Khơi thông dòng vốn và cơ chế cho thị trường bất động sản

09/04/2025 4:26 PM

(Chinhphu.vn) - Sáng 9/4, tại TPHCM, Đài PTTH Hà Nội tổ chức diễn đàn "Cơ chế đặc thù và dòng vốn cho thị trường bất động sản" thu hút 200 đại biểu gồm đại diện cơ quan quản lý chuyên ngành xây dựng, tài nguyên môi trường tại TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương cùng các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực kinh tế, bất động sản, các chủ đầu tư, doanh nghiệp bất động sản.

Khơi thông dòng vốn và cơ chế cho thị trường bất động sản- Ảnh 1.

Các diễn giả tham gia phân tích về các giải pháp gỡ vướng, khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản - Ảnh: VGP/Tuấn Lê

Ông Nguyễn Trung Sơn, Phó Tổng Giám đốc Đài PTTH Hà Nội, phát biểu khai mạc diễn đàn và nhấn mạnh: "Thị trường bất động sản (BĐS) hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là các vướng mắc pháp lý và rào cản từ tín dụng ngân hàng. Việc ban hành Nghị quyết 170 và Nghị quyết 171 của Quốc hội là bước đi quan trọng để tháo gỡ các điểm nghẽn thể chế và khơi thông dòng vốn cho các dự án BĐS đang bị đình trệ. Những cơ chế đặc thù này sẽ giúp thị trường phát triển minh bạch và lành mạnh hơn."

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho biết, nhờ có Nghị quyết 171 nên 86 dự án không thể triển khai được liên quan đến 57.000 căn nhà của TPHCM đã dần được tháo gỡ. Đến nay, TPHCM nhận được đăng ký thí điểm 343 dự án với 1.913 ha, mỗi dự án có 830 căn nhà thì 343 dự án sẽ có một lượng nhà ở ra thị trường rất lớn. Cụ thể dự kiến sẽ có thêm 216.000 căn nhà được đưa ra thị trường trong vòng 3-10 năm tới.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho biết, tính đến cuối tháng 2/2025 vừa qua, tổng dư nợ tín dụng bất động sản trên địa bàn TPHCM đạt khoảng gần 1,1 triệu tỷ đồng, chiếm 28% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn và tăng 1,15% so với cuối năm 2024 (cao hơn tốc độ tăng của tín dụng chung trên địa bàn trong 2 tháng đầu năm). Đây là diễn biến tăng trưởng tín dụng lĩnh vực BĐS tương đối tích cực, có tác động thúc đẩy thị trường BĐS phục hồi.

"Một dự án đủ pháp lý thì tín dụng ngân hàng hoàn toàn cho vay được", ông Lệnh cho biết. 

Về tháo gỡ khó khăn và dòng vốn cho dự án nhà ở xã hội, các doanh nghiệp đều cho rằng, việc thiếu nguồn vốn tín dụng và quỹ đất dành cho các dự án này vẫn là rào cản lớn. Riêng tại TPHCM, Nghị quyết 98 của TPHCM, được ban hành để giải quyết tình trạng này, đang mở ra cơ hội lớn cho các dự án nhà ở xã hội phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. 

Ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho rằng, cùng với cơ chế chính sách tháo gỡ các dự án nhà ở thương mại, cũng cần thúc đẩy phát triển tốt hơn nữa nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu xã hội. Trong đó, phải có những cơ chế khuyến khích và ưu đãi rõ ràng hơn để thu hút các chủ đầu tư phát triển nhà ở xã hội.

Ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS TPHCM, cho biết thêm: "Chúng ta cần đẩy nhanh việc triển khai và áp dụng Nghị quyết 98 của TPHCM vào thực tiễn. Làm sao để cơ chế đặc thù phát huy được vai trò và có hiệu quả, từ đó phát triển các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Chính quyền Thành phố cần tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp BĐS trong việc tiếp cận quỹ đất và hỗ trợ tín dụng cho các dự án nhà ở xã hội. TPHCM cần thúc đẩy mạnh mẽ các chương trình nhà ở xã hội và quy hoạch phát triển đô thị để đáp ứng nhu cầu nhà ở ngày càng cao của người dân".

Lê Tuấn

Top