Khảo sát 2018: An toàn vệ sinh thực phẩm là quan trọng nhất

30/01/2018 3:06 PM

(Chinhphu.vn) - Những thông tin mới công bố sáng nay tại TPHCM từ cuộc điều tra Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2018 cho thấy người tiêu dùng ngày càng coi trọng tính an toàn của sản phẩm, đặc biệt là hàng nông sản - thực phẩm và đồ uống.

Vệ sinh an toàn thực phẩm là yếu tố rất quan trọng trong quyết định mua hàng của người tiêu dùng, tuy nhiên công tác kiểm soát chất lượng thực phẩm tại các chợ truyền thống, siêu thị, hàng quán hiện nay của các cơ quan chức năng vẫn chưa thực sự giúp người tiêu dùng yên tâm. Ảnh: VGP

Tính an toàn được ưu tiên hàng đầu

Kết quả cuộc khảo sát Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) 2018 cho thấy, trong bức tranh tiêu dùng thực phẩm, đồ uống và nông sản năm nay, người tiêu dùng hiện đang ưu tiên cao nhất cho tính an toàn của sản phẩm.

Theo đó, lo ngại của người tiêu dùng khi mua thực phẩm, nông sản, bánh kẹo, đồ uống tập trung vào những rủi ro liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm: sử dụng chất cấm; nguyên liệu, quy trình sản xuất không hợp vệ sinh; có tồn dư hoá chất độc hại trong sản phẩm. Những quan ngại này hoàn toàn áp đảo các lo lắng về hàng giả, hàng nhái hay tự ý thay đổi hạn sử dụng…

Từ 71% đến 87% người tham gia khảo sát nói sẽ dựa trên yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm để quyết định mua các mặt hàng trên tùy theo từng ngành hàng. Kết quả khảo sát cũng cho thấy người tiêu dùng đang có xu hướng dè dặt hơn với những sản phẩm có xuất xứ từ những quốc gia có nhiều tai tiếng về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Những thông tin này cũng khá tương đồng với khảo sát về top 5 yếu tố ảnh hưởng đến quyết định của người tiêu dùng Việt năm 2017 do Nhà nghiên cứu thị trường Nielsen thực hiện, với kết quả cho thấy yếu tố đóng vai trò quyết định với người mua hàng là sản phẩm có lợi cho sức khoẻ hoặc sản phẩm hữu cơ, có nguồn gốc tự nhiên (77%).

Theo Bà Vũ Kim Hạnh, chủ tịch Hội DN Hàng Việt Nam Chất lượng cao, thực tế cho thấy khi thu nhập tăng lên, người tiêu dùng cũng sẵn sàng chi tiêu cao hơn cho những sản phẩm an toàn. Và dù có lợi thế là một trong những nước dẫn đầu về xuất khẩu nông – thủy sản nhưng các dòng sản phẩm chế biến sẵn, sản phẩm sạch được chế biến an toàn và tinh tế, vẫn chưa mấy phát triển. Một trong những nguyên nhân chính là do chênh lệch về trình độ công nghệ, trang thiết bị và nguồn nhân lực giữa DN nội địa so với các nhà sản xuất khác trên thế giới.

Hàng Thái, Nhật, Hàn lên ngôi

Kết quả khảo sát HVNCLC 2018 còn cho thấy, sản phẩm trong nước dù vẫn ưu thế trên thị trường với tỷ lệ số đông người yêu thích và thường mua dùng lần lượt là 51% và 60% nhưng nếu so với kết quả khảo sát năm 2017 thì tỷ lệ này đã giảm khá mạnh (giảm 27% và 32%).

Cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt đã đi qua năm thứ 9. Phải nói rằng nhiều thương hiệu Việt cũng đã khẳng định tên tuổi một phần nhờ sự cổ vũ này. Nhưng cùng với xu thế hội nhập và khả năng chi tiêu ngày một lớn, tỷ lệ người tiêu dùng trong nước “cảm tình” với hàng hóa từ Thái Lan, Nhật Bản hay Hàn Quốc đang ngày một nhiều hơn.

