Hỗ trợ phát hành thẻ tín dụng cho công nhân mua hàng bình ổn
(Chinhphu.vn) - Ngày 2/4, Sở Công Thương TPHCM thông tin về kế hoạch thực hiện chương trình Bình ổn thị trường năm 2025 - Tết Bính Ngọ năm 2026 (chương trình) trên địa bàn Thành phố.

Một điểm bán hàng bình ổn lưu động phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Ảnh: VGP/Lê Anh
Chương trình duy trì mục tiêu tập trung phát huy hiệu quả, hiệu lực của các cơ chế chính sách đặc thù phát triển TPHCM theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Đồng thời, chủ động, đảm bảo cung - cầu hàng hóa, ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu; sẵn sàng ứng phó những tình huống cấp bách, nhất là dịp Lễ, Tết và khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh...
Hàng hóa trong chương trình là sản phẩm được sản xuất trong nước, có nguồn gốc, xuất xứ, đạt tiêu chuẩn về chất lượng, giá phù hợp
Thực hiện chương trình bình ổn thị trường, các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu có 13 nhóm hàng. Các tháng thường, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 23-31% nhu cầu thị trường. Các tháng Tết, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 25-43% nhu cầu thị trường. Các mặt hàng phục vụ học tập có 6 nhóm hàng, chiếm từ 35-50% nhu cầu tiêu dùng của học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố năm học 2024 - 2025. Lượng hàng bình ổn thị trường năm 2025 -2026 tăng 4 - 6% so với năm 2024.
Thời gian thực hiện chương trình 12 tháng, bắt đầu từ ngày 1/4/2025-31/3/2026. Trong đó, khuyến khích doanh nghiệp tham gia chương trình đầu tư phát triển các loại hình phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chú trọng phát triển điểm bán tại các chợ dân sinh, các khu chế xuất - khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu lưu trú công nhân, khu vực ven - ngoại thành trên địa bàn TPHCM.
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, năm nay, chương trình thực hiện nhiều giải pháp nhằm kích cầu tiêu dùng (thông qua hình thức bán hàng trực tiếp và hình thức bán hàng trực tuyến) nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại
Theo đó, Sở Công Thương TPHCM phối hợp với Liên đoàn Lao động Thành phố triển khai chương trình bằng cách đẩy mạnh tuyên truyền đến người lao động tiếp cận mua sắm các mặt hàng thiết yếu với giá ưu đãi, lựa chọn sản phẩm đảm bảo chất lượng.
Ban Quản lý Khu chế xuất và Công nghiệp, Ban Quản lý Khu công nghệ cao rà soát số lượng, nhu cầu của công đoàn viên, người lao động làm cơ sở để Sở Công Thương triển khai công tác tổ chức việc bán hàng đúng trọng tâm, đạt hiệu quả.
Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực 2 và các tổ chức tín dụng hỗ trợ lực lượng công đoàn viên, công chức, viên chức, người lao động phát hành thẻ ngân hàng, thiết kế sản phẩm tín dụng tiêu dùng phù hợp làm công cụ thanh toán phục vụ cho các giao dịch mua hàng thiết yếu qua các đợt bán hàng của chương trình.
Lê Anh