ICDREC: Kỳ vọng thêm đòn bẩy từ khu công nghệ cao TPHCM

29/10/2017 11:08 AM

(Chinhphu.vn) - Được biết đến là một “cánh chim đầu đàn” về công nghệ cao của cả nước, Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) đã có những đóng góp vào sự thành công của nhiều dự án công nghệ. Trong đó, Trung tâm nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) thuộc ĐHQG TPHCM là một trong những điển hình thành công trong phối hợp của SHTP. Khu công nghệ cao TPHCM: 15 năm trưởng thành và lan tỏa

GS.TS Đặng Lương Mô

Nhân dịp 15 năm thành lập SHTP, Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trò chuyện với GS.TS Đặng Lương Mô - chuyên gia cố vấn tại ICDREC.

Là chuyên gia tư vấn, "chung lưng, đấu cật" với ICDREC từ lúc mới hình thành, theo Giáo sư, SHTP đã có vai trò ra sao trong hỗ trợ và tạo điều kiện cho ICDREC phát triển?

GS.TS Đặng Lương Mô: Là một đơn vị trực thuộc ĐHQG TPHCM, ICDREC có đội ngũ nghiên cứu mạnh, sản phẩm lại rất gần với công nghiệp công nghệ cao. Trong khi đó, đúng như tên gọi, SHTP có thiết bị, cơ sở vật chất, là nơi ươm tạo, phát triển, quảng bá, phổ cập công nghệ cao. Thời gian qua, SHTP đã hỗ trợ và tạo điều kiện cho ICDREC tiếp cận, sử dụng cơ sở vật chất trong công tác nghiên cứu.

Chẳng hạn, nhóm nghiên cứu về MEMS ở SHTP ngày nay vốn là một nhóm nghiên cứu được hình thành và đào tạo ở ICDREC. Lực lượng này, gồm cả con người và công nghệ đã được chuyển giao cho SHTP. Một điều thú vị, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu triển khai của SHTP hiện nay, anh Ngô Võ Kế Thành, vốn là trưởng nhóm ấy.

ICDREC cũng từng được SHTP hỗ trợ mặt bằng để triển khai dự án chế tạo đồng hồ điện kế điện tử sử dụng chip do ICDREC thiết kế. Toàn bộ nhóm nghiên cứu phát triển đồng hồ điện đó đã tách ra khỏi ICDREC, khởi nghiệp thành một công ty chuyên cung cấp đồng hồ điện cho các công ty điện lực.

Hay một đề án quan trọng của Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM giai đoạn 2013-2020 là xây dựng Nhà Thiết kế (Design House). Dự án được xây dựng ở ICDREC, nay đã có quyết định chuyển giao cho SHTP. Phía SHTP hiện chưa có nhân sự về mảng này nên đây cũng là một cơ hội cho hai đơn vị hợp tác chặt chẽ hơn.

Nhưng vẫn còn có sự nuối tiếc, đó là thời kỳ tôi đề xuất thành lập ICDREC thì SHTP có chủ trương “đi tắt đón đầu”, khi ấy SHTP đã lập ra Phòng thí nghiệm công nghệ nano, Phòng thí nghiệm bán dẫn... Nếu hai đơn vị hợp tác chặt chẽ với nhau hơn nữa ngay từ buổi đầu ấy thì sự phát triển của công nghệ bán dẫn vi mạch có thể đã mạnh hơn.

Tuy nhiên, những năm gần đây, hoạt động phối hợp trong khoa học, công nghệ của ICDREC và SHTP là rất thành công, hoàn thành tốt vai trò đối với nền công nghệ nước nhà.

Hiện nay, nhắc tới ngành công nghệ thông tin Việt Nam, người ta nghĩ ngay tới dịch vụ công nghệ thông tin, tới gia công phần mềm… với hàng nghìn doanh nghiệp gia công lớn nhỏ. Trong khi số doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất, thương mại hóa được phần cứng hầu như khá “lặng lẽ”. Vì sao như vậy thưa Giáo sư?

GS.TS Đặng Lương Mô: Đây là do một sự ngộ nhận. Chúng ta nên nhận thức công nghệ thông tin chủ yếu phải là mặt mềm của công nghệ cao như công nghệ tàng trữ, xử lý và truyền dẫn dữ liệu, chứ không phải là ôm hết cả phần mềm lẫn phần cứng như công nghệ máy tính, công nghệ vi mạch, công nghệ điện tử. Ngộ nhận như vậy đã khiến người ta đưa tất cả những công nghệ phần cứng vào phạm trù công nghệ thông tin.

Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn TPHCM giai đoạn 2013-2020 cũng vì thế đã được đặt dưới sự điều hành của Sở Thông tin và Truyền thông, chứ không phải là Sở Khoa học và Công nghệ. Tôi đã có lần kiến nghị tách rời phần mềm và phần cứng của chương trình vi mạch này ra cho dễ điều hành, nhưng việc ấy chưa thành.

Theo tôi, liệu chúng ta có nên cứ theo đuổi làm dịch vụ gia công phần mềm mà sao lãng việc làm phần cứng hay không? Vả chăng, kinh nghiệm ở những nước tiên tiến như ở Mỹ, ở Nhật, một kỹ sư phần mềm chỉ được trọng dụng cho tới độ tuổi cao lắm là 40 tuổi mà thôi. Sau đó, vì có thâm niên nên phần đãi ngộ, tức là lương bổng cũng tăng cao, trong khi đó thì giá trị sản phẩm do họ làm ra lại không cao nên nhà kinh doanh thường có xu hướng thay đổi họ bằng những người trẻ tuổi hơn, trả lương ít hơn mà có thể lại có năng suất cao hơn.

Cá nhân tôi không ủng hộ việc tập trung quá nhiều nhân lực vào hoạt động gia công phần mềm, mà đã đến lúc phải tập trung vào sản xuất ra của cải vật chất bằng những sản phẩm cứng như điện thoại thông minh, máy vi tính, ô tô…

Thưa Giáo sư, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có mang đến cho Khu công nghệ cao TPHCM hay ICDREC một cơ hội có được xuất phát điểm mới tương đương với các trung tâm khoa học công nghệ khác trên thế giới?

GS.TS Đặng Lương Mô: Trước hết, cần thống nhất quan điểm về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Từ ngữ “công nghiệp 4.0 (industrie 4.0)” vốn xuất phát từ một kế hoạch về chiến lược công nghệ cao của chính phủ CHLB Đức. Trong khi đó, ở Mỹ người ta đề xuất cái gọi là Industrial Internet (mạng công nghiệp) coi như là giai đoạn phát triển mới của công nghiệp.

Cả hai nước Mỹ và Đức đều đã kinh qua mấy cuộc cách mạng công nghiệp trước. Đức thì tuy chậm hơn vài nước châu Âu khác như Anh, Pháp, Hà Lan trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, nhưng hiện nay là nước công nghiệp phát triển thứ tư về mặt GDP (sau Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản). Còn Mỹ là cái nôi của sự phát sinh ra cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai (điện hóa, mạng lưu thông và sản xuất đại trà) và lần thứ ba (máy tính điện tử, công nghệ thông tin và điều khiển tự động). Điều này có nghĩa là cả hai nước này đều có đủ điều kiện để bước vào cuộc cách mạng công nghiệp mới, tạm gọi là 4.0.

Một trong những diễn viên chủ chốt của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này, cái được gọi là IoT hay “mạng vạn vật”. Mà những thành tố thiết yếu của mạng vạn vật này lại là cảm biến, là vi mạch, là trí tuệ nhân tạo, là công nghệ thông tin, công nghệ điều khiển tự động. Nói cách khác, tuy chúng ta chưa hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa dựa trên cách mạng công nghiệp lần thứ hai và lần thứ ba, nhưng xem ra ta cũng đã có được vài “diễn viên chủ chốt” để tham gia sân khấu của “cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.

Do đó, chúng ta hi vọng SHTP và ICDREC sẽ có vai trò quan trọng hơn trong giai đoạn sắp tới.

Tuy nhiên, muốn cho hai nơi này phát huy được năng lực sẵn có, cần phải có cơ chế mới sao cho hai đơn vị này có thể dễ dàng phát triển để đóng góp hữu hiệu trong công tác chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa hai đơn vị trong công tác xây dựng “mạng vạn vật” để phục vụ trước nhất cho đô thị thông minh, sau đó là chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đây cũng là một thách thức mới cho SHTP và ICDREC.

Theo ông, ngành vi mạch Việt Nam tới đây nên được định hướng đầu tư, phát triển theo hướng nào?

