Hơn 10.000 hiệu trưởng sẽ tham gia dự án Trường học Hạnh phúc
(Chinhphu.vn) - Hơn 10.000 hiệu trưởng trên khắp cả nước sẽ được tập huấn trong dự án Trường học Hạnh phúc do Quỹ Hỗ trợ Đổi mới Giáo dục Phổ thông Việt Nam (VIGEF) tổ chức. Dự án nhằm khởi xướng và kiến tạo mô hình giáo dục - đào tạo mới, nơi học sinh được học tập trong hạnh phúc.
Trong năm 2022 và 2023, dự án Trường học Hạnh phúc của VIGEF sẽ đào tạo 10.000 hiệu trưởng của các trường trung học phổ thông. Trong giai đoạn 1, dự án sẽ triển khai tại 7 tỉnh thành: Hà Nội, Lào Cai, Hưng Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Nghệ An và Kon Tum.
Dự án Trường học Hạnh phúc của VIGEF đặc biệt chú trọng tính cá thể hóa của mỗi học sinh. Thay vì giảng dạy theo một giáo án khuôn mẫu cho tất cả học sinh, dự án hướng đến việc tôn trọng điểm khác biệt trong trí lực và khuynh hướng tính cách của các em - những đặc điểm do bộ gene bẩm sinh quy định. Từ đó, thầy cô sẽ tạo ra môi trường phù hợp và khuyến khích các em phát triển theo đúng tiềm năng của mình.
Chẳng hạn, một học sinh có khả năng ghi nhớ và tư duy logic tốt nhưng không có thế mạnh về trí thông minh cảm xúc thường gặp khó khăn trong giao tiếp và xử lý các tình huống xã hội. Với những học sinh này, mô hình sư phạm Waldorf tập trung phát triển tự do nội tâm và óc sáng tạo sẽ hỗ trợ giáo dục cảm xúc cho các em.
Ngược lại, với những học sinh có lợi thế về mặt cảm xúc và ngôn ngữ nhưng gặp khó khăn trong ghi nhớ và các môn khoa học tự nhiên, phương pháp giáo dục Carden sẽ phù hợp hơn. Phương pháp này xây dựng lộ trình học tập rõ ràng, nhất quán, trong đó các môn học móc nối với nhau và kiến thức được củng cố trong và giữa các bậc học.
TS. Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ VIGEF chia sẻ: "Sáng kiến Trường học Hạnh phúc không mới ở Việt Nam nhưng điểm khác biệt của dự án này là chú trọng vai trò của di truyền học trong giáo dục. Chúng tôi sẽ nâng cao nhận thức của các Hiệu trưởng về ảnh hưởng của yếu tố di truyền tới phong cách học tập, tới sự phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực của mỗi học sinh. Từ đó, thầy cô sẽ tôn trọng sự khác biệt của các em đồng thời giúp các em phát huy tối đa tiềm năng và sở trường có tính bản năng của mình".
Trường học Hạnh phúc góp phần đổi mới giáo dục phổ thông
Mô hình trường học hạnh phúc - Happy Schools lần đầu tiên được UNESCO khuyến cáo vào đầu năm 2017. TS. Kim Gwang Jo - Giám đốc UNESCO đã nghiên cứu và xây dựng mô hình trường học này nhằm kêu gọi đổi mới hệ thống giáo dục toàn cầu theo hướng: Học tập hạnh phúc để vươn tới ước mơ. Thay vì đánh giá chất lượng giảng dạy dựa trên thành tích và điểm số của học sinh, mô hình trường học này lấy chỉ số hạnh phúc của học sinh làm thước đo.
Hiện nay, nhiều quốc gia phát triển trên thế giới như Đan Mạch, Hà Lan, Singapore, Mỹ, Úc, Nhật Bản… đã áp dụng mô hình trường học hạnh phúc. Ngành giáo dục Việt Nam cũng không đứng ngoài xu thế ấy, đặc biệt khi nước ta đang triển khai mạnh mẽ công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo. Giáo dục không chỉ giúp học sinh vượt qua các kỳ thi mà quan trọng hơn, còn chỉ dẫn các em cách cảm nhận, thích nghi và sống cuộc đời hạnh phúc bền vững. Đó là lý do mô hình Trường học Hạnh phúc ngày càng được ủng hộ.
Theo thầy Bùi Vĩnh Toàn, hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Quý Đôn, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum, để xây dựng thành công trường học hạnh phúc cần chú trọng xây dựng đội ngũ giáo viên có năng lực chuyên môn tốt, có phong cách ứng xử chuẩn mực, văn hóa và có sự thấu hiểu các em học sinh. Các trường học cần tìm hiểu thêm về chương trình trường học hạnh phúc, thấu hiểu thêm giáo viên và học sinh, từ đó tổ chức tập huấn và đào tạo cho giáo viên hiểu hơn về cách thức xây dựng một ngôi trường hạnh phúc.
Học tập trong môi trường hạnh phúc sẽ giúp học sinh phát huy tối đa hệ sinh thái năng lực. Ngoài ra, các em còn được thỏa mãn 5 nhu cầu chính đáng của con người trong mô hình trường học hạnh phúc, điều mà hiện nay vẫn chưa được quan tâm đúng mực. Những nhu cầu đó bao gồm: Nhu cầu thiết yếu, được an toàn, được hòa hợp, được tôn trọng và được thể hiện bản thân.
Quỹ Hỗ trợ Đổi mới Giáo dục Phổ thông Việt Nam là tổ chức phi chính phủ duy nhất được phép huy động nguồn lực xã hội hóa từ các cá nhân hay tổ chức trong và ngoài nước để hỗ trợ các hoạt động liên quan tới đổi mới giáo dục phổ thông ở Việt Nam.
Minh Thi