Theo nhà khảo sát Hàng Việt Nam Chất lượng cao 2018, đành rằng có tồn tại “tâm lý sính ngoại” trong một bộ phận người tiêu dùng nhưng chính những tai tiếng về chất lượng của hàng Trung Quốc và sự thiếu minh bạch, thiếu chân chính trong làm ăn của DN Việt cũng khiến cho niềm tin của người tiêu dùng vào nhiều thương hiệu nội địa có phần bị lung lay.

Rõ ràng hàng hóa từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc đã có sự chuẩn bị thâm nhập thị trường Việt Nam một cách rất căn cơ, cùng với sự song hành của các chuỗi bán lẻ lớn như B’smart, Big C, Mega Market, Robinson, 7-Eleven, Aeon Mall, Central Group… Không chỉ mất lợi thế khi hàng loạt không gian kết nối với người tiêu dùng Việt bị các đại gia nước ngoài “thâu tóm”, nhiều thương hiệu Việt uy tín lại còn phải đang chật vật trước vấn nạn hàng gian, hàng giả.

“Đây không còn đơn giản là câu chuyện riêng lẻ của từng DN mà đó còn là câu chuyện của các cơ quan quản lý, cơ quan kiểm duyệt và của cả người tiêu dùng. Khi niềm tin của người tiêu dùng vào uy tín của hàng Việt bị xói mòn, thì đó chính là ‘lỗ hổng’ cho hàng ngoại”, bà Kim Hạnh nhận định thêm.

Thương mại điện tử ngày càng sôi động

Cuộc Khảo sát HVNCLC 2018 đồng thời cũng khẳng định xu hướng mua bán online ngày càng rõ rệt, đặc biệt với giới tiêu dùng trẻ.

Trong cuộc khảo sát năm ngoái về nơi chọn mua sản phẩm, mua sắm online mới chỉ chiếm 0,9%, nhưng chỉ sau một năm, kết quả khảo sát đã cho thấy số người tiêu dùng chọn cách thức mua online vọt lên gấp ba lần (2,7%). Những sản phẩm “đắt hàng” trên thị trường thương mại điện tử ngày càng đa dạng hơn, từ thiết bị - đồ điện tử kỹ thuật cao, đồ chơi - dụng cụ thể thao đến mỹ phẩm, hàng thời trang, chăn, drap, gối, rèm…

Những năm gần đây, sự ra đời của hàng loạt trang thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Shopee, Sendo, Adayroi… cũng đã khiến chuyện mua sắm trực tuyến không còn mấy xa lạ với người người tiêu dùng Việt, đặc biệt là người tiêu dùng trẻ thuộc thế hệ 8x, 9x hay 2000. Thị trường mua sắm trực tuyến cũng trở nên sôi động hơn với sự tham gia của công cụ mạng xã hội như Facebook, Zalo – nơi có thể hình thành thị trường mua bán mang tính tương tác cao và kết nối rộng.

Các kênh thông tin online cũng đóng vai trò đắc lực hơn trong tư vấn, dẫn dắt, giới thiệu hàng hóa đến công chúng. Theo Kết quả khảo sát HVNCLC 2018, có 23% người tiêu dùng lựa chọn các kênh online để tham khảo thông tin trước khi quyết định mua sản phẩm, tăng 5 điểm phần trăm so với kết quả khảo sát năm 2017 (18%).

Có thể nói internet đã góp phần rất lớn trong việc xoá bỏ các ranh giới về tiếp thị, khi mà rất nhiều trang thiết bị như tivi, đồng hồ, máy tính, điện thoại, nhà cửa, xe cộ đều có thể được nối mạng. Đây là cơ sở tạo nên bước nhảy vọt của online marketing và kinh doanh online trong thời đại công nghệ số hiện nay.

Phương Hiền

Top