Hỗ trợ doanh nghiệp CNHT mở thị trường đi đôi với tăng nội lực
(Chinhphu.vn) - Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2024-2025 tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực quản lý chất lượng, năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu. Hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường; kết nối cung - cầu sản phẩm trong nước và quốc tế.
DN không ngừng cải tiến sản phẩm
Ông Lê Hoàng Long, Trưởng phòng kinh doanh B2B, Công ty cơ khí Hồng Ký cho rằng, ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) hiện nay rất triển vọng, khi thị trường về mặt cơ khí đang phát triển rất nhiều, nhu cầu các sản phẩm CNHT đang rất cao.
Tuy nhiên, theo ông Long, muốn tận dụng và nắm bắt được các cơ hội này, các DN CNHT Việt Nam cần đẩy mạnh kết nối trực tiếp với các đối tác để nắm bắt nhu cầu thực tế.
"Mình phải thấu hiểu những nhu cầu, yêu cầu từ khách hàng để cải tiến, tạo ra các sản phẩm, dòng máy phù hợp với phương pháp sản xuất của doanh nghiệp; khách hàng, đối tác đưa ra những đơn hàng cần tiết giảm chi phí buộc các nhà sản xuất phải đưa ra các phương án cải tiến hơn lần trước làm giúp tiết giảm chi phí, điều đó cho thấy các DN CNHT phải liên tục cải tiến, đi sát với khách hàng nhiều hơn", ông Long nhấn mạnh.
Ông Long kiến nghị, các cơ quan Nhà nước cũng như TPHCM tiếp tục tổ chức các hoạt động kết nối giao thương nhiều hơn để các DN CNHT trong nước có dịp kết nối với nhiều nhà cung ứng để giới thiệu được nhiều sản phẩm phù hợp với các nhà cung ứng trong và ngoài nước một cách nhanh nhất và chính xác nhất.
Đồng quan điểm trên, ông Phạm Tuấn Thiện, Chủ tịch HĐQT công ty Vietabal chuyên về sản xuất bao bì cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, các đối tác, DN FDI ngày càng yêu cầu cao hơn về hình ảnh màu sắc, chất lượng sản phẩm, các DN cần chú trọng đầu tư máy móc, công nghệ tiên tiến trên thế giới, cũng như đẩy mạnh đào tạo nhân sự chất lượng để đáp ứng nhu cầu sản xuất, cũng như yêu cầu ngày càng cao từ các đối tác trong và ngoài nước.
Hỗ trợ DN mở thị trường, xây dựng thương hiệu mạnh
Theo các chuyên gia, hiện nay, đang có làn sóng đơn hàng từ một số nước trong khu vực dịch chuyển sang Việt Nam. Do đó, để tận dụng được cơ hội này, các doanh nghiệp phải nhanh chóng chuyển đổi số và số hóa nhà máy. Đây là giải pháp bắt buộc mà doanh nghiệp cần thực hiện nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay bởi chuyển đổi số giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thiểu chi phí, tăng năng suất và đáp ứng nhu cầu thị trường.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết, hiện nay Thành phố đang đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình phát triển CNHT trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2024-2025. Trong đó, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo, ứng dụng chuyển đổi số và các quy trình sản xuất thông minh. Qua đó nâng cao năng lực quản lý chất lượng, năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường; kết nối cung - cầu sản phẩm trong nước và quốc tế.
Cùng với đó, theo bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển CNHT, TPHCM đã và sẽ tổ chức thêm nhiều chương trình nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu. Trước hết, thành phố tổ chức chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp, CNHT tiêu biểu TPHCM; trao chứng nhận "Thương hiệu Vàng" cho doanh nghiệp thành phố… Đây sẽ là bảo chứng cho sản phẩm chất lượng của các thương hiệu Việt, doanh nghiệp Việt không chỉ ở thị trường trong nước, mà còn là phạm vi toàn cầu.
Theo Sở Công Thương TPHCM, trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của TPHCM tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước; riêng trong tháng 11, IIP tăng 9,7% so với cùng kỳ. Nhìn chung, hoạt động sản xuất công nghiệp tại TPHCM trong 11 tháng đầu năm 2024 tiếp tục đà tăng trưởng tích cực, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
Mới đây, vào đầu tháng 12, tại TPHCM đã diễn ra Chuỗi triển lãm về công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC) với quy mô chung khoảng hơn 500 doanh nghiệp (DN) đại diện cho 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trưng bày hơn 1.000 sản phẩm, nhằm thúc đẩy liên kết hoạt động sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo, gia công giữa các doanh nghiệp (DN) Việt Nam với đối tác trong và ngoài nước.
Anh Lê