Hỗ trợ doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số, vay vốn ưu đãi

19/07/2025 9:43 AM

(Chinhphu.vn) - Thời gian tới, ngành Du lịch TPHCM sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp cắt giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến, quản lý và thống kê. Đây là các yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh ngành du lịch đang bước vào giai đoạn phục hồi và tái cơ cấu mạnh mẽ.

Hỗ trợ doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số, vay vốn ưu đãi- Ảnh 1.

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM đối thoại với các DN du lịch. Ảnh: VGP/Lê Anh

Đây là chia sẻ của lãnh đạo Sở Du lịch TPHCM tại buổi đối thoại với các doanh nghiệp ngày 18/7. Sự kiện do Sở Du lịch TPHCM phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) tổ chức nhằm lắng nghe ý kiến, đề xuất từ các doanh nghiệp du lịch.

Tại buổi đối thoại, lãnh đạo và các phòng chuyên môn của Sở Du lịch TPHCM đã tiếp nhận và trực tiếp giải đáp hơn 35 câu hỏi, kiến nghị từ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Các nội dung phản ánh những khó khăn thực tiễn trong quá trình vận hành và phát triển kinh doanh, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách và định hướng phát triển ngành du lịch Thành phố.

Trong đó, nhiều kiến nghị tập trung vào đề xuất giảm thuế; điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cho các dự án du lịch ven biển; xây dựng các trạm dừng chân dọc các tuyến cao tốc nhằm tăng kết nối liên vùng và gia tăng sức hút điểm đến. DN cũng đề xuất phát triển sản phẩm theo từng trục, áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) để quảng bá điểm đến.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cũng chỉ ra bất cập khi mất từ 4-5 tiếng đồng hồ, thậm chí lâu hơn, để di chuyển từ phường Sài Gòn đến phường Vũng Tàu.

Một tình trạng báo động được các DN phản ánh đó là thực trạng, một số cá nhân hoạt động tại Đặc khu Côn Đảo không có chứng chỉ hành nghề, chuyên môn. Thậm chí, xuất hiện trường hợp lập trang fanpage giả mạo có tích xanh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh nghiệp.

Đáng chú ý, trong bối cảnh TPHCM thực hiện sáp nhập địa giới hành chính và triển khai mô hình chính quyền đô thị hai cấp, doanh nghiệp đề xuất được hỗ trợ thông tin, hướng dẫn thủ tục pháp lý liên quan đến cập nhật giấy phép kinh doanh, xếp hạng cơ sở lưu trú và báo cáo chuyên ngành.

Hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn, ưu đãi lãi suất

Ông Trần Ngọc Đông Quân, Trưởng Phòng Quản lý Lữ hành, Sở Du lịch TPHCM, cho biết quản lý chất lượng hướng dẫn viên là ưu tiên hàng đầu của ngành. Sở sẽ công khai danh sách hướng dẫn viên được cấp thẻ, tổ chức các lớp đào tạo nghiệp vụ, hội thi và mở rộng các khóa đào tạo ngôn ngữ hiếm (Nhật Bản, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Ý...). Đồng thời, sở cũng thường xuyên phối hợp liên ngành với Công an TPHCM kiểm tra thẻ hướng dẫn viên và duy trì kênh hỗ trợ 24/7 qua tổng đài 1022 (nhánh 8).

Về cơ chế chính sách sandbox, đại diện Sở Du lịch cũng cho biết, sẽ khuyến khích đầu tư vào các sự kiện lớn, du lịch MICE (hội nghị, hội thảo kết hợp du lịch), hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn, ưu đãi lãi suất…

Hỗ trợ doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số, vay vốn ưu đãi- Ảnh 2.

Đường sách TPHCM luôn là điểm đến ưa thích của du khách. Ảnh: VGP/Lê Anh

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM cho biết, trong bối cảnh TPHCM mới thực hiện sáp nhập 2 tỉnh Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu và triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp, Sở Du lịch xác định cần định vị lại TPHCM mới như một điểm đến "hấp dẫn - thông minh - bền vững", tận dụng lợi thế đa trung tâm, đa sản phẩm - từ du lịch hội nghị, văn hóa, nghỉ dưỡng ven đô đến sinh thái và nông nghiệp công nghệ cao.

Bà Hiếu cho biết, thời gian tới, ngành du lịch sẽ phối hợp cùng các sở, ngành để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc như mở thêm các tuyến xe buýt, xây dựng bến bãi thủy nội địa, kết nối rút ngắn thời gian di chuyển từ nội đô đến Vũng Tàu…

Bên cạnh đó, ngành Du lịch thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp cắt giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến, quản lý và thống kê. Đây là các yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh ngành du lịch đang bước vào giai đoạn phục hồi và tái cơ cấu mạnh mẽ.

Trong phạm vi địa lý mới, TPHCM có 681 tài nguyên có khả năng trở thành điểm đến du lịch. Đó là từ đô thị, làng nghề, công nghiệp, ven sông đến biển đảo, hệ thống di sản kiến trúc, bảo tàng hiện đại, chợ truyền thống, ẩm thực đường phố, không gian sáng tạo và lễ hội là nơi phát triển mạnh các tour MICE, city tour, du lịch văn hóa và các sản phẩm du lịch đêm.

Định hướng chiến lược phát triển du lịch TPHCM giai đoạn 2030-2045 sẽ tập trung vào các nhóm sản phẩm lễ hội, sự kiện; sản phẩm đường thủy (sông, biển) kết nối TPHCM – Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long; di tích văn hóa lịch sử, nghệ thuật dân gian, biểu diễn đương đại; du lịch đêm; và du lịch nông nghiệp, làng nghề.

Lê Anh

Top