Hỗ trợ DN dệt may nâng cao năng lực tham gia vào chuỗi cung ứng

20/12/2021 8:00 AM

(Chinhphu.vn) - Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp khu vực phía nam - Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) vừa tổ chức hội thảo kết nối và tổng kết chương trình tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ lĩnh vực dệt may và da giày trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước năm 2021. Đồng thời trao chứng nhận cho 28 doanh nghiệp đã hoàn thành khóa đào tạo

Hội thảo kết nối doanh nghiệp dệt may - da giày diễn ra ngày 19/12 tạo cơ hội giao lưu, trao đổi thông tin, tìm hiểu nhu cầu nguồn cung ứng, cũng như tạo cơ hội kết nối B2B giữa các doanh nghiệp (DN) cung ứng và DN khách hàng trong và ngoài nước trong lĩnh vực dệt may và da giày.

Trao chứng nhận cho 28 doanh nghiệp đã hoàn thành khóa đào tạo tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ lĩnh vực dệt may và da giày. Ảnh: VGP/Lê Anh

Trong khuôn khổ hội thảo cũng đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các DN trong ngành dệt may - da giày với Đại học Công nghiệp TPHCM về hợp tác nghiên cứu và phát triển, đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực; ký kết hợp tác giữa các DN dệt may- da giày về cung ứng vải và sản phẩm nhuộm, sản phẩm hóa chất...

Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Cục Trưởng Cục công tác phía nam (Bộ Công Thương)  cho biết, hiện thực hóa chương trình phát triển công nghiệp theo nội dung Quyết định số 68 của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2016-2025 đã và đang được Bộ Công Thương triển khai một cách đồng bộ và khoa học trên phạm vi cả nước. Theo đó, hai Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp phía bắc và phía nam thuộc Cục Công nghiệp chủ trì đã và đang từng bước triển khai các chương trình một cách bài bản và hướng đến cộng đồng doanh nghiệp ( DN) trong nước.

Chương trình tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho DN công nghiệp hỗ trợ lĩnh vực dệt may và da giày trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước, được lãnh đạo các cấp đánh giá rất quan trọng và tập trung triển khai với mục tiêu rất cụ thể là tạo nên các chuỗi cung ứng trong các ngành, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT) giữa các DN CNHT trong nước với các chuỗi cung ứng nước ngoài.

Bên cạnh các chương trình hỗ trợ DN đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực như chuyên gia tư vấn cải tiến sản xuất, nhân lực kỹ thuật khuôn mẫu, kỹ thuật phát triển nhà máy thông minh..., chương trình còn hỗ trợ DN cải tiến sản xuất, giảm lãng phí, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, hỗ trợ DN xây dựng các tiêu chuẩn như: IATF16949, tiêu chẩn CE, UL... để xuất khẩu hàng hóa.

Các DN ngành dệt may giới thiệu sản phẩm tới khách hàng. Ảnh: VGP/Lê Anh

Chủ nhiệm đề án, TS. Phạm Thị Hồng Phượng, Trưởng Bộ môn Công nghệ Hóa học -Vật liệu (Đại học Công Nghiệp TPHCM)  cho biết, chương trình đã tổ chức 2 khóa tư vấn tập trung cho các doanh nghiệp tại khu vực miền Nam và miền Trung, đồng thời thực hiện tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật tại hiện trường cho 28 DN, trong đó có 18 DN miền Nam và 10 DN miền Trung với 80 học viên tham gia khóa học.

Các học viên đã hoàn thành chương trình tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho DN CNHT lĩnh vực dệt may và da giày với thời gian hơn 2 tuần, trong đó, thời gian học tập trung 6 ngày và 9 ngày học tại hiện trường DN. Các học viên được trang bị kiến thức về phân tích thị trường, chuyển đổi số, quy trình tiềm kiếm nguồn cung ứng và cách thức gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu, công cụ quản lý…

Theo đánh giá từ các DN tham gia, chương trình tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật đã góp phần thiết thực giải quyết các vấn đề mà các DN đang phải đối mặt trong bối cảnh hiện nay, nhất là những khó khăn gặp phải do tình hình dịch bệnh COVID-19 gây ra. Đặc biệt việc cải tiến trong sản xuất giúp tiết kiệm chi phí có ý nghĩa rất quan trọng giúp DN nâng cao năng lực canh.

Lê Anh

Top