HoREA kiến nghị tháo điểm nghẽn “rà soát”, mở nút thắt tăng vốn

09/04/2019 11:08 AM

(Chinhphu.vn) - Trước thềm buổi Hội nghị đối thoại giữa Lãnh đạo UBND TPHCM và giới doanh nghiệp nhà đất vào ngày 10/4 tới, Hiệp Hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đã có văn bản khẩn thiết đề nghị được giải quyết hàng loạt vướng mắc. Đáng chú ý nhất là kiến nghị tháo điểm nghẽn nguồn cung và mở nút thắt tăng vốn cho DN có cổ đông lớn là nhà nước.

Dự án đang bị thanh tra: Muốn được rà soát gấp!

Sau khi 124 trên tổng số hơn 150 dự án bất động sản được các cơ quan có thẩm quyền rà soát và chấp thuận cho tiếp tục triển khai, Hiệp Hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đã cho rằng đây không chỉ là tin vui đối với các chủ  đầu tư và những người mua nhà mà còn là tín hiệu rất tích cực cho nguồn cung của thị trường bất động sản. Vì vậy, HoREA mong muốn TPHCM cho công bố danh mục 124 dự án này để các doanh nghiệp nhà đất có căn cứ “làm việc” tiếp với các sở, ngành, hoàn tất thủ tục đầu tư xây dựng và triển khai dự án. Đây cũng đồng thời là thông tin giúp cho người mua nhà thấy an tâm hơn.

HoREA cũng tiếp tục kiến nghị UBND TPHCM và Thanh tra Chính phủ khẩn trương xem xét, giải quyết đối với hơn 30 dự án còn đang trong diện rà soát lại. “Quá trình rà soát, thanh tra càng kéo dài thì càng bất lợi cho doanh nghiệp vì chi phí vốn, lãi vay ngân hàng sẽ tăng thêm, còn cơ hội kinh doanh thì mất đi. Dự án bị “phanh” lại dẫn đến nguồn cung nhà ở cũng sụt giảm theo. “Như vậy không có lợi cho cả cho người mua nhà lẫn thị trường nói chung”, chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu nhận định.

Cụ thể, ông Châu nêu ước tính cho rằng nguồn thu ngân sách TPHCM về tiền sử dụng đất đang bị “hụt” đi đáng kể. Nếu như năm 2018, khoản thu này giảm 22,5% thì riêng hai tháng đầu năm 2019 đã giảm đến 76% so với cùng kỳ năm trước. Trong số tổng nợ thuế tại TPHCM 2 tháng đầu năm 2019, các khoản nợ liên quan tới đất đai đã chiếm tới 14% (1.370 tỷ đồng).

Hệ quả kéo theo sau các dự án bị “treo” lại là sự khan hiếm về nguồn cung nhà đất và lượng hợp đồng xây lắp của các nhà thầu xây dựng bị giảm mạnh 30-50%.

Tương tự, HoREA cũng khẩn thiết đề nghị UBND TPHCM chỉ đạo các sở, ngành sớm có kết luận xử lý khoảng 300 mặt bằng nhà đất công thuộc diện bị thu hồi quyết định về sử dụng đất.

Được biết, hiện TPHCM đang rà lại một số đất công đã được giao chỉ định trước đây. Có dự án cả trăm hecta nhưng lại có vài trăm mét vuông nằm rải rác kiểu “da báo”, lẫn trong khu dân cư hiện hữu và đã được chủ đầu tư “quy hoạch” thành các công trình công cộng, phi lợi nhuận (công viên, bãi cỏ…).

Những phần đất “da báo” này trước đây đã được TPHCM giao chỉ định cho chủ đầu tư. Nhưng về pháp lý, phần diện tích ấy lẽ ra phải được đấu giá hoặc được giao chỉ định bởi Thủ tướng. Vì vậy, “các trường hợp này đang được làm lại cho đúng quy định”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến từng phát đi thông điệp trong cuộc đối thoại với giới DN nhà đất hồi tháng giêng năm nay.

Nghẽn tăng vốn vì cổ đông nhà nước “khất lần”

Ở một đề xuất khác của HoREA, cũng có tính “thời sự” không kém, đó là hiện tượng phía đại diện vốn nhà nước “khất lần” kế hoạch tăng vốn tại các công ty cổ phần - nơi mà sở hữu nhà nước đang là cổ đông lớn.

Theo đó, HoREA kỳ vọng TPHCM sẽ sớm có chủ trương thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp bất động sản đã cổ phần hóa, trước tiên là tại các doanh nghiệp có phần vốn nhà nước dưới 30% - tức doanh nghiệp đang hoạt động ở những lĩnh vực nhà nước không cần nắm quyền chi phối.

Cũng tại cuộc gặp gỡ với Lãnh đạo UBND TPHCM hồi đầu năm 2019, đại diện Công ty Địa ốc Chợ Lớn từng “than thở” không thể tăng vốn vì phía cổ đông nhà nước mãi chưa có ý kiến, khiến cho doanh nghiệp sau 30 năm thành lập, với nhiều dự án bất động sản đang cần thực hiện, lại phải bị “trói tay trói chân” vì tổng vốn chỉ mới dừng lại ở mức 75 tỷ đồng.

Thừa nhận có thực tế này, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đã khẳng định sẽ tổng hợp và báo cáo các trường hợp tương tự về Ban chỉ đạo Cổ phần hóa để có hướng quyết định. “Có nhiều chỗ đang ‘án binh bất động’ như vậy. Các anh chị cứ nói với doanh nghiệp là đợi ý kiến của Thành phố nhưng thực ra là anh chị không có phương án nào. Nếu muốn tham gia tiếp với doanh nghiệp thì anh chị phải có phương án gọi vốn cụ thể, nói rõ sẽ huy động từ đâu hoặc phải đề nghị Thành phố bổ sung vốn!”, Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến thẳng thắn “phê” các đại diện vốn nhà nước.

Hiện tại, mỗi một quyết định thoái vốn hoặc “nhượng lại” quyền mua cổ phiếu trong các đợt tăng vốn của doanh nghiệp đã được cổ phần hóa đều có thể được thị trường “thẩm định giá”. “Thoái vốn bằng cách đấu giá công khai là phương thức để đảm bảo sát với giá thị trường nhất và không làm thất thoát tài sản Nhà nước”, vị chủ tịch HoREA tin tưởng. 

Phương Hiền

Top