'Không phải lãnh đạo quận cứ ngồi ký hồ sơ trễ hẹn hoài'

09/01/2018 6:03 PM

(Chinhphu.vn) - Đặt câu hỏi với các quận, huyện, đơn vị chưa thực hiện tốt cải cách TTHC và có tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn cao, Phó chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến nói: “Không phải lãnh đạo quận cứ ngồi ký hồ sơ trễ hẹn hoài, phải tìm ra nguyên nhân vì sao trễ hẹn, có phải cán bộ công chức thực thi thiếu năng lực không?”

Ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử sẽ góp phần giảm thủ tục hành chính, thời gian đi lại và không gây phiền hà cho người dân. Trong ảnh là bộ phận tiếp dân tại UBND quận 12. Ảnh: VGP/Phương Hiền

Thông tin tại hội nghị Tổng kết công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) năm 2017 diễn ra ngày 9/1, cho thấy TPHCM mặc dù cải cách TTHC đã có nhiều cải thiện nhưng tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn, tồn đọng trên địa bàn vẫn còn lớn và phần nhiều liên quan đến công tác quản lý đất đai, xây dựng.

“Nâng cấp” hàng loạt thủ tục hành chính quan trọng

Theo tổng kết công tác cải cách thủ tục hành chính suốt một năm qua tại TPHCM, có rất nhiều giải pháp đã được thực hiện đồng loạt để cải thiện công tác này. Đó không chỉ là các rà soát, cắt giảm quy trình, văn bản không còn cần thiết, góp phần đơn giản và minh bạch hóa thủ tục hành chính, mà còn là sự góp mặt quan trọng của rất nhiều dịch vụ công trực tuyến và các ứng dụng thông minh được triển khai ở khắp các sở ngành, quận huyện.

Theo đó, trong lĩnh vực đầu tư - đăng ký kinh doanh, TPHCM đã liên thông 3 thủ tục đăng ký doanh nghiệp (thủ tục đăng ký thành lập, thủ tục thông báo mẫu con dấu và thủ tục đăng ký thông tin tài khoản ngân hàng) nên doanh nghiệp hiện chỉ còn mất  4 ngày làm việc để hoàn thành cả 3 khâu này thay vì 9 ngày như trước đây; hoặc các thủ tục về thông báo về góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài cũng có thể được thực hiện trực tuyến, nên thời gian xử lý giảm từ 15 ngày xuống còn 8 ngày.

Đáng chú ý, khi liên thông được quy trình lấy ý kiến từ Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Tài nguyên & Môi trường và Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy, TPHCM đã cắt giảm thời gian cấp phép xây dựng công trình cho doanh nghiệp từ 122 ngày xuống còn 42 ngày.

Các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho dịch vụ công trực tuyến, cung cấp thông tin và tương tác với người dân, doanh nghiệp cũng được nhiều sở ngành và quận huyện triển khai đồng loạt. Hiện TPHCM cũng đã có 493 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, và 59 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

TPHCM cũng đã triển khai hệ thống “một cửa điện tử” nhằm cung cấp tình trạng giải quyết hồ sơ TTHC và công khai tỷ lệ hồ sơ đúng hạn/trễ hạn cho người dân và doanh nghiệp…

“Mắc nghẽn” hồ sơ đất đai do đã có quá nhiều sai phạm!

Khi đánh giá về hiệu quả thực hiện cải cách TTHC nói chung trên địa bàn, ông Huỳnh Công Hùng, Phó giám đốc Sở Nội vụ TPHCM cho rằng vẫn còn nhiều hạn chế dẫn đến hiện tượng chậm trễ xử lý hồ sơ, gây phiền hà cho người dân. Ngoài ra, dù đã được rà soát nhưng TTHC nhiều lĩnh vực còn chồng chéo nhau và thường xuyên  biến động. Số lượng TTHC thực hiện theo cơ chế liên thông “một cửa điện tử” vẫn còn rất ít so với số lượng TTHC đang thực hiện. Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 còn chậm; lượng người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 chưa cao. Một số cán bộ công chức chưa thể hiện đầy đủ trách nhiệm khi giải quyết TTHC…

Có thể kể đến các đơn vị có tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn cao như Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận 2 (16,44%), quận 5 (23,7%), quận 6 (23,9%), quận 11 (31,37%), quận Tân Phú (61,17%). Và đáng chú ý, hầu hết trường hợp “vướng mắc” hoặc trễ hẹn giải quyết TTHC đều rơi vào hồ sơ liên quan đến nhà đất.

