Gỡ vướng trong bồi thường giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh các dự án

16/05/2023 7:19 PM

(Chinhphu.vn) - Chiều 16/5, HĐND TPHCM tổ chức buổi giám sát việc thực hiện công tác đầu tư công giai đoạn 2021-2025 đối với Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Văn Dũng chủ trì buổi giám sát.

Gỡ vướng trong bồi thường giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh các dự án - Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi giám sát - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Đề xuất tăng tỉ trọng nhu cầu vốn cho ngành văn hóa và thể thao

Theo ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, tính đến thời điểm báo cáo, ngành văn hóa và thể thao Thành phố được bố trí kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 gồm 48 dự án.

Trong đó, số dự án do các đơn vị trực thuộc Sở và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp quản lý, làm chủ đầu tư gồm 29 dự án. Số dự án do thành phố Thủ Đức và các quận, huyện, các đơn vị khác làm chủ đầu tư gồm 19 dự án.

Đối với tình hình giải ngân các dự án đã được bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 do các đơn vị trực thuộc Sở Văn hoá và Thể thao trực tiếp quản lý, ông Nam cho biết, năm 2021, Sở có 08 dự án được ghi vốn là 10.720 tỷ đồng, khối lượng giải ngân là: 9.519 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 88,8%;

Gỡ vướng trong bồi thường giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh các dự án - Ảnh 2.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM Võ Trọng Nam báo cáo tại buổi giám sát - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Trong năm 2022, Sở có 7 dự án được ghi vốn là 37.295 tỷ đồng, khối lượng giải ngân là: 32.154 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 86,2% (đạt theo yêu cầu).

Trong đó, số dự án không đảm bảo thời gian thực hiện là 01 dự án, đó là dự án sưu tầm, trưng bày hiện vật, hình ảnh, tư liệu trong Khu tưởng niệm Liệt sỹ Tết Mậu Thân 1968 tại Xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh.

Số dự án đang thực hiện trong kế hoạch trung hạn 2021-2025 thuộc diện quản lý của thành phố Thủ Đức và các quận - huyện, đơn vị khác gồm 19 dự án.

Các dự án đang thực hiện là 3 dự án (dự án được chuyển tiếp qua kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025). Trong đó, có 2 dự án đã được Sở Văn hóa và Thể thao phê duyệt và 01 dự án đang hoàn chỉnh hồ sơ trình phê duyệt.

Tổng số dự án phát sinh mới được bố trí vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 (đang lập nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư) là 16 dự án.

Các dự án còn lại, hiện nay Sở Văn hóa và Thể thao tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, quận huyện, đơn vị có liên quan để tổng hợp, hoàn thiện hồ sơ trình cấp thẩm quyền theo quy định.

Về một số khó khăn, vướng mắc, theo ông Nam, trên cơ sở đề xuất của các sở, ngành, UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện, đơn vị, nhu cầu bố trí vốn trung hạn cho công tác triển khai lập nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, lập dự án cho hơn 71 dự án công trình, trong đó ưu tiên trong giai đoạn 2021-2025 là 57 dự án với tổng vốn là hơn 6,7 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Công văn số 1248 năm 2023 của Sở Kế hoạch và Đầu tư về phương án sử dụng nguồn vốn đầu tư công trung hạn tăng thêm giai đoạn 2021-2025 thì ngành văn hóa và thể thao Thành phố chỉ được bố trí vốn hơn 3,2 nghìn tỷ đồng. Như vậy, vốn đầu tư công trung hạn chưa đảm bảo nhu cầu đầu tư phát triển cơ sở vật chất của ngành Văn hóa Thể thao, trong đó có các dự án trọng điểm của Thành phố.

Từ đó, ông Nam kiến nghị HĐND Thành phố quan tâm, có ý kiến chỉ đạo để tác động tăng tỷ trọng nhu cầu vốn giai đoạn 2021 -2025 cho ngành văn hóa và thể thao Thành phố, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị của thành phố, phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đảm bảo cho Thành phố đăng cai tổ chức Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc vào năm 2026.

