Hàng hóa phục vụ Tết giá cả ổn định, nhiều khuyến mãi hấp dẫn

16/01/2024 6:13 PM

(Chinhphu.vn) - Chỉ còn 3 tuần lễ nữa là tới Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Thời điểm này, các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn TPHCM tổ chức nhiều chương trình bán hàng với mức khuyến mãi hấp dẫn, nhất là các mặt hàng thực phẩm, may mặc. Theo phản ánh, hiện sức mua đang nhích dần, dự báo sẽ tăng mạnh khoảng 10-15% vào những ngày cận Tết.

Hàng hóa phục vụ Tết giá cả ổn định, nhiều khuyến mãi hấp dẫn- Ảnh 1.

Hệ thống Co.opmart, Co.opXtra tung nhiều giỏ quà Tết hình thức độc lạ

Ngày 16/1, đoàn công tác Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã có buổi làm việc với Sở Công Thương TPHCM về tình hình đảm bảo hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2024.

Hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định

Tại buổi làm việc, ông Ngô Hồng Y, Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương TPHCM cho biết, tổng số doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố tham gia Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán là 45 doanh nghiệp. Hiện nay, các doanh nghiệp (DN) đã chuẩn bị hàng hóa phục vụ 2 tháng Tết Giáp Thìn trị giá hơn 22.000 tỷ đồng; trong đó, giá trị hàng hóa hàng bình ổn thị trường là hơn 8.500 tỷ đồng.

Về lượng hàng, các mặt hàng bình ổn thị trường chiếm thị phần từ 25% đến 43% trên thị trường. "Các doanh nghiệp sẵn sàng phương án tăng sản lượng trong tình huống cần thiết, tổ chức bán hàng lưu động để xử lý biến động bất thường, thiếu hàng cục bộ, không để xảy ra khan hiếm, thiếu hàng hoá, mất cân đối cung cầu trong mọi tình huống", ông Ngô Hồng Y nhấn mạnh.

Cũng theo ông Ngô Hồng Y, nguồn cung ứng hàng hóa cho thị trường Thành phố thông qua 3 chợ đầu mối đạt bình quân 7.600 tấn/ngày, gồm 800 tấn thịt gia súc, gia cầm, 1.200 tấn thủy hải sản, 5.600 tấn rau củ quả. Dự kiến, vào thời điểm cận Tết, lượng hàng nhập về chợ tăng lên đến 13.000-15.000 tấn/ngày.

Cùng với đó, các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố đã ký kết hợp đồng thu mua với nhà cung cấp, chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng hóa phục vụ Tết. Những ngày cận Tết, các đơn vị sẵn sàng phương án tăng lượng hàng từ 2-3 lần so với ngày thường. Đồng thời, có phương án kéo giãn thời gian hoạt động để đảm bảo nhu cầu tăng đột biến của người tiêu dùng.

Chỉ còn 3 tuần lễ nữa là tới Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Thời điểm này, các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn TPHCM tổ chức nhiều chương trình bán hàng với mức khuyến mãi hấp dẫn, nhất là các mặt hàng thực phẩm, may mặc, mỹ phẩm... Qua đó, góp phần tăng kích cầu tiêu dùng nội địa dịp cuối năm.

Điển hình như, các hệ thống phân phối lớn như Saigon Co.op, Satra, Aeon, MM Mega Market, Gigmall tổ chức nhiều chương trình khuyến mại giảm giá từ 5-49% cho hàng nghìn mặt hàng phục vụ Tết. Có những mặt hàng giảm tới 80-90% (quần áo thời trang, giày, dép…).

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM nhận định, hiện nay, nguồn hàng đã được chuẩn bị dồi dào, hợp đồng của doanh nghiệp với nhà cung cấp được đảm bảo. Song điều lo lắng nhất hiện nay là sức mua thấp.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, ông Phương cho biết hiện nay người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu. Bên cạnh đó, nhiều hệ thống nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể gặp khó do nhiều doanh nghiệp đóng cửa, công nhân tạm nghỉ về quê.

