Liệt sĩ Nguyễn Ngọc Phương - 'Thép đã tôi' trong lửa đỏ lao tù
(Chinhphu.vn) - Trong hàng vạn anh hùng, liệt sĩ đã hiến dâng, hy sinh cuộc đời mình cho dân tộc như những ngôi sao sáng, có một vì sao mang tên Nguyễn Ngọc Phương - người thủ lĩnh sinh viên Sài Gòn yêu nước, kiên trung, người trí thức cách mạng tài hoa, người đã sống một cuộc đời rực lửa và dũng cảm hy sinh chỉ 22 ngày trước khi Hiệp định Paris được ký kết. Cuộc đời anh, gói trọn trong 37 mùa xuân, là một bản hùng ca bi tráng về lòng yêu nước, ý chí sắt đá và một tình yêu nảy mầm, đơm hoa giữa bom đạn, ngục tù.

Liệt sĩ Nguyễn Ngọc Phương-người thủ lĩnh sinh viên Sài Gòn - Ảnh: Gia đình cung cấp
Ngọn lửa đấu tranh được thắp lên từ đường phố Sài Gòn
Sài Gòn những năm 50 của thế kỷ trước luôn sục sôi khí thế đấu tranh. Trong không khí ấy, cậu bé Nguyễn Ngọc Phương, tên khai sinh là Nguyễn Ngọc Phượng, đi trên đường phố đã chứng kiến một cảnh tượng hết sức đau lòng. Đó là hình ảnh người học sinh Trần Văn Ơn anh dũng ngã xuống trước mũi súng tàn bạo của giặc Pháp. Máu của người anh hùng trẻ tuổi đã thắp lên ngọn lửa căm thù trong trái tim non nớt của Nguyễn Ngọc Phương.
Sinh ngày 08/02/1937 tại Phú Lâm, Sài Gòn, trong một gia đình công chức yêu nước, ngọn lửa ấy vốn đã âm ỉ trong anh. Cha anh, ông Nguyễn Ngọc Chưởng, từng ba lần bị thực dân Pháp bắt tù đày vì tham gia các phong trào đấu tranh đô thị. Là con cả trong gia đình có đến 12 anh em, Phương sớm gánh trên vai trách nhiệm. Những ngày cha bị tù, cậu bé tần tảo đi bán bánh phụ mẹ nuôi các em. Tình yêu thương gia đình và lòng yêu nước được hun đúc từ người cha đã trở thành hành trang đầu đời quý giá nhất.
Cảnh tượng anh Trần Văn Ơn hy sinh là giọt nước làm tràn ly. Không một lời từ biệt, chỉ với số tiền ít ỏi dành dụm từ việc bán báo, cậu bé 13 tuổi Nguyễn Ngọc Phương đã trốn nhà ra đi theo tiếng gọi của cách mạng. Anh sợ nếu xin phép, tình yêu thương của cha mẹ sẽ níu chân mình. Con đường anh chọn là con đường chông gai, nhưng đó là con đường duy nhất để trả thù cho nước, cho dân.
Được tổ chức dìu dắt, anh về các tỉnh miền Nam hoạt động, được gửi đi học tại trường Thiếu sinh quân Bạc Liêu (1952-1954). Hiệp định Genève ký kết, anh cùng đồng đội chuẩn bị tập kết ra Bắc. Nhưng rồi, mệnh lệnh cuối cùng vang lên: "Ở lại miền Nam hoạt động". Lệnh ở lại ấy đã định đoạt số phận của anh, gắn chặt cuộc đời anh với mảnh đất Sài Gòn-Gia Định, sục sôi đấu tranh cho đến hơi thở cuối cùng.
Thép đã tôi trong lửa đỏ lao tù
Trở về Sài Gòn, Nguyễn Ngọc Phương lao vào các phong trào đấu tranh công khai: Bình dân học vụ, văn hóa văn nghệ, đòi hòa bình, đòi thi hành Hiệp định Genève. Từ chợ Thái Bình, hẻm 20 Trần Hưng Đạo đến các vùng ven đô như Bình Thới, Cầu Tre, anh gieo mầm cách mạng ở khắp nơi bất chấp những thử thách, hiểm nguy bủa vây, rình rập.
