Hai vở diễn của TPHCM dự liên hoan Sân khấu Thử nghiệm lần III

14/11/2016 10:35 AM

(Chinhphu.vn) - Liên hoan Quốc tế Sân khấu Thử nghiệm lần III – Hà Nội 2016 dự kiến sẽ có 16 vở của trên 10 nước tham gia. Việt Nam chuẩn bị 6 vở để thi tài, trong đó TPHCM góp hai vở, gồm Giấc mơ (Nhà hát Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần thuộc Hội Sân khấu TPHCM) và Mê đê (Nhà hát Thế giới trẻ thuộc Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM).

Các diễn viên nhà hát Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần thuộc Hội Sân khấu TPHCM đang trình diễn vở Giấc Mơ. Ảnh: VGP/Cát Vũ

Cả 2 vở kịch Giấc mơ và Mê đê của TPHCM tham gia Liên hoan Quốc tế Sân khấu Thử nghiệm lần III – Hà Nội 2016 (từ 11-19/11/2016) đều cho thấy có sự thử nghiệm mới lạ trong việc dàn dựng và diễn xuất.

Giấc mơ – Dấu ấn của đạo diễn trẻ Thái Kim Tùng

Giấc mơ là vở kịch thơ, được tác giả Nguyễn Đình Thi viết trong khoảng cuối thập niên 1970 đầu thập niên 1980. Chuyện kể có một anh lính bị thương nặng ở ranh giới giữa sự sống và cái chết. Trong cơn thập tử nhất sinh, anh nghe thấy tiếng gọi mãnh liệt của quê hương, của người mẹ, người yêu, người em gái, cành cây, con chim… đã đánh thức trí nhớ để anh phục hồi sự sống..

Nhiều nhà nghiên cứu đã nhận định, đây là vở kịch Nguyễn Đình Thi viết để đọc hơn là để diễn, bởi nó không theo cách miêu tả kể chuyện, không hàm chứa những xung đột tạo ra kịch tính mà hình thức kịch ở đây như một phương tiện để tác giả bày tỏ những chiêm nghiệm về cuộc đời, về thân phận, về quê hương… Vậy nên, chọn dựng Giấc mơ là một bước đi mạnh dạn và hơi liều lĩnh của một đạo diễn trẻ mới ngoài 20 tuổi như Thái Kim Tùng.

Thái Kim Tùng cho biết, anh đã “bị” kịch bản Giấc mơ “mê hoặc” gần hai năm trước, khi tình cờ đọc được nó trong tuyển tập kịch Nguyễn Đình Thi vì thấy “nó bay bổng, phóng túng, mang màu sắc hiện đại và nhất là chưa được ai dựng”.

Hành trình để đưa Giấc mơ lên sàn diễn quả là gian nan. Điều thử thách trước tiên cho Thái Kim Tùng là tìm cho ra “chìa khóa” để mở cánh cửa của Giấc mơ. Khó khăn tiếp theo là khi đưa kịch bản cho những thành phần sáng tạo khác để mời hợp tác, nhiều người xem xong đã trả lại vì không biết sẽ phải làm gì. Nhưng rồi, sau nhiều nỗ lực, Giấc mơ đã nên vóc nên hình trên sân khấu và đem lại cho người xem sự bất ngờ. 

Đạo diễn đã giữ được “tinh thần phương Tây” của vở về hình thức nhưng lại lồng vào đó một nội dung mang màu sắc phương Đông. Sự xuất hiện của Thần chết với đôi giầy bốt dưới chân, lưỡi hái và chiếc bị trong tay nhưng âm nhạc phương Đông với một dàn nhạc sống gồm những nhạc công chơi nhạc lễ đám ma, đánh trống chầu, thổi kèn lá, khua chập cheng, đồng lố… Diễn viên nhập vai bằng trình thức tuồng cổ. Nhân vật người lính được “phân thân” làm hai với một diễn viên đóng xác và một diễn viên khác đóng hồn.

Tính thử nghiệm của vở còn cao hơn khi đạo diễn đưa một dàn múa gồm bảy diễn viên, có mặt trên sân khấu suốt vở, thay nhau đóng nhiều vai, từ Tần Thủy Hoàng, Cleopatre, người mẹ, em bé, người yêu, con chim, cành cây… cho đến đám người không đầu - những tình nhân “nhất dạ” của nữ hoàng Ai Cập… Trang phục được họa sĩ thiết kế hoàn toàn mới, trong đó, đội múa mặc tuyền màu xám tro ý chỉ con người sinh ra từ cát bụi và trở về với cát bụi.

Sân khấu không chuyển cảnh, chỉ có một màn song âm nhạc, ánh sáng và các điệu múa đều để lại những ấn tượng khá mạnh bởi sự độc đáo. Quả là một “giấc mơ” đem đến cho người xem nhiều suy tư về số phận con người, về những mối tương quan giữa cái tốt, cái xấu, lòng thương yêu và sự thù hận, niềm hi vọng và nỗi thất vọng, về sức mạnh thiêng liêng của lòng yêu nước… Và riêng với đạo diễn trẻ Thái Kim Tùng, để Giấc mơ lên được sàn diễn và đem lại được cảm xúc cho người xem cũng là một “giấc mơ” đã trở thành hiện thực.

Vở Mê Đê trên sàn diễn Nhà hát Thế giới trẻ mang một cái nhìn hồn hậu đậm chất… Sài Gòn. Ảnh: VGP/Cát Vũ

Vở Mê đê – Một Mê đê của … Sài Gòn

Mê đê là vở kịch nổi tiếng nhất của nhà viết kịch cổ đại người Hy Lạp Euripides (480-406 trước Công Nguyên). Nội dung kịch dựa trên câu chuyện thần thoại về người anh hùng Jason, một dũng sĩ tài ba, đã lấy được bộ lông cừu vàng về cho đất nước mình. Nhưng câu chuyện kịch lại đặt trọng tâm vào nhân vật Mê đê, một công chúa đã vì yêu mà đang tay giết chính em trai mình, giúp Jason đoạt lấy bộ lông cừu vàng - vật được xem như bùa hộ mệnh để bảo vệ đất nước và ngai vàng của vua cha, giúp Jason trả thù người chú rồi cùng nhau xây tổ uyên ương và có với nhau hai cậu con trai.

Truyện kịch khởi đi từ giai đoạn Mê đê bị Jason bội tình, ruồng bỏ để lấy công chúa xứ Corinthe nhằm khôi phục vương quyền. Là một phụ nữ có tính cách mạnh mẽ, tâm hồn dữ dội, “không để bản thân bị lăng nhục bởi bất kỳ ai”, đã sắp đặt mưu kế để trả thù Jason và cha con vua Creon, kẻ đã thẳng tay bắt ba mẹ con Mê đê lưu đày để phòng ngừa hậu họa. Đỉnh điểm của kịch là khi Mê đê quyết định tự tay giết chết hai con của mình vì lòng hận thù Jason và để chúng không bị thảm sát bởi kẻ khác.

Suốt gần hai ngàn năm trăm năm ra đời, Mê đê được dựng trên nhiều sân khấu khắp thế giới. Nhưng lần này, trên sàn diễn Nhà hát Thế giới trẻ, Mê đê đã khoác một chiếc áo mới, khác lạ hơn nhằm hướng đến tiêu chí thử nghiệm. Việc thử nghiệm đầu tiên là soạn lại lời mới cho dễ hiểu, ngắn gọn, súc tích, phù hợp với xu hướng của người xem ngày nay nhưng vẫn giữ trọn vẹn ý tứ của tác giả.

Ở khâu dàn dựng, đạo diễn cũng chọn giải pháp sân khấu “một màn” tương tự như vở Giấc mơ, nhưng lại giản lược hơn, không cảnh trí, không nhạc đệm, không trang phục khác biệt… Diễn viên gồm tám người, đảm nhận nhiều vai trò, vừa như dàn đồng ca, vừa như người kể chuyện, vừa chia nhau sắm vai các nhân vật trong vở. Đôi lúc, vở từ kịch tâm lý thông thường chuyển sang giãn cách như tạo một khoảng “thở” sau những cao trào. Không có nhạc nền hay ca khúc, nhưng âm thanh của vở thỉnh thoảng được cất lên, như một nhân vật vô hình, dẫn dắt cảm xúc của người xem bằng những hồi trống, lúc dồn dập, lúc buông lơi, do chính các diễn viên gõ vào những chiếc trống được ngụy trang như những chiếc ghế đang ngồi và bằng những “vocal” như oán như than của giai điệu Ba Tư. Trang phục đen tuyền và ngồi thẳng như những tấm bia nhưng chỉ cần khoác một tấm vải khác màu và đứng lên, các diễn viên đã nhập vào nhân vật của mình.

Suốt chặng đường dài, vở bi kịch cổ điển Mê đê luôn được xem là kiệt tác hàng đầu thế giới bởi nó dung chứa những thông điệp mang tính vĩnh cửu của nhân loại. Đó là bi kịch của sự ích kỷ, của lòng hận thù. Sự ích kỷ, lòng thù hận  khiến con người trở nên nhẫn tâm, tàn ác. Trên sân khấu thử nghiệm của Nhà hát Thế giới trẻ, Mê đê với một “bộ áo” mới, lạ mắt, gọn nhẹ, dễ xem, tính ước lệ cao, rộng đất cho diễn viên phát huy nội lực diễn xuất, đồng thời ở phần nội dung, nhân vật Mê đê cũng được thể hiện đáng thương hơn đáng trách, nhẫn tâm một cách “nhân ái” với màn cao trào đỉnh điểm khi quyết định giết hai con. Người mẹ đã nuôi chúng lớn lên bằng bầu sữa của mình thì cũng dưới hai bầu vú ấy, người mẹ lại quyết định “đưa” các con về trời. Một cái nhìn hồn hậu đậm chất … Sài Gòn so với những điều cay nghiệt mà nhân vật Mê đê vốn từng bị lên án.

Liên hoan Quốc tế Sân khấu Thử nghiệm lần III – Hà Nội 2016 diễn ra từ 11-19/11/2016. Mỗi ngày sẽ có 2-3 vở trình diễn tại các địa điểm: Rạp Công Nhân, Rạp Đại Nam, Rạp Hồng Hà, Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch Quân đội, Star Galaxy. Vé được phát miễn phí tại các điểm diễn. Trong khuôn khổ Liên hoan còn có các hội thảo nghề nghiệp, trao đổi, hợp tác sân khấu giữa các quốc gia.

Ban Tổ chức sẽ trao tặng huy chương cho các vở diễn đạt chất lượng cao và nghệ sĩ biểu diễn xuất sắc, có nhiều sáng tạo trong các vai diễn tại Lễ bế mạc Liên hoan.

Cát Vũ

Top