Vì sao như vậy? Theo trần tình của ông Dư Huy Quang, Giám đốc Văn phòng Đăng ký Đất đai TPHCM, rất nhiều trường hợp cơ quan này không thể tự giải quyết được vì còn liên quan nhiều sở ngành chức năng khác. Nhiều nhà ở xây dựng xong không làm thủ tục hoàn công, đến khi bán đi mới ‘mắc kẹt’ ở thủ tục sang tên chuyển nhượng cho chủ mới!

Huyện Bình Chánh hiện là nơi đang vướng cả nghìn hồ sơ liên quan đến đất đai mà rất nhiều trong đó là do người dân tự ý chia nhỏ đất nông nghiệp rồi bán lại cho những người mua khác nhau. Chuyện mua bán cũng chỉ là “giấy tay”. Người mua đất lại tiếp tục tự ý xây dựng nhà ở không phép trên đất này. Vì vậy, để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở hợp pháp cho những trường hợp trên là vô cùng khó khăn do đã có quá nhiều sai phạm xảy ra trong thời gian dài.

Xử lý sao với hồ sơ trễ hẹn?

Thống kê trong 9 tháng đầu năm 2017, toàn TPHCM có 38.500 hồ sơ trễ hẹn giải quyết. Theo quy định, khi hồ sơ của người dân, doanh nghiệp bị trễ hẹn thì cơ quan trực tiếp thực hiện TTHC đó phải có thư xin lỗi do lãnh đạo ký phát. Tuy nhiên, tổng số được nhận thư xin lỗi mới hơn 22 nghìn hồ sơ. “Vậy vì sao còn một số lượng rất lớn, đến gần 16,5 nghìn hồ sơ tuy đã trễ hẹn nhưng lại không có thư xin lỗi dân? Ở đây, Sở Nội vụ cần kiểm tra lại trên tất cả các đơn vị và báo cáo UBND TPHCM ngay quý 1/2018”, Phó chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến “chốt” lại.

Vị lãnh đạo UBND TPHCM cũng khuyến cáo các quận huyện và đơn vị chưa thực hiện tốt cải cách TTHC và có tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn cao phải sớm chấn chỉnh quy trình. “Không phải lãnh đạo quận cứ ngồi ký hồ sơ trễ hẹn hoài, phải tìm ra nguyên nhân vì sao trễ hẹn, có phải cán bộ công chức thực thi thiếu năng lực không?”, ông Tuyến đặt dấu hỏi.

Theo phân tích từ Ban chỉ đạo cải cách TTHC TPHCM, sự chậm trễ trong cải cách TTHC còn có phần nguyên nhân quan trọng đến từ sự buông lỏng, thờ ơ của lãnh đạo các đơn vị. “Chuyện triển khai một số dịch vụ công trực tuyến còn chậm cũng do một số cán bộ công chức cố tình không muốn muốn cải cách TTHC, không phải vì ngán ngại phải làm song song vừa thủ tục ‘thủ công’, vừa thủ tục trực tuyến, mà vì sợ bị mất lợi ích khi không còn tiếp xúc người dân và doanh nghiệp được nữa”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến khẳng định thêm.

Có thể thấy cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ đan xen vào tất cả hoạt động của các cơ quan công quyền. Điển hình như toàn bộ 21 đề án triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế đặc thù cho TPHCM đều có liên quan đến cải cách TTHC. Và thực ra ngay từ trước khi có Nghị quyết này, có thể nói TPHCM đã là địa phương phải chịu áp lực rất lớn về giải quyết các TTHC. Mỗi sở ngành tại đây có ngày nhận cả nghìn hồ sơ hay mỗi cán bộ công chức nhận vài chục hồ sơ mỗi ngày là chuyện hết sức bình thường. Và do đó sẽ là duy ý chí nếu nói phải làm sao để một cỗ máy khổng lồ như vậy không xảy ra sai sót và chậm trễ nào khi vận hành.

Phương Hiền

Top