Làm rõ tác động của cảng trung chuyển Cần Giờ với các cảng hiện hữu

29/09/2023 8:37 AM

(Chinhphu.vn) - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu khẩn trương làm rõ luận cứ về tác động, xung đột kinh tế của bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ với các bến cảng biển hiện hữu, hệ thống cảng biển theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Làm rõ tác động của cảng trung chuyển Cần Giờ với các cảng hiện hữu - Ảnh 1.

Phát triển cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ tạo điều kiện để TPHCM thực hiện mục tiêu phát triển logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn và tiếp tục giữ vững vai trò một trung tâm logistics của vùng nói riêng và của cả Châu Á nói chung

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi bộ trưởng các bộ: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Công an, Quốc phòng, Tư pháp; Chủ tịch UBND TPHCM; Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Theo công văn, Phó thủ tướng yêu cầu UBND TPHCM khẩn trương chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 305/TB-VPCP ngày 2/8/2023 của Văn phòng Chính phủ; đồng thời làm rõ luận cứ về tác động, xung đột kinh tế của bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ với các bến cảng biển hiện hữu, hệ thống cảng biển theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021; ảnh hưởng giữa phát triển bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, hạ tầng phục vụ bến cảng tới quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ (khu dự trữ sinh quyển Thế giới).

Hồ sơ Đề án trình phải bảo đảm tuân thủ khoản 1 và khoản 2 Điều 13 Quy chế làm việc của Chính phủ kèm theo Nghị định số 39/2022/NĐ-CP ngày 18/6/2023 của Chính phủ, trong đó xác định rõ thẩm quyền phê duyệt Đề án.

Phó Thủ tướng giao các bộ: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Công an, Quốc phòng và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp chặt chẽ với UBND TPHCM trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Đề án.

Trước đó, cuối tháng 8/2023, UBND TPHCM đã có Tờ trình số 4075/UBND-DA ngày 23/8/2023 về Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Đề án có mục tiêu nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế của TPHCM và khu vực, thu hút các hãng tàu, hãng vận tải, chủ hàng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics trong và ngoài nước về cảng, tham gia vào chuỗi cung ứng vận tải thế giới.

Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có công suất dự kiến đến 2030 đạt 4,8 triệu Teu, đến 2047 đạt 16,9 triệu Teu, được xây dựng tại khu vực cù lao Con Chó, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TPHCM.

Nguồn vốn đầu tư cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, công trình phụ trợ phục vụ hoạt động khai thác cảng, Trung tâm dịch vụ logistics và khu vực phi thuế quan bằng nguồn vốn của doanh nghiệp (nhà đầu tư).

Với hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật kết nối cảng đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn đầu tư hợp tác công tư hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác.

Quy mô dự án ước tính khoảng 571 ha, trong đó: Cầu cảng, kho bãi, giao thông nội bộ, khu văn phòng, nhà ở công nhân viên điều hành, khai thác cảng, hạ tầng kỹ thuật… khoảng 469,5ha và diện tích vùng nước hoạt động cảng khoảng 101,5ha.

Về công nghệ khai thác, thiết bị vận hành bốc xếp container sẽ sử dụng thiết bị chạy bằng năng lượng, nhiên liệu sạch, thân thiện và bảo vệ môi trường.

UBND TPHCM phấn đấu tổ chức đầu tư xây dựng cảng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đưa vào khai thác giai đoạn 1 trước năm 2030 (đầu tư 2 bến chính/7 bến chính), trong đó chuẩn bị đầu tư từ năm 2023 đến năm 2024; xây dựng cảng từ năm 2024 đến năm 2026; khai thác cảng từ năm 2027.

Ngọc Tấn

Top