Năm 1958, anh bị chế độ Ngô Đình Diệm bắt. Kể từ đây, cuộc đời anh là một chuỗi ngày bi tráng đi qua các địa ngục trần gian: Tổng Nha, Gia Định, Chí Hòa, Phú Lợi, Hàm Tân. Kẻ địch đã dùng mọi cực hình tra tấn dã man nhất hòng khuất phục ý chí người cộng sản trẻ tuổi. Chúng không thể ngờ rằng, lửa đỏ lao tù chỉ càng tôi luyện cho chất thép trong con người Nguyễn Ngọc Phương thêm rắn rỏi, kiên cường.
Năm 1963, sau khi chế độ Diệm sụp đổ, anh được gia đình chạy vạy cho ra tù. Thân thể anh lúc này gần như tàn phế: bệnh lao phổi bước sang thời kỳ thứ ba, một chân bị liệt, đôi mắt mờ đi vì bị tra tấn bằng đèn cao thế 1.000 W. Tưởng chừng anh sẽ gục ngã, nhưng ý chí, bản lĩnh cách mạng phi thường đã vực anh dậy. Anh lao vào học, hoàn thành bậc trung học rồi ghi danh vào Đại học Văn khoa với tên Nguyễn Hoàng Nhi (tên người em trai thứ sáu) để tạo vỏ bọc hợp pháp, tiếp tục hoạt động.
Người thủ lĩnh phong trào sinh viên và tình yêu thời chiến
Năm 1964, anh được phân công về Thành Đoàn Sài Gòn - Gia Định, trực tiếp lãnh đạo phong trào sinh viên và Tổng hội Sinh viên. Với trí tuệ sắc sảo, sự nhạy bén trong chỉ đạo và một trái tim nhân hậu, anh Ba Triết (bí danh của Nguyễn Ngọc Phương) đã trở thành linh hồn, người anh cả đáng kính của phong trào sinh viên, học sinh Sài Gòn.
Giữa những năm tháng đấu tranh khốc liệt, cách mạng đã se duyên cho anh với chị Cao Thị Quế Hương, một nữ sinh viên Sư phạm ban Triết xinh đẹp, thông minh, năng động. Chị Quế Hương, sau Tổng tiến công Mậu Thân 1968, đã từ bỏ bục giảng ở Cần Thơ để về Sài Gòn hoạt động bí mật dưới sự dẫn dắt của chính anh Ba Triết. Tình yêu của họ nảy nở từ lý tưởng chung, được thử thách qua những lần chạy càn, tránh bom, thoát vây ráp. Tình yêu ấy không chỉ có những lời hẹn ước lãng mạn mà còn là lời dặn dò sinh tử. Anh từng nói với chị: "Nếu chẳng may bị bắt, em cố gắng chịu đựng mà về với anh. Dù em còn da bọc xương cũng ráng mà về với anh". Lời dặn ấy vừa là tình yêu, vừa là mệnh lệnh của một người đồng chí khắc sâu vào tâm khảm chị.
Tháng 10/1968, anh bị bắt ở An Hữu. Nhờ căn cước giả mang tên Nguyễn Hoàng Nhi, địch chỉ quy tội trốn lính và đưa anh vào trại huấn luyện hạ sĩ quan ở Bà Rịa. Bất chấp hiểm nguy, tháng 01/1969, chính chị Quế Hương đã mang giấy tờ giả do Thành Đoàn chuẩn bị vào tận trại Vạn Kiếp để tổ chức cho anh trốn thoát thành công. Từ đó, tình yêu và sự gắn bó của họ thêm bền chặt.
Tổ chức và hai bên gia đình đã định chọn ngày 12/3/1970 làm lễ cưới cho anh chị. Nhưng định mệnh một lần nữa thử thách họ. Ngày 05/3/1970, trong một chuyến công tác, anh và chị Quế Hương cùng bị bắt tại ngã ba Công Lý-Yên Đỗ (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lý Chính Thắng). Cùng bị bắt với họ trong đợt này là 21 cán bộ nòng cốt của Thành Đoàn, trong đó có những tên tuổi lừng lẫy của phong trào sinh viên như Huỳnh Tấn Mẫm, Dương Văn Đầy, Nguyễn Tấn Tài...
Đám cưới trong tù và tinh thần bất khuất
Tại Ty Cảnh sát Quận 1, rồi Nha Cảnh sát Đô thành, kẻ địch dùng những đòn tra tấn tàn độc nhất: dùi cui nện vào khớp gối, lòng bàn chân; treo ngược lên trần nhà đánh đập; đổ nước xà phòng, nước ớt vào miệng; chích điện... Chúng tra tấn người này trước mặt người kia hòng lung lạc tinh thần.
Chị Quế Hương nhớ như in, giữa những cơn đau thể xác đến tận cùng, chị vẫn thấy ánh mắt anh Ba Triết nhìn mình. Ánh mắt ấy, dù sau khuôn mặt bầm dập, vẫn bình thản, động viên và chan chứa yêu thương. Mỗi lần chị gục xuống, ánh mắt ấy lại vực chị dậy. Chị biết, anh cũng đang chịu đựng những nỗi đau không kém nhưng kiên cường làm điểm tựa cho chị và các đồng đội. Dù bị tra tấn liên tục hai ngày không nghỉ, anh vẫn không hé một lời.
Ngày 20/4/1970, địch đưa 21 sinh viên ra xét xử. Phiên tòa biến thành một cuộc biểu tình rầm rộ. Hình ảnh những người tù sinh viên, thân xác tả tơi, phải dìu nhau hoặc nằm trên băng ca vào tòa đã trở thành bản cáo trạng đanh thép nhất tố cáo chế độ lao tù tàn bạo của Mỹ - Thiệu. Trước áp lực dư luận, chúng buộc phải "tạm thích" (thả tạm) chị Quế Hương và 9 người khác. Anh Phương và 10 đồng chí nòng cốt vẫn tiếp tục bị giam cầm.
Khi chị Quế Hương ra tù, việc đầu tiên mẹ anh Phương làm là lên Đà Lạt gặp gia đình chị, chính thức nhận chị làm con dâu. Gần cuối tháng 6/1970, một đám cưới độc nhất vô nhị trong lịch sử đã diễn ra tại nhà tù Chí Hòa. Cô dâu Cao Thị Quế Hương, mang theo cặp nhẫn cưới mẹ chồng chuẩn bị trao cho chú rể Nguyễn Ngọc Phương ở phòng thăm nuôi. Tiệc cưới là chiếc bánh kem to do các em anh Phương làm, được chị mang vào để anh chiêu đãi đồng đội.
Đám cưới không có lễ đường, không có chủ hôn nhưng có những trái tim kiên trung của đồng đội làm chứng. Đó là biểu tượng cao đẹp nhất của tình yêu, là lời khẳng định mạnh mẽ: Nhà tù có thể giam cầm thể xác nhưng không bao giờ khuất phục được tình yêu và lý tưởng của những người cộng sản.
Sau ngày cưới, thứ Sáu hằng tuần, chị lại xách giỏ vào thăm nuôi anh. Những mẩu tin tức viết bằng nước cơm trên giấy gói quà, những lời chỉ đạo ngắn gọn của anh cho phong trào bên ngoài được trao đổi qua song sắt. Nhà tù Chí Hòa đã không thể ngăn cách họ, mà còn trở thành một trạm liên lạc đặc biệt của cách mạng.
Trong tù, anh không để thời gian trôi đi vô ích. Anh miệt mài tự học Hán văn, Pháp văn. Trí tuệ của anh tỏa sáng ngay cả trong bóng tối ngục tù. Anh đã dịch các tác phẩm và viết nhiều truyện ngắn. Trong một bản thảo, anh nắn nót viết hai câu thơ chữ Hán: "Quế Hương đích ảnh tượng / Thường tại ngã tâm trung" (Hình ảnh của Quế Hương / Luôn ở trong tim tôi).