Đề cập từng dự án đang triển khai thực hiện, ông Nam cho biết, đối với dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử quốc gia địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Sở Văn hóa và Thể thao đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương thực hiện thủ tục bàn giao, tiếp nhận mặt bằng theo chỉ đạo của Ban cán sự Đảng UBND TPHCM để Sở Văn hóa và Thể thao có cơ sở triển khai thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử quốc gia địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại khu vực Ba Son đúng tiến độ.

Gỡ vướng trong bồi thường giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh các dự án - Ảnh 3.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Xuân Hoàng báo cáo tại buổi giám sát - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Công tác giải phóng mặt bằng chậm ảnh hưởng tới tiến độ dự án

Còn theo ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, hiện số dự án đang thực hiện trong kế hoạch trung hạn 2021 - 2025 thuộc diện quản lý của đơn vị là 54 dự án.

Trong đó, có 23 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016 - 2020 sang giai đoạn 2021 - 2025 (đã có quyết định phê duyệt dự án đầu tư, đã và đang thi công).

Có 09 dự án chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 (đã phê duyệt chủ trương đầu tư, đang thực hiện Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, Báo cáo kinh tế kỹ thuật).

Có 22 dự án lập đề xuất chủ trương đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 (đang lập báo cáo đề xuất chủ trương để trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư).

Tổng mức đầu tư là hơn 10.000 tỷ đồng. Kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 là hơn 1.400 tỷ. Lũy kế giải ngân từ đầu công trình đến nay là hơn 3.209 tỷ đồng; đạt tỷ lệ: 31,8%. Kế hoạch vốn năm 2023 đã giao: hơn 455 tỷ đồng. Kết quả giải ngân vốn năm 2023 đến nay là hơn 27, 7 tỷ đồng

Kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2021, 2022, 2023: năm 2021 giải ngân được 150/153 tỷ đồng, đạt 98%; năm 2022 giải ngân được 240/383 tỷ đồng, đạt 63% (giải ngân thấp do vốn cho công tác bồi thường GPMB chưa chi trả được); năm 2023 đến nay giải ngân được 28.317 tỷ đồng, đạt 9%. Trong đó, có 13 dự án chậm tiến độ; không có dự áp PPP; có 2 dự án cấp bách.

Theo ông Hoàng, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận thấy có những khó khăn vướng mắc. Nhiều dự án đề xuất chưa được bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch đầu tư công hằng năm do nguồn vốn đầu tư công còn hạn hẹp nên chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng của ngành.

Gỡ vướng trong bồi thường giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh các dự án - Ảnh 4.

Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Văn Dũng kết luận buổi giám sát - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Ngoài ra, công tác giải ngân vốn đầu tư công chậm, chưa đạt kế hoạch do một số địa phương chậm thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Do ảnh hưởng bởi nguồn vốn, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và một số yếu tố khách quan khác nên việc triển khai thực tế các dự án thường chậm hơn so với kế hoạch tổng thể và kế hoạch chi tiết thực hiện dự án.

Phát biểu kết luận buổi giám sát, Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Văn Dũng đánh giá 2 sở đã nỗ lực trong giải ngân vốn đàu tư công để thực hiện các dự án trên địa bàn. Qua báo cáo cụ thể có thể thấy vốn đầu tư công của Thành phố và nhu cầu đầu tư công của Thành phố trong giai đoạn trung hạn (2021-2025) là rất lớn, trong khi đó điều kiện của Thành phố thì có thì có hạn nên đến nay, Thành phố chỉ bố trí trong nguồn lực đã được Chính phủ đồng ý là 142.557 tỷ đồng, cộng với vốn trung ương và một số nguồn vốn khác thì Thành phố có 170.000 tỷ đồng.

Trong đầu năm 2023, tỉ lệ giải ngân đầu tư công của Thành phố vẫn đạt thấp, vì vậy ông Dũng đề nghị 2 sở hết sức tập trung cho nhiệm vụ này. Hai sở cần nỗ lực nhiều hơn trong giải ngân đầu tư công cho năm 2023.

Đối với những tồn tại khó khăn cần khắc phục của cả hai sở, ông Dũng cho rằng vấn đề chung của cả hai sở là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án. Cần đánh giá trách nhiệm, chậm ở khâu nào để tập trung tháo gỡ. Các sở cần phân tích thêm để có giải pháp triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Vũ Phong

Top