Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

28/02/2023 5:22 PM

(Chinhphu.vn) - Công nghiệp hỗ trợ được xác định là lĩnh vực ưu tiên cần tập trung phát triển. Chính vì vậy, từ Đại hội X đến nay, TPHCM đã triển khai rất nhiều giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ như thành lập Ban chỉ đạo phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố; thành lập Trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố trực thuộc Sở Công Thương, tổ chức kết nối cung cầu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, kích cầu đầu tư…

TPHCM: nhiều giải pháp hỗ trợ DN công nghiệp hỗ trợ phát triển - Ảnh 1.

Hội thảo "Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu" - Ảnh: VGP/Hoàng Đức

Chiều 28/2, tại TPHCM diễn ra hội thảo "Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu" do Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Sở Công Thương TPHCM và báo Tuổi Trẻ tổ chức. Hội thảo nằm trong khuôn khổ của Diễn đàn "Xây dựng nền công nghiệp tự chủ".

Chính sách hỗ trợ cần xuyên suốt

Công bố khảo sát về tình hình thực tiễn của doanh nghiệp, bà Bùi Thị Hồng Hạnh, giám đốc điều hành NC Network, cho rằng, những khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt đó là tiếp cận khách hàng, thông tin thị trường, nguồn nhân lực, thiết bị máy móc, vấn đề tài chính, tiêu chuẩn chứng chỉ liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên vật liệu...

Cùng với đó là khó khăn về quy trình lập kế hoạch sản xuất, quản lý và theo dõi kế hoạch, thực thi và cách hiểu của đội ngũ cán bộ. Doanh nghiệp cũng đối diện với những vấn đề như tuyển dụng nhân sự, đào tạo nâng cao năng lực.

Đồng thời, DN cũng mong muốn có lãi suất hợp lý, cần được dùng tài sản thế chấp là máy móc thay vì chỉ là bất động sản. Quy hoạch các khu công nghiệp theo chuỗi cung ứng, Nhà nước có chiến lược dài hạn, xác định ngành công nghiệp mũi nhọn để doanh nghiệp không thể phụ thuộc vào bên ngoài và yên tâm phát triển.

Theo các chuyên gia, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước như giãn, hoãn nộp các loại thuế, phí, tiền thuê đất có vai trò lớn đối với các DN nhỏ và vừa, các DN công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên để các DN "hấp thụ" được hiệu quả hơn để có thể đón đầu cơ hội từ các tập đoàn lớn đang có dự định đầu tư vào Việt Nam thì các chính sách nói trên cần hiện xuyên suốt, liên tục để các DN có thể phục hồi, và phát triển.

TPHCM: nhiều giải pháp hỗ trợ DN công nghiệp hỗ trợ phát triển - Ảnh 2.

Ông Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TPHCM - Ảnh: VGP/Hoàng Đức

TPHCM xác định công nghiệp hỗ trợ là lĩnh vực ưu tiên

Phát biểu tại hội thảo, ông Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết: Trong thời gian qua, công nghiệp Thành phố đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của kinh tế Thành phố (chiếm khoảng 18% GRDP).

Đặc biệt, trong giai đoạn từ 2016 đến nay, cơ cấu ngành công nghiệp TPHCM đã chuyển dịch đúng định hướng, cơ cấu 4 ngành công nghiệp trọng yếu tăng từ 52,8% năm 2016 lên 55,82% năm 2020. Trong đó, ngành công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giúp nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng, góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong toàn ngành công nghiệp.

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu,TPHCM đã xác định công nghiệp hỗ trợ là lĩnh vực ưu tiên cần tập trung phát triển. Chính vì vậy, từ Đại hội X đến nay, Thành ủy và UBND Thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai rất nhiều giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ như: Thành lập Ban Chỉ đạo phát triển công nghiệp hỗ trợ Thành phố; thành lập Trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ Thành phố trực thuộc Sở Công Thương; cùng với một số giải pháp cụ thể khác như xây dựng Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Thành phố; tổ chức kết nối cung cầu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, kích cầu đầu tư, hỗ trợ lãi suất cho các DN... Các giải pháp trên đã góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng như tạo điều kiện tham gia hiệu quả chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu cho rằng, hội thảo sẽ là tiền đề, cơ sở dữ liệu cho hội thảo "Định hướng phát triển công nghiệp trên địa bàn TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050", dự kiến tổ chức vào tháng 4/2023 tại TPHCM. Đây cũng là bước chuẩn bị để xây dựng Đề án khoa học "Định hướng phát triển công nghiệp trên địa bàn TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050".

Tại hội thảo còn diễn ra lễ ký kết ghi nhớ hợp tác giữa Sở Công Thương TPHCM với các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, hướng đến việc Việt Nam xây dựng nền công nghiệp tự chủ.

Cụ thể, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố sẽ phối hợp chặt chẽ trong công tác tổ chức Hội nghị liên kết vùng trong định hướng phát triển công nghiệp theo lợi thế của từng địa phương; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách cho phát triển công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ; phối hợp tổ chức hội nghị, hội thảo, hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào được chuỗi cung ứng toàn cầu; Phối hợp nghiên cứu, góp ý, đề xuất xây dựng Luật Công nghiệp; phối hợp, liên kết hình thành vùng nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp.

Top