Kỷ niệm 82 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa và tưởng nhớ các chiến sĩ Nam Kỳ
(Chinhphu.vn) - Ngày 23/11, tại Di tích lịch sử "Nơi họp Hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ tháng 9/1940" (xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn, TPHCM) đã diễn ra Chương trình họp mặt kỷ niệm 82 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa (23/11/1940 - 23/11/2022) và Lễ giỗ chiến sĩ Nam Kỳ.
Tham dự chương trình có Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi; Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Thị Lệ; Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam Thành phố Trần Kim Yến; Trung tướng Nguyễn Văn Nam, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thành phố; Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an Thành phố.
Cách đây 82 năm, đêm 22 rạng sáng ngày 23/11/1940, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ đồng loạt ở nhiều địa phương, mạnh mẽ nhất ở Gia Định, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Vĩnh Long… Lực lượng vũ trang và quần chúng đã nổi dậy tiến công địch, tập kích nhiều đồn bốt. Tại nhiều nơi, chính quyền cách mạng đã được thành lập. Lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên tung bay trong những cuộc biểu tình và ở những nơi đã thành lập được chính quyền cách mạng.
Tại Hóc Môn, quân và dân nhất tề đứng lên, tổ chức thành 4 cánh quân tấn công vào Dinh Quận - sào huyệt của thực dân xâm lược và tay sai. Dù cuộc tiến công không thành nhưng đã để lại tiếng vang lớn, thể hiện ý chí kiên cường, bất khuất của nhân dân vùng đất 18 thôn vườn trầu.
Đảng bộ và nhân dân Hóc Môn vô cùng tự hào về những truyền thống vẻ vang của quê hương với những trang sử hào hùng, oanh liệt qua cuộc khởi nghĩa Nam kỳ; Hóc Môn - Bà Điểm vinh dự được Trung ương Đảng chọn làm căn cứ để lãnh đạo phong trào cách mạng trong cả nước thời kỳ 1936-1939; vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng "Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân" vào năm 1995.
Trước đó, đoàn đại biểu Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM và huyện Hóc Môn đã dâng hương, dâng hoa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tri ân những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập tự do của dân tộc tại Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Dinh Quận Hóc Môn.
Đoàn cũng dâng hương, dâng hoa tại Di tích lịch sử cấp Quốc gia Ngã Ba Giồng. Di tích này là nơi năm xưa thực dân Pháp đã xây dựng trường bắn để sát hại các đồng chí lãnh đạo, đồng bào, chiến sĩ tham gia cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940. Trong số gần 1.000 đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh tại đây, có các đồng chí lãnh đạo Đảng như Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần…
Vũ Phong