GS.TS Đặng Lương Mô: Nền công nghiệp vi mạch thế giới đã qua giai đoạn phát triển tăng tốc và đang tiến vào giai đoạn trưởng thành, bão hòa. Chúng ta làm vi mạch chậm hơn mấy nước đi trước đến vài chục năm rồi. Do đó, nếu lại đi theo bước chân của những nước đã phát triển ấy thì chưa hẳn đã tốt.

Vi mạch có hai mảng là thiết kế và chế tạo. ICDREC chỉ chuyên về mảng thiết kế, còn SHTP đã có ý định phát triển mảng chế tạo vi mạch bán dẫn từ hơn 10 năm trước nhưng xem ra chưa có thành công nào đủ để xúc tiến xã hội hóa đầu tư. Một mặt, do thị trường vi mạch của Việt Nam không lớn, trong khi đó thì năng lực sản xuất vi mạch của thế giới có vẻ như đã dư thừa nên những nước sản xuất vi mạch hiện đang giảm bớt nhà máy.

Tuy nhiên, dù thị trường vi mạch của chúng ta nhỏ, nhưng chúng ta cũng có những nhu cầu đặc thù, nhất là những nhu cầu liên quan đến an ninh quốc phòng.

Vì vậy theo tôi, chúng ta nên đầu tư mạnh vào mảng thiết kế để mau chóng nắm bắt những công nghệ thiết kế tiên tiến nhất, trước tiên là để thỏa mãn nhu cầu thiết kế vi mạch trong nước, nhất là để phục vụ an ninh quốc phòng, sau nữa là đóng góp thiết thực cho sự hình thành “mạng vạn vật” (IoT) cho nhiều hoạt động phát triển của xã hội, cụ thể là phát triển đô thị thông minh và nền công nghiệp trong khuôn khổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo ông, ICDREC cần có thêm những hỗ trợ đột phá nào khác của Khu Công nghệ cao TPHCM trên con đường phát triển trong thời gian tới?

GS.TS Đặng Lương Mô: Như vừa nói, ICDREC và SHTP là hai đơn vị đã có sự hợp tác, thậm chí có thể nói là kết hợp chặt chẽ trong mấy năm gần đây. Riêng về mảng thiết kế vi mạch và MEMS thì hai đơn vị mỗi nơi đều đã có sự chuẩn bị. Tôi rất mong SHTP sẽ có thêm những bước đi dài trong tương lai gần.

Nói cách khác, cả hai đơn vị, ICDREC và SHTP có nhiều điểm tương đồng, cần hợp tác với nhau mật thiết hơn nữa, bằng những nghiên cứu phát triển chung, bằng sự trao đổi nhân sự như từ trước đến nay đã làm. Từ đó, cùng nhau hướng hoạt động tới một mục tiêu chung là phục vụ cho sự phát triển đô thị thông minh - một mục tiêu của TPHCM và cùng nhau chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Xin cám ơn Giáo sư!

Các sản phẩm vi mạch và sản phẩm ứng dụng do ICDREC thiết kế và sản xuất được Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) định giá 290 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh số chuyển giao công nghệ đã thực hiện là hơn 68 tỷ đồng, doanh số sản xuất rồi cung cấp thiết bị dựa vào công nghệ là 31 tỷ đồng.

Dựa trên nguồn đầu tư của Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Chương trình nghiên cứu thiết kế và sản xuất thử nghiệm vi mạch thuộc Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM giai đoạn 2013-2020, đơn vị đã thành công trong việc chế tạo, thương mại hóa các sản phẩm vi mạch và các sản phẩm ứng dụng như chip vi xử lí 8-bit và 32-bit; các lõi IP ngoại vi cho vi xử lí 8-bit; các lõi IP ngoại vi cho vi xử lí 32-bit; các lõi IP xử lý tín hiệu số và hình ảnh; các lõi IP chip analog và Mix-signal; và các sản phẩm ứng dụng gồm điện kế điện tử, thiết bị giám sát hành trình, sản phẩm ứng dụng RFID, hệ thống đèn chiếu sáng.

Hiện, ICDREC là đơn vị trong nước đầu tiên thành công trong việc nghiên cứu chế tạo và thương mại hóa sản phẩm vi mạch.

Phương Hiền

Top