Mở cửa du lịch: TPHCM đang gặp khó khăn gì?

04/03/2022 4:28 PM

(Chinhphu.vn) - Nên đối xử với du khách quốc tế đáp ứng điều kiện nhập cảnh vào Việt Nam như khách nội địa thì mới thu hút được họ. Đây là một trong những kiến nghị đưa ra tại tọa đàm “Giải pháp thu hút khách du lịch quốc tế đến TPHCM năm 2022” do Sở Du lịch TPHCM tổ chức ngày 3/3.

Mở cửa du lịch: TPHCM đang gặp khó khăn gì? - Ảnh 1.

Ý kiến nhiều doanh nghiệp du lịch cho rằng, khi du khách đến Việt Nam cần được đối xử như khách nội địa, không nên có sự khác biệt - Ảnh: VGP/Băng Tâm

Theo số liệu của ngành du lịch, sau ba tháng triển khai thí điểm đón khách quốc tế đến Việt Nam, nước ta đón gần 9.000 lượt, trung bình mỗi tháng khoảng 3.000 khách. Về con số này, TS.  Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn Du lịch quốc gia cho rằng, chương trình thí điểm vừa qua chưa thực sự thành công. Nói về lý do, theo ông Nam, một trong những rào cản lớn nhất hiện nay là các quy định phòng dịch, cấp visa cho du khách đang gây khó khăn với ngành hàng không, doanh nghiệp du lịch và cả du khách.

TS. Lương Hoài Nam cho biết, chúng ta đang phân biệt đối xử giữa khách nội địa và khách quốc tế trong áp dụng các quy định phòng dịch. Ông Nam đưa ra dẫn chứng ở một điểm du lịch tại Cam Ranh, Khánh Hòa, trong khi du khách nội địa được tự do trải nghiệm thì du khách Nga phải cách ly trong khách sạn 3 tuần.

"Chúng ta cứ làm khó du khách như thế thì mở ra không có hiệu quả. Thậm chí còn khiến các doanh nghiệp thua lỗ nặng hơn. Bởi vì khôi phục lại tất cả các hoạt động tốn biết bao chi phí nhưng ít khách quá", ông Nam nhận định.

Tại tọa đàm, nhiều doanh nghiệp đề nghị từ ngày 15/3, du khách quốc tế khi đáp ứng các điều kiện nhập cảnh vào Việt Nam nên đối xử như khách nội địa nhằm tạo tâm lý thoải mái, thân thiện, cởi mở khi họ đến với Việt Nam. Do vậy, TPHCM phải cùng ngành du lịch có kiến nghị mạnh mẽ để các ngành chức năng gỡ bỏ những nút thắt trên nhằm thu hút khách quốc tế trong tình hình mới.

Đại diện Công ty Du lịch Lửa Việt cho rằng, trong chiến dịch quảng bá du lịch của Thành phố lần này phải làm sao cho du khách thấy được họ có thể thoải mái di chuyển giữa các địa phương, không mất thời gian và thủ tục.

Thực tế thời gian thử nghiệm đón khách quốc tế vừa qua, trong khoảng 9.000 khách vào Việt Nam chỉ có 24 người nhiễm COVID-19, so với tỉ lệ lây nhiễm trong cộng đồng của TPHCM là rất nhỏ. Trong khi khách đi du lịch chỉ có từ 10 đến 15 ngày, nếu  mất nhiều thời gian để xét nghiệm, cách ly thì họ có thể chọn nước khác ít thủ tục hơn. Vì vậy, cần một sự đột phá về chính sách, khách quốc tế đến nước ta không cần xét nghiệm mà chỉ cần đã tiêm đủ 2 mũi trước đó. Du khách cũng đã mua bảo hiểm, do vậy nếu có vấn đề phát sinh thì sẽ được hỗ trợ hoặc tự chịu chi phí. Nếu có cơ chế như vậy, khách đến TPHCM và di chuyển sang các địa phương liên kết sẽ rất dễ dàng, thuận tiện.

Riêng chính sách visa, đây là một trong những rào cản thu hút khách quốc tế ngay cả khi chưa có dịch COVID-19. Theo đó, trước dịch, Việt Nam đang áp dụng chính sách miễn visa song phương và đơn phương cho 24 quốc gia. Số này thấp hơn rất nhiều so với các điểm đến cạnh tranh trong khu vực. Cụ thể, Thái Lan miễn visa cho 64 nước, Singapore miễn visa cho khoảng 130 nước, Indonesia miễn visa cho khoảng 150 nước…

Về vấn đề này, theo TS. Lương Hoài Nam, trước mắt phải khôi phục lại chính sách visa như trước dịch COVID-19 và lâu dài phải mở rộng danh sách này, ít nhất phải cạnh tranh được với Thái Lan.

Ông Nam cũng đề nghị TPHCM, Sở Du lịch có kiến nghị mạnh hơn với Chính phủ, các bộ, ngành để tới đây chính sách visa được cải thiện.

Liên quan đến cơ chế, chính sách, ông Võ Anh Tài, Phó Tổng giám đốc Saigontourist Group cho rằng, trong thời gian sớm nhất cần có kế hoạch, hướng dẫn cụ thể, chính thức và cơ chế, chủ trương đặc thù cho du lịch TPHCM về việc mở cửa du lịch quốc tế. Đó là cơ sở để doanh nghiệp chủ động trong công tác chuẩn bị sản phẩm, cập nhật các thủ tục liên quan, xúc tiến tiếp thị, chào bán đến các khách hàng trực tiếp và các đối tác du lịch quốc tế.

Ngoài ra, phải có sự liên kết và đồng bộ giữa các địa phương khi mở cửa đón khách quốc tế, ví dụ TPHCM - Vũng