Làm đường Vành đai 4 TPHCM với tinh thần 'phải nghĩ đến ngày mai', tránh phá dỡ về sau

23/02/2024 8:58 AM

(Chinhphu.vn) - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho rằng, Vành đai 4 là cao tốc đô thị, đường song hành của tuyến này có một số đoạn đóng vai trò như đường gom, khá phức tạp nên cần phải làm với tinh thần "làm hôm nay phải nghĩ đến ngày mai", tránh xung đột phải phá dỡ về sau, gây lãng phí.

Làm đường Vành đai 4 TPHCM với tinh thần 'phải nghĩ đến ngày mai', tránh phá dỡ về sau- Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại cuộc làm việc - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Chiều 22/2, Bộ Giao thông vận tải có buổi làm việc với TPHCM và các tỉnh Đồng Nai, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu về tình hình triển khai thực hiện dự án xây dựng tuyến đường Vành đai 4 TPHCM.

Vành đai 4 TPHCM có tổng chiều dài gần 207 km, đi qua địa bàn các tỉnh: Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và TPHCM. Đây là đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 100 km/h, mặt cắt ngang 6-8 làn xe cao tốc, có đường song hành 2 bên và các hành lang…Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là gần 106.000 tỷ đồng.

Tại cuộc họp, theo các địa phương có dự án đi qua, quá trình nghiên cứu hoàn thiện hồ sơ đang gặp một số khó khăn như quy mô phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 giữa các dự án chưa thống nhất về bề rộng mặt cắt ngang. Ngoài ra, thời gian thu hồi vốn giữa các dự án còn khác nhau; nguồn vốn nhà nước tham gia các dự án lớn trong khi nguồn vốn ngân sách địa phương đang khó khăn, khó cân đối bố trí.

Bên cạnh đó là các vướng mắc về đầu tư công trình cầu nằm giữa hai địa phương và cần có cơ chế đặc thù trong quá trình triển khai thực hiện.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho rằng cần phải có tư vấn tổng thể toàn dự án. Về cơ chế, Vành đai 4 TPHCM có thể áp dụng các cơ chế đã áp dụng cho Vành đai 3 TPHCM về vấn đề vật liệu, chỉ định thầu hoặc các cơ chế đã áp dụng như ở Vành đai 4 Hà Nội và với TPHCM là Nghị quyết 98.

Theo ông Mãi, Vành đai 4 là dự án giao thông trọng điểm, có tính cấp thiết và ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng Đông Nam bộ và các địa phương. Do đó, cần nghiên cứu tăng ca, tăng kíp, rút ngắn thời gian bởi nếu công trình đi vào khai thác sớm sẽ đem lại lợi ích rất lớn". Đặc biệt, ông Phan Văn Mãi đề nghị cần thống nhất làm Vành đai 4 là cao tốc đúng chuẩn; thực hiện dự án Vành đai 4 trên tinh thần là cố gắng làm ngày làm đêm để giữ đúng tiến độ.

Làm đường Vành đai 4 TPHCM với tinh thần 'phải nghĩ đến ngày mai', tránh phá dỡ về sau- Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn kết luận buổi làm việc - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, Vành đai 4 TPHCM là dự án quan trọng trong liên kết vùng và Bộ đặc biệt quan tâm dự án này.

Thống nhất với ý kiến Vành đai 4 phải là cao tốc đạt chuẩn, ông Lê Anh Tuấn cũng cho rằng, Vành đai 4 là cao tốc đô thị, đường song hành của tuyến này có một số đoạn đóng vai trò như đường gom, khá phức tạp nên cần phải làm với tinh thần "làm hôm nay phải nghĩ đến ngày mai", tránh xung đột phải phá dỡ về sau, gây lãng phí.

Ông Lê Anh Tuấn đề nghị cần mời tư vấn phản biện các vấn đề và trách nhiệm của Bộ là sẽ thống nhất lại tất cả về quy mô, tiêu chuẩn, về phạm vi ranh giới… 

Ngoài ra, do dự án triển khai giữa nhiệm kỳ nên vấn đề phân bổ nguồn vốn cũng khá khó khăn. Do đó, cần tính đến các cơ chế như ngân sách tỉnh này dùng cho tỉnh khác; đơn vị tư vấn xây dựng cơ chế đặt thù như đã áp dụng ở Vành đai 3, cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98 dành cho TPHCM để rà soát lại cho phù hợp.

Vũ Phong

Top