Hơn 128.000 phương tiện bị tạm giữ do vi phạm nồng độ cồn

11/01/2024 6:09 PM

(Chinhphu.vn) - Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Phòng Tham mưu Công an TPHCM, cho biết điều này tại buổi họp báo định kỳ về tình hình kinh tế - xã hội của Thành phố chiều 11/1.

Hơn 128.000 phương tiện bị tạm giữ do vi phạm nồng độ cồn- Ảnh 1.

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Phòng Tham mưu Công an TPHCM, thông tin tại họp báo - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, năm qua, lực lượng công an Thành phố phát hiện và xử lý hơn 651.000 trường hợp vi phạm giao thông, tạm giữ hơn 1.500 ô tô, hơn 153.000 xe máy và hơn 1.200 xe 3 bánh, 4 bánh. Trong đó, hơn 128.000 phương tiện bị tạm giữ do vi phạm nồng độ cồn, chiếm gần 20%.

Về việc công khai các trường hợp là đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn, Công an TPHCM đã chuyển danh sách 37 trường hợp tới cơ quan chủ quản để kiểm điểm, xử lý trách nhiệm.

Ông Hà khẳng định, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trên địa bàn vi phạm nồng độ cồn chiếm tỉ lệ rất nhỏ, chỉ 0,0289% tổng số trường hợp vi phạm. Trong hơn một tháng qua, Thành phố không ghi nhận thêm trường hợp nào trong số này vi phạm nồng độ cồn.

Thượng tá Lê Mạnh Hà thông tin thêm, qua các đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn, số lượng phương tiện bị tạm giữ trên địa bàn đã tăng lên. Đặc biệt, nhiều người vi phạm không lên làm việc với cơ quan chức năng, không đóng phạt do giá trị phương tiện thấp.

Thông tin thêm về việc đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy tại các kho bãi tạm giữ tang vật, ông Hà cho biết Ban Giám đốc Công an TPHCM đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương, lực lượng cảnh sát giao thông tổ chức các trang, thiết bị phòng cháy chữa cháy đúng quy định. Các trang, thiết bị, bình chữa cháy cần được thường xuyên kiểm tra, bảo trì. Đồng thời, các lực lượng cần xây dựng các phương án chữa cháy tại kho bãi để đảm bảo an toàn xử lý tình huống xảy ra. Các cán bộ, chiến sĩ cần phân loại phương tiện tạm giữ thành các nhóm, đẩy nhanh công tác xử lý tang vật.

Ngoài ra, Công an Thành phố cũng chỉ đạo các đơn vị áp dụng các biện pháp thay thế tạm giữ phương tiện để ngăn chặn hành vi vi phạm. Các biện pháp có thể làm là tạm giữ các giấy tờ, chứng chỉ thay cho phương tiện để giảm số tang vật cần tạm giữ.

Cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo cận Tết

Tại họp báo, Thượng tá Lê Mạnh Hà cũng đưa ra cảnh báo về các thủ đoạn của tội phạm lừa đảo dịp gần Tết Nguyên đán. 

Theo đó, trong giai đoạn Tết Nguyên đán Giáp Thìn sắp tới, một số đối tượng tội phạm nói chung và tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng nói riêng sẽ lợi dụng để gia tăng các hoạt động phạm tội. 

Không chỉ thủ đoạn "việc nhẹ, lương cao", lực lượng Công an TPHCM đã ghi nhận các phương thức, thủ đoạn lợi dụng triệt để chủ đề Tết Nguyên đán Giáp Thìn để tạo ra các câu chuyện lừa đảo. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, các câu chuyện được dựng lên ngày càng tinh vi, gắn với sự kiện, pháp nhân cụ thể để dẫn dụ nạn nhân sập bẫy. 

Cụ thể, các đối tượng giả mạo thương hiệu, doanh nghiệp trong và ngoài nước đưa ra các chương trình tặng quà, trúng thưởng, khuyến mãi Tết, vé xe, vé máy bay Tết giá rẻ hay dưới dạng hội thi áo dài xuân... 

Kẻ lừa đảo sẽ đưa ra thông tin về giải thưởng có giá trị hấp dẫn, mặt hàng có giá rẻ hơn so với giá thị trường. Nạn nhân sẽ bị gọi điện, nhắn tin hoặc liên hệ qua các nền tảng mạng xã hội để dẫn dụ tham gia, mua hàng, chiếm đoạt tài sản. 

Các đối tượng lừa đảo cũng lợi dụng tâm lý người dân có nhu cầu kiếm tiền để lừa đảo qua việc tuyển dụng việc làm trực tuyến. Thủ đoạn của các đối tượng này là hướng dẫn mở cửa hàng trực tuyến, vào xem video, tương tác bài viết trên mạng, đánh giá sản phẩm để được chi hoa hồng; tuyển lao động việc nhẹ, lương cao tại nước ngoài. 

Các đối tượng cũng gọi điện, nhắn tin, mời chào nạn nhân tham gia các nhóm đầu tư thông minh, nhóm chuyên gia tài chính, nhóm đầu tư chứng khoán quốc tế. Bản chất của thủ đoạn này là thao túng, dẫn dụ nạn nhân nạp tiền đầu tư vào các website, ứng dụng do đối tượng tự tạo lập với danh nghĩa đầu tư chứng khoán online, dự đoán tăng giảm giá vàng, dầu hay giao dịch tiền ảo.

Để tránh mắc phải các bẫy lừa đảo, Công an TPHCM cảnh báo, người dân không tin vào lời mời tuyển dụng "việc nhẹ, lương cao" trên mạng xã hội, đặc biệt không tin vào lời hứa hẹn, mời gọi hấp dẫn, công việc có thu nhập cao và dễ dàng, không yêu cầu kỹ năng hay kinh nghiệm. 

Đặc biệt, người dân không được chấp nhận đặt cọc, ứng trước tiền. Khi có nhu cầu, người dân chỉ tìm việc thông qua trung tâm giới thiệu việc làm của nhà trường, tổ chức chính trị xã hội, các pháp nhân có địa chỉ, pháp nhân rõ ràng, nơi tuyển dụng phải có địa chỉ cụ thể. 

Công an TPHCM cũng khuyến cáo người dân không đăng nhập các đường link lạ do những người không quen biết gửi hoặc chỉ quen biết qua mạng xã hội. Các đường link có nguy cơ chứa mã độc hoặc bị chiếm quyền điều khiển điện thoại.

Anh Thơ

Top