Kiên định mục tiêu tăng trưởng - Bài 1: 5 cơ sở để đạt mục tiêu
(Chinhphu.vn) - Là đầu tàu kinh tế của cả nước, TPHCM cho biết sẽ kiên định, không thay đổi mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 8,5% trong năm 2025, phấn đấu đạt mục tiêu cao tăng trưởng hai con số khi có thời cơ và điều kiện thuận lợi.

Việc hoãn áp dụng thuế đối ứng 90 ngày giúp các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ chuẩn bị nguồn lực ứng phó rủi ro - Ảnh: VGP
Phản ứng kịp thời
Năm 2024, tăng trưởng GRDP của TPHCM đạt 7,17% trong bối cảnh tăng trưởng chung của cả nước đạt mức khá cao (7,09%). Năm 2025, cùng với cả nước, Thành phố phấn đấu tăng trưởng GRDP đạt trên 8,5% theo chỉ tiêu của Chính phủ giao, thậm chí nỗ lực cao để đạt được mục tiêu tăng trưởng 2 con số ngay từ năm 2025.
Đây là mục tiêu không chỉ thể hiện quyết tâm cao của Thành phố trong bối cảnh mới, mà chắc chắn cũng đã được bàn luận, nghiên cứu dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn vững chắc.
Quý I năm 2025, tăng trưởng kinh tế của Thành phố đạt 7,51%, mức tăng cao nhất trong 6 năm qua, trong đó khu vực dịch vụ, công nghiệp và xây dựng có bước cải thiện rõ rệt so với năm trước, góp phần quan trọng cho tăng trưởng của Thành phố.
Dù đã được dự báo trước, song với tuyên bố áp dụng thuế đối ứng đối với các nước của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ngày 4/4 vừa qua đã làm đảo lộn nền thương mại thế giới, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
TPHCM có độ mở kinh tế cao, khu vực FDI và xuất khẩu là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của Thành phố, do vậy ảnh hưởng của việc thực thi mức thuế đối ứng lên đến 46% của Tổng thống Hoa Kỳ là rất lớn.
Ngay lập tức, cùng với nỗ lực ngoại giao, sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Chính phủ, TPHCM cũng đã có phản ứng kịp thời, trước hết là tổ chức Hội thảo để đánh giá toàn diện tác động tiêu cực của chính sách thuế đối ứng với 3 kịch bản cụ thể, đồng thời thảo luận để tìm ra các quyết sách phù hợp.
Là đầu tàu kinh tế của cả nước, TPHCM cho biết sẽ kiên định, không thay đổi mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 8,5% trong năm 2025, phấn đấu đạt mục tiêu cao tăng trưởng hai con số khi có thời cơ và điều kiện thuận lợi. Đồng thời xác định giữ vững các trụ cột kinh tế truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); chủ động, linh hoạt các giải pháp, làm mới các động lực cũ và khơi thông phát triển nguồn lực mới.
Các động thái sau đó của Tổng thống Donald Trump như hoãn áp dụng mức thuế đối ứng 90 ngày đối với 75 nước (ngày 9/4/2025), hay loại trừ một số mặt hàng điện tử như điện thoại thông minh và máy tính khỏi các mức thuế đối ứng (cuối ngày 11/4/2025, giờ địa phương) đã phần nào giảm áp lực cho các nền kinh tế chịu ảnh hưởng, đặc biệt là các nước như Việt Nam.
Nhưng trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng cần có các biện pháp kịp thời để duy trì mục tiêu và động lực tăng trưởng.
5 cơ sở để TPHCM đạt mục tiêu tăng trưởng
Đối với TPHCM, để kiên định với mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã đặt ra, cần tiếp cận toàn diện và đa chiều, chủ động và linh hoạt, quyết tâm cao. Cơ sở khoa học và thực tiễn đó là:
Thứ nhất, trước tác động của bối cảnh mới, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có các quyết sách chủ động, kịp thời và hiệu quả nhằm đối phó với chính sách thương mại của Tổng thống Donald Trump, đồng thời đưa ra các giải pháp ngắn hạn và dài hạn để kiên định với mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8% năm 2025 và 2 con số trong các năm tiếp theo.
Thứ hai, TPHCM đã chủ động và tiếp tục thực hiện các giải pháp kịp thời, vừa có tính ngắn hạn, vừa có tính dài hạn nhằm phát huy các động lực tăng trưởng kinh tế là thế mạnh của Thành phố (đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu), đồng thời kiến tạo các động lực tăng trưởng mới từ các ngành kinh tế thâm dụng công nghệ hiện đại, đổi mới sáng tạo gắn với kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và các dịch vụ cao cấp.
Đây cũng là cơ hội để TPHCM thực hiện cuộc cách mạng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của kinh tế Thành phố. Bên cạnh việc tái cấu trúc cơ cấu kinh tế, TPHCM cũng nên coi việc áp dụng chính sách bảo hộ thuế quan của Hoa Kỳ, như là thời cơ để Thành phố tái cấu trúc và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài từ các đối tác tiềm năng.
Thứ ba, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2025 và các năm tiếp theo, Thành phố cần đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ: Gia tăng và thực hiện đúng tiến độ đầu tư công - điều kiện cần thiết cho tăng trưởng dài hạn và tăng trưởng ngắn hạn; tháo gỡ, đột phá và đẩy mạnh các dự án giao thông liên vùng, kết nối vùng, phát triển các chuỗi logistics phục vụ cho phát triển kinh tế; mở rộng chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực nhằm nâng cao năng suất lao động, đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực kinh tế số; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội như giáo dục, y tế, nhà ở xã hội, chăm lo cho người nghèo,… tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Thứ tư, Thành phố cần sớm cụ thể hóa các quyết sách quan trọng gần đây của Đảng, Chính phủ về khai thông động lực phát triển từ khoa học công nghệ và xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của tăng trưởng kinh tế. Đây cũng là thế mạnh vốn có của TPHCM, song điều cốt lõi là phải khơi dậy hai động lực này trong bối cảnh mới hiện nay bằng những mục tiêu, các giải pháp cụ thể.
Thứ năm, năm 2025, Thành phố đang hướng về sự kiện trọng đại - Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/04/1975 - 30/04/2025), đây cũng là năm TPHCM sẽ đón nhận diện mạo mới, khi dự kiến sáp nhập với các địa phương khác (Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương), để mở rộng không gian và dư địa phát triển cho TPHCM với tầm nhìn mới và tầm vóc mới. Có thể nói, 2 sự kiện quan trọng này cũng sẽ là thời cơ tạo ra không khí lạc quan và xung lực mới cho tăng trưởng kinh tế Thành phố, với các lễ hội thu hút du khách trong và ngoài nước, mở rộng các hoạt động thương mại - dịch vụ, thu hút đầu tư nước ngoài…
PGS.TS. Nguyễn Chí Hải
Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM