Hành trình về nguồn đầy ý nghĩa của cán bộ mặt trận TPHCM

25/06/2023 2:29 PM

(Chinhphu.vn) - Trong 3 ngày, từ 22-24/6, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TPHCM tổ chức chương trình về nguồn dành cho các cán bộ mặt trận tại các quận, huyện cùng các phóng viên, cộng tác truyền thông của hệ thống MTTQ Thành phố tại huyện Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu).

Hành trình về nguồn đầy ý nghĩa của cán bộ mặt trận TPHCM - Ảnh 1.

Đoàn tham quan Bảo tàng Côn Đảo - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Côn Đảo - hòn đảo anh hùng, nơi ghi dấu tội ác của kẻ thù xâm lược và tinh thần bất khuất, kiên cường của hàng vạn chiến sĩ, người tù cách mạng.

Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TPHCM Ngô Thanh Sơn, Trưởng đoàn công tác cho biết, hành trình về nguồn nhằm giáo dục truyền thống cách mạng, yêu nước cho các cán bộ.

Hành trình về nguồn đầy ý nghĩa của cán bộ mặt trận TPHCM - Ảnh 2.

Bảo tàng giới thiệu và lưu trữ các hiện vật, tư liệu lịch sử liên quan đến cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Đây cũng là dịp gặp gỡ, chia sẻ công việc của cả những người làm báo chuyên nghiệp và không chuyên và để Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố tri ân các cô chú, anh chị cán bộ, cộng tác viên mặt trận đã luôn nhiệt tình gửi tin, bài cộng tác về hoạt động của cơ sở về MTTQ Thành phố.

Hành trình về nguồn đầy ý nghĩa của cán bộ mặt trận TPHCM - Ảnh 3.

Một góc khu Chuồng cọp tại trại giam Phú Tường - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Bên cạnh đó, phóng viên các báo, đài cũng có cơ hội giao lưu, tiếp xúc với đội ngũ cán bộ mặt trận các quận, huyện, TP. Thủ Đức, qua đó giúp cho việc tác nghiệp được thuận lợi và gắn kết hơn trong công việc, góp phần chia sẻ, lan tỏa những thông tin của Thành phố nói chung và của mặt trận nói riêng đến với nhiều đối tượng khác nhau để mọi người cùng ủng hộ và hướng đến những điều tốt đẹp.

Hành trình về nguồn đầy ý nghĩa của cán bộ mặt trận TPHCM - Ảnh 4.

Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TPHCM Ngô Thanh Sơn dâng hương viếng các Anh hùng - liệt sỹ tại Nghĩa trang Hàng Dương - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Trong hành trình về nguồn, đoàn đã đến tham quan, tìm hiểu nhiều địa danh, di tích gắn liền với "địa ngục trần gian" Côn Đảo như: Bảo tàng Côn Đảo, Nghĩa trang Hàng Dương, mộ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu, Dinh Chúa đảo, Trại giam Phú Hải, Chuồng cọp kiểu Pháp, Chuồng cọp kiểu Mỹ cùng các danh lam thắng cảnh của huyện đảo này.

Địa điểm tham quan đầu tiên tại Côn Đảo là Bảo tàng Côn Đảo. Bảo tàng Côn Đảo còn được gọi là Bảo tàng Lịch sử Côn Đảo, giới thiệu và lưu trữ các hiện vật, tư liệu lịch sử liên quan đến cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc cũng như sự tàn phá và đau thương do chế độ tù tội ác của người Pháp và người Mỹ gây ra trên Côn Đảo.

Hành trình về nguồn đầy ý nghĩa của cán bộ mặt trận TPHCM - Ảnh 5.

Đây là nghĩa trang liệt sỹ đặc biệt của nước ta, là nơi yên nghỉ của hàng ngàn chiến sỹ cách mạng, đồng bào yêu nước bị địch bắt, tù đày và hy sinh trong nhà tù Côn Đảo - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Điểm tham quan thứ hai là trại giam Phú Tường. Trại Phú Tường được Pháp xây dựng vào năm 1940. Khu biệt giam nổi tiếng của Pháp và chính quyền Sài Gòn để giam giữ các tù chính trị được coi là nguy hiểm nhằm khuất phục ý chí chiến đấu của những người tù.

Sau đó, đoàn đã đến viếng tại Nghĩa trang Hàng Dương. Đây là nghĩa trang liệt sĩ đặc biệt của nước ta, là nơi yên nghỉ của hàng ngàn chiến sĩ cách mạng, đồng bào yêu nước bị địch bắt, tù đày và hy sinh trong nhà tù Côn Đảo. Tại đây có 1.921 phần mộ được quy tập và chỉ có 713 phần mộ có danh tính, còn lại 1.208 phần mộ đến nay chưa tìm được danh tính.

Vũ Phong

Top