Khánh thành dàn giao hưởng chuông của Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn

23/12/2022 4:47 PM

(Chinhphu.vn) - Sáng 23/12, tại Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, Quận 1, đã diễn ra lễ khánh thành dàn giao hưởng chuông của Nhà thờ.

Khánh thành dàn giao hưởng chuông của Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn - Ảnh 1.

Linh mục Ignatio Hồ Văn Xuân, Tổng đại diện Tòa Tổng giám mục TPHCM phát biểu khai mạc buổi lễ - Ảnh: VGP/Bình An

Phát biểu tại buổi lễ, Linh mục Inhaxio Hồ Văn Xuân, Tổng đại diện Tòa Tổng giám mục TPHCM cho biết, do công trình Nhà thờ Đức Bà được trùng tu trong thời gian qua và để đảm bảo an toàn nên nhiều năm qua, tiếng chuông của Nhà thờ đã phải dừng lại.

Trước đó, Tòa Tổng Giám mục và Ban trùng tu Nhà thờ Đức Bà đã quyết định đặt mua dàn chuông carillon 25 quả của Đức để phục vụ hoạt động phụng vụ của nhà thờ, cũng như tạo sự thu hút cho người dân và du khách nước ngoài mỗi khi đến thăm khu vực trung tâm TPHCM.

Khánh thành dàn giao hưởng chuông của Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn - Ảnh 2.

Đức Tổng giám mục Joseph Nguyễn Năng phát biểu tại buổi lễ - Ảnh: VGP/Bình An

Hệ thống dàn chuông được kết cấu bằng gỗ linh sam được xử lý, gia công và chế tạo tại Đức. Loại gỗ đặc biệt này đảm bảo phù hợp với tổng thể kết cấu như chịu lực, chịu rung lắc, phù hợp với khí hậu, thời tiết nóng ẩm của TPHCM. Đặc biệt, bề mặt gỗ không hề sử dụng bất cứ lớp phủ bề mặt nào để gỗ được "thở" tự nhiên; đồng thời liên kết gỗ của khung đỡ của dàn chuông không sử dụng bu-lông, ốc vít, mà sử dụng kỹ thuật ghép mộng để hạn chế tối đa việc dội âm thanh kim loại, giúp chất lượng âm thanh chuông đạt mức cao nhất. 

Ngày 29/11 vừa qua, dàn chuông chính thức về tới Nhà thờ Đức Bà và từ ngày 6-17/12, hai chuyên gia của hãng chuông đã có mặt tại Nhà thờ để hướng dẫn lắp đặt và vận hành, nghiệm thu.

Phát biểu trước bà con giáo dân, Đức cha Joseph Nguyễn Năng, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận TPHCM bày tỏ niềm hân hoan khi mọi người có mặt dự lễ khánh thành bộ chuông mới đặt tại Nhà thờ.

Theo Đức Tổng Giám mục, chuông gắn liền với đời sống của dân Chúa, tiếng chuông báo hiệu giờ cầu nguyện, mời gọi dân chúng đến tham dự các cuộc cử hành phụng vụ, tiếng chuông còn loan tin cho mọi người biết về các biến cố quan trọng cả vui lẫn buồn trong đời sống Giáo hội và Cộng đoàn địa phương. Bất cứ khi nào nghe thấy tiếng chuông, mọi người nhớ rằng mình cùng là một gia đình, cùng hợp nhau lại để thể hiện sự hợp nhất của chúng ta trong chúa Kito.

Khánh thành dàn giao hưởng chuông của Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn - Ảnh 3.

Đức Tổng Giám mục Joseph Nguyễn Năng cùng lãnh đạo TPHCM tại buổi lễ - Ảnh: VGP/Bình An

"Từ 3 năm qua, vì sự an toàn của nhà thờ nên Nhà thờ Đức Bà không đổ chuông nữa và hầu như những người quan tâm đều cảm thấy thiếu vắng điều đó. "Không phải vì thiếu một tiếng chuông quen thuộc mà thiếu điều gì đó linh thiêng mang tính chất quy tụ Cộng đoàn dân Chúa, cũng như mời gọi bà con Cộng đoàn tới nhà thờ đọc kinh, cầu nguyện, cử hành phụng vụ", Đức Tổng Giám mục bày tỏ.

Công trình trùng tu Nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn được khởi công ngày 28/6/2017 và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2027.

Một số hình ảnh về dàn giao hưởng chuông của Nhà thờ:

Khánh thành dàn giao hưởng chuông của Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn - Ảnh 4.

Hệ thống chuông nằm ở khu vực tiền sảnh Nhà thờ Đức Bà - Ảnh: VGP/Bình An

Khánh thành dàn giao hưởng chuông của Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn - Ảnh 5.

Dàn chuông được nâng đỡ bằng, gia cố bằng hệ thống kết cấu gỗ, thép vững chãi - Ảnh: VGP/Bình An

Khánh thành dàn giao hưởng chuông của Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn - Ảnh 6.

Hệ thống gồm 25 quả chuông lớn nhỏ - Ảnh: VGP/Bình An

Khánh thành dàn giao hưởng chuông của Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn - Ảnh 7.

Các chuông lớn khắc tên Đức Tổng Giám mục Tổng Giáo phận các nhiệm kỳ trước - Ảnh: VGP/Bình An

Khánh thành dàn giao hưởng chuông của Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn - Ảnh 8.

Bà con giáo dân tham quan hệ thống chuông - Ảnh: VGP/Bình An

Khánh thành dàn giao hưởng chuông của Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn - Ảnh 10.

Chia sẻ về chức năng và ý nghĩa của chuông, Linh mục Hồ Văn Xuân cho biết việc sử dụng chuông có truyền thống ý nghĩa lâu đời trong Hội thánh Công giáo, dù là loại chuông nhỏ cầm tay hay những quả chuông khổng lồ treo trên tháp chuông của thánh đường đều có tác dụng như lời hiệu báo cho sinh hoạt và các hoạt động của Giáo hội. Tiếng chuông còn được sử dụng vào những thời điểm quan trọng để nhắc nhở mọi người tập trung hay để diễn tả niềm vui, sự uy nghi, thánh thiện - Ảnh: VGP/Bình An

 Bình An

Top