GRDP Thành phố có thể đạt 6-7,12% trong quý I

01/02/2024 4:36 PM

(Chinhphu.vn) - Với kịch bản thuận lợi là môi trường quốc tế và trong nước chuyển biến tốt, các yếu tố rủi ro được dự báo, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, các yếu tố khai thác tốt, niềm tin người dân và doanh nghiệp được củng cố thì quý I/2024, Thành phố dự kiến tăng trưởng ở mức 6-7,12%.

GRDP Thành phố có thể đạt 6-7,12% trong quý I- Ảnh 1.

Toàn cảnh phiên họp - Ảnh: Việt Dũng

Sáng 1/2, tại phiên họp về tình hình kinh tế-xã hội Thành phố tháng 1, Giám đốc Sở KH&ĐT TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, trong tháng 1, Thành phố ghi nhận một số điểm sáng như Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 26,9% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 24,4% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 30,2%, vốn đăng ký tăng 117,2% so với cùng kỳ). Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng 19,88%; tổng thu du lịch ước tăng 57,4% so với cùng kỳ.

Thành phố dẫn đầu cả nước cả về số dự án FDI được cấp mới (chiếm 42,1% cả nước) và số góp vốn, mua cổ phần của dự án FDI (chiếm 78,2% cả nước). Thành phố cũng đã thành lập Trung tâm Chuyển đổi số.

Ngoài ra, các hoạt động chăm lo cho các đối tượng nhân dịp đón Tết cổ truyền được tổ chức tốt, bảo đảm toàn dân được đón Tết ấm no, hạnh phúc. Công tác chăm sóc sức khỏe và y tế được chú trọng và triển khai.

Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật trên địa bàn Thành phố được tổ chức với nhiều hoạt động sôi nổi, đa dạng. Hoạt động đối ngoại được tổ chức hiệu quả với các hoạt động gặp gỡ, tiếp đón quốc tế. Công tác bảo đảm trật tự, an toàn xã hội được thực hiện nghiêm, giảm được thiệt hại do cháy nổ, tai nạn giao thông.

Bên cạnh những mặt tích cực, Thành phố đối mặt nhiều thách thức và rủi ro. Xung đột địa chính trị trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; thuế tối thiểu toàn cầu là 15% áp dụng tháng 01 năm 2024 và cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBMA) tác động đến hoạt động xuất khẩu nhập khẩu.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng nhưng vẫn còn thấp so với một số địa phương. Tổng thu ngân sách Nhà nước giảm 5,8%.

Việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản chưa đáp ứng kỳ vọng, nhất là các dự án xây dựng nhà ở xã hội. Ngoài ra, số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tăng 23,4% so với cùng kỳ…

Ba kịch bản tăng trưởng trong quý I

Theo bà Nguyễn Trúc Vân, Giám đốc Trung tâm Mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội, Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố, để tránh lặp lại kịch bản tăng trưởng thấp như trong quý I năm 2023, ngay từ cuối năm 2023, TPHCM đã có những hành động quyết liệt để thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2024. Đó là tập trung công tác dự báo, các giải pháp đặt hàng các viện, trường đại học tham gia nghiên cứu, tham vấn ý kiến.

Bên cạnh đó là thúc đẩy đầu tư công ngay từ đầu năm khi đã tổ chức hội nghị triển khai, giao nhiệm vụ rõ ràng. Thúc đẩy tiêu dùng nội địa, liên kết vùng, khuyến mãi, thúc đẩy thương mại điện tử, kích thích cầu tiêu dùng gắn với dịp Tết Nguyên đán.

Trên cơ sở phân tích, Viện Nghiên cứu phát triển xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng quý I/2023. Với kịch bản bất lợi là các nền kinh tế lớn phục hồi chậm, các xung đột chính trị leo thang, dịch bệnh khó lường, các động lực tăng trưởng kinh tế mới chưa phát huy thì GRDP Thành phố dự báo đạt khoảng 4,83-5,95%.

Với kịch bản cơ sở là tiếp nối đà phục hồi cuối năm 2023, thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống và các động lực mới như khoa học công nghệ, chuyển đổi số, kinh tế xanh, tuần hoàn thì GRDP quý I dự kiến đạt khoảng 5,49-6,61%.

Với kịch bản thuận lợi là môi trường quốc tế và trong nước chuyển biến tốt, các yếu tố rủi ro được dự báo, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, các yếu tố khai thác tốt, niềm tin người dân và doanh nghiệp được củng cố thì quý I/2024, Thành phố dự kiến tăng trưởng ở mức 6-7,12%.

Anh Thơ

Top