Di sản của một cuộc đời
Tháng 12/1972, tên chúa ngục Côn Đảo Nguyễn Văn Vệ được điều về làm quản đốc Chí Hòa, mở một cuộc đàn áp tàn bạo. Anh Phương cùng các đồng chí đã phát động một cuộc đấu tranh tuyệt thực để phản đối. Dù sức khỏe đã suy kiệt, anh vẫn là một trong những hạt nhân nòng cốt của cuộc đấu tranh. Sau 14 ngày tuyệt thực, anh ngã quỵ và hôn mê. Bọn cai ngục định bỏ mặc cho anh chết nhưng trước sự đấu tranh quyết liệt của anh em tù, chúng buộc phải đưa anh ra Bệnh viện Sài Gòn. Nhưng đó chỉ là một âm mưu thâm độc. Chúng không báo cho gia đình, cố tình không chạy chữa. Sáng thứ Sáu, ngày 05/01/1973, chị Quế Hương vào thăm nuôi như thường lệ mới hay tin dữ. Chị tức tốc chạy đến bệnh viện. Cảnh tượng trước mắt khiến tim chị như vỡ nát: Anh nằm đó, thoi thóp hơi tàn, chân vẫn bị còng vào giường sắt, trên người là bộ áo tù bẩn thỉu, ngoài cửa phòng là một tên trật tự ngồi canh. Khi chị vội vã chạy đi gọi điện báo tin và quay lại, mọi chuyện đã kết thúc. Một vết máu rỉ đen trên bắp tay anh là bằng chứng cuối cùng cho tội ác của kẻ thù. Chúng đã tiêm một mũi thuốc độc để kết liễu đời anh.
Anh trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay người vợ mà anh chưa một ngày được chung sống đúng nghĩa. Anh hy sinh khi chỉ còn 22 ngày nữa Hiệp định Paris được ký kết, mở ra hy vọng trao trả tù chính trị. Anh đã đi gần hết con đường, đã nhìn thấy ánh rạng đông phía xa nhưng lại ngã xuống ngay trước thời khắc bình minh. Đám tang của anh ngày 07/01/1973 đã biến thành một cuộc biểu tình khổng lồ với hàng chục ngàn người tham dự, tố cáo mạnh mẽ tội ác của chế độ Mỹ - Thiệu. Dòng người đứng chật các nẻo đường, biến nỗi đau thành sức mạnh đấu tranh.
Anh Nguyễn Ngọc Phương đã cống hiến trọn vẹn 37 năm cuộc đời, 24 năm hoạt động cách mạng với 3 lần bị tù đày cho độc lập dân tộc. Anh ra đi khi ước mơ lớn nhất đời mình sắp thành hiện thực. Sự hy sinh của anh càng thổi bùng lên ngọn lửa quyết tâm của đồng chí, đồng đội, đồng bào. Máu của anh và bao đồng đội đã tưới tắm cho cây độc lập đơm hoa, cho ngày toàn thắng 30/4/1975.
Về phần mình, bà Cao Thị Quế Hương đã ở vậy thờ chồng, giữ trọn vẹn mối tình son sắt. Mỗi năm vào ngày 05 tháng 01, bà và những người đồng đội cũ lại tụ về Sài Gòn làm giỗ cho liệt sĩ Nguyễn Ngọc Phương, ôn lại ký ức không thể phai mờ về một người thủ lĩnh nhiệt huyết, quả cảm.
Liệt sĩ Nguyễn Ngọc Phương đã hóa thành bất tử. Bài ca về cuộc đời anh sẽ mãi mãi vang lên, là lời nhắc nhở về lòng tự hào, biết ơn đối với một thế hệ đã sống hết mình với từng giây phút của cuộc đời, sẵn sàng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh./.
Thu Hoàn