Hoàn tất giấy tờ tùy thân, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho các em có hoàn cảnh khó khăn
(Chinhphu.vn) - Ngày 21/11, HĐND TPHCM phối hợp với Sở LĐTB&XH, Sở Tư pháp, Công an Thành phố, Hội Bảo vệ quyền trẻ em và Công đoàn viên chức TPHCM tổ chức tọa đàm về Thực trạng và giải pháp công tác cấp giấy khai sinh, mã số định danh, đăng ký cư trú và thẻ căn cước cho trẻ em, thanh thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn.
Tọa đàm với mục đích thảo luận và tìm ra các giải pháp thiết thực nhằm hỗ trợ nhóm trẻ em và thanh thiếu niên gặp khó khăn trong việc hoàn tất các giấy tờ tùy thân, đảm bảo quyền lợi pháp lý và tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, an sinh xã hội.
Theo khảo sát, tổng số trẻ em, thanh niên trong độ tuổi 16-18 tuổi có hoàn cảnh đặc biệt trong các cơ sở trợ giúp trẻ em, lớp học tình thương trên địa bàn thành phố là 575 trường hợp, trong đó thực tế cư trú là 444/575 trường hợp. Trong số này, các cơ quan đã thực hiện cấp giấy khai sinh cho 405/444 trường hợp.
Điểm nghẽn của nhiều địa phương
Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTB&XH, việc cấp giấy khai sinh, mã số định danh, căn cước cho trẻ em đặc biệt, cho đối tượng di cư là điểm nghẽn trong nhiều năm của nhiều địa phương chứ không riêng gì TPHCM.
Điều này đã dẫn đến thực tế là nhiều trẻ em và thanh niên sống ngoài vòng pháp luật, bị bỏ lại phía sau và không được hưởng các quyền mà các em đáng được hưởng.
Từ đó, các em bị hạn chế trong nhiều quyền khác như quyền được khai sinh, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, tham gia các hoạt động xã hội. Ngoài ra, các cơ quan quản lý cũng sẽ gặp khó trong thực hiện các chính sách xã hội; vì vậy, việc này cần được triển khai mạnh mẽ.
Đồng quan điểm, TS. Lê Văn Công, Phó Trưởng Khoa Xã hội học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM nhận định, một số nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở ngoài các cơ sở công lập vẫn không có giấy khai sinh, không có mã định danh, căn cước công dân.
Điều này khiến các em khó tiếp cận các chính sách trợ giúp xã hội như không được lao động hoặc quay trở lại cộng đồng…
Do đó, TS. Lê Văn Công cho rằng Sở và Phòng LĐTB&XH các địa phương cần trang bị kiến thức pháp luật về thủ tục hộ tịch cho nhân viên bảo trợ xã hội. Cùng với đó, HĐND TPHCM cũng cần có một tiểu ủy ban công tác xã hội, đặc trách hỗ trợ các dịch vụ pháp lý cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt này.
Còn ông Phạm Đình Nghinh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM cho rằng, để giải quyết dứt điểm, căn bản câu chuyện giấy tờ tùy thân cho trẻ, cần có sự chủ động, quyết liệt hơn trong vai trò của gia đình, các cơ sở trợ giúp trẻ em, chính quyền địa phương ở cơ sở. Bên cạnh đó, cần sự phối hợp của nhiều cơ quan, ban, ngành ở các cấp khác nhau và sự chung tay của các tổ chức xã hội.
Phát biểu kết luận tọa đàm, ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TPHCM nhấn mạnh cần tăng tốc và tâm huyết hơn nữa để hoàn tất các giấy tờ tùy thân cho các em, đảm bảo quyền lợi pháp lý và tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, an sinh xã hội.
Ông Cao Thanh Bình cũng khẳng định Ban sẽ tổng hợp lại các trường hợp hiện chưa được giải quyết gửi UBND TPHCM để UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ban ngành, địa phương tập trung giải quyết.
Mặt khác, Ban cũng sẽ cam kết đồng hành các sở ngành, địa để kịp thời ghi nhận, tiếp nhận các trường hợp phát sinh; đối với các trường hợp khó sẽ kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.
Vũ Phong