xưởng.

Ông Trực cho biết, theo quy định tại Nghị định 58, việc cho thuê mái nhà để lắp đặt hệ thống điện mặt trời không bị cấm. Vì vậy, doanh nghiệp có nhu cầu cho thuê mái nhà hoặc hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực này cần thực hiện điều chỉnh giấy phép đăng ký kinh doanh, và có thể đăng ký qua hình thức trực tuyến.

Tuy nhiên, các DN cần lưu ý một số vấn đề pháp lý và kỹ thuật bởi các nhà xưởng tại KCX-KCN trước đây được thiết kế phục vụ cho hoạt động công nghiệp, nên khi muốn lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời, doanh nghiệp cần thực hiện các thủ tục cải tạo, sửa chữa công trình, đồng thời phải đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành về kết cấu công trình, công năng sử dụng, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường...

Xem xét việc nâng mức bán điện vượt ngưỡng 20% để khuyến khích DN

Hiện TPHCM có 17 khu công nghiệp, với tổng diện tích khoảng 3.790 ha. Theo quy hoạch đến năm 2060, tổng diện tích các KCN được mở rộng lên hơn 8.000 ha. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển và khai thác điện mặt trời mái nhà tại các KCX-KCN là rất lớn, nếu được thực hiện đúng quy định và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan.

Ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) cho biết, kể từ khi Nghị định 58 được ban hành, số lượng khách hàng lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà đã lên gần 500 khách hàng chủ yếu là các khách hàng lớn với tổng công suất khoảng 46 MWp. Sắp tới, các doanh nghiệp lớn như Samsung, các nhà máy trong Khu công nghiệp Đông Nam sẽ tiếp tục triển khai lắp đặt hệ thống trên mái nhà xưởng, dự báo sản lượng điện mặt trời sẽ tăng đáng kể.

Gỡ nút thắt, khuyến khích người dân sử dụng năng lượng tái tạo- Ảnh 3.

TS. Hà Đăng Sơn, chuyên gia năng lượng kiến nghị nâng mức bán điện vượt 20%. Ảnh: VGP/HT

"Ngành điện TPHCM rất mong muốn người dân và doanh nghiệp tiếp tục đồng hành cùng chúng tôi trong việc phát triển năng lượng tái tạo cũng như áp dụng các giải pháp tiết kiệm điện để giảm chi phí sử dụng điện", ông Kiên nói.

TS. Hà Đăng Sơn, chuyên gia năng lượng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh cho biết, hiện nay, lượng điện dư thừa từ hệ thống mặt trời mái nhà chỉ được phép bán ra ở mức 10-20% tổng công suất. Vì vậy, cần xem xét việc nâng mức bán điện vượt ngưỡng 20% để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nguồn năng lượng sạch. Một giải pháp có thể là doanh nghiệp phối hợp với ngành điện lực, trả thêm chi phí vận hành công suất dưới hình thức thuê bao, cho phép ngành điện vận hành công suất dự phòng và doanh nghiệp được bán phần điện dư nhiều hơn.

Lê Anh

Top