Hàng hóa phục vụ Tết giá cả ổn định, nhiều khuyến mãi hấp dẫn- Ảnh 2.

Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương làm việc với Sở Công Thương TPHCM về tình hình đảm bảo hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2024.

Đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường

Đánh giá về tình hình chuẩn bị hàng hóa Tết, ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương)  cho rằng, TPHCM là một trong những địa phương thực hiện rất tốt công tác chuẩn bị hàng hóa, bình ổn thị trường, giá cả dịp cuối năm. Thành phố cũng rất tích cực trong công tác phối hợp, báo cáo công tác chuẩn bị hàng hóa và tình hình thị trường Tết Nguyên đán, giúp Bộ Công Thương nắm bắt sát được tình hình thị trường tại địa phương để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành chung.

Ông Phan Văn Chinh đề nghị Sở Công Thương TPHCM tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 13/CT-BCT ngày 30/10/2023 của Bộ Công Thương về thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Đồng thời, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá tình hình sản xuất, cung ứng mặt hàng gạo và các mặt hàng thực phẩm có nhu cầu cao trong dịp Tết Nguyên đán để có phương án bảo đảm cung ứng hàng hóa với giá bình ổn theo đúng kế hoạch bình ổn giá của Thành phố.

Song song với đó, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu, nhất là các mặt hàng gạo, thịt lợn để phục vụ Tết; triển khai hiệu quả Chương trình bình ổn thị trường; chủ động phối hợp, báo cáo tình hình thị trường Tết với Bộ Công Thương, nhất là thời điểm trước và trong Tết Nguyên đán, có phương án hoặc đề xuất biện pháp ứng phó kịp thời nhằm ổn định thị trường khi cần thiết.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, tập trung vào các nhóm hàng được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết, nhóm hàng lương thực, thực phẩm nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm.

Hàng hóa phục vụ Tết giá cả ổn định, nhiều khuyến mãi hấp dẫn- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TPHCM - Ảnh: VGP/HĐ

Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường

Thời điểm cận Tết, sức mua hàng hóa đang sôi động hơn và các đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thường lợi dụng để tung hàng trục lợi. Các mặt hàng được các đối tượng tập trung kinh doanh gồm thuốc lá điếu và thuốc lá điện tử, quần áo, giày dép, mắt kính, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm, đồ dùng gia đình, hàng điện gia dụng, hàng điện tử, thiết bị điện, thuốc tân dược…

Cục Quản lý thị trường TPHCM sẽ tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về thương mại, lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào dịp Tết để tăng giá bất hợp lý, gây bất ổn thị trường, nhất là đối với các mặt hàng được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2024.

Với thị trường truyền thống đã khó nhưng trong những năm gần đây sự xuất hiện của hình thức kinh doanh qua thương mại điện tử, kinh doanh online, live stream bán hàng... càng khiến việc kiểm soát khó hơn.

Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TPHCM nhận định: Việc kinh doanh, buôn bán hàng giả của các đối tượng ngày càng tinh vi và hoạt động có tổ chức nên rất khó phát hiện. Các đối tượng đã lợi dụng sàn giao dịch thương mại điện tử và việc thuận tiện trong mua - bán online trên mạng xã hội (facebook, zalo...) để kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Ông Huy cho biết, Cục Quản lý thị trường Thành phố sẽ thực hiện quản lý hình thức kinh doanh thương mại điện tử bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, trong đó có các biện pháp như: Thường xuyên phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ và kể cả các sàn giao dịch thương mại điện tử để tuyên truyền pháp luật, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm thương mại điện tử.

Song song đó, tích cực phối hợp với Tổ công tác về Thương mại điện tử được thành lập theo Quyết định số 368/QĐ-TCQLTT ngày 28/02/2020 của Tổng cục Quản lý thị trường trong công tác kiểm tra, kiểm soát, đôn đốc việc tuân thủ các quy định của pháp luật về thương mại điện tử của tổ chức, cá nhân và các mô hình kinh doanh thương mại điện tử.

Anh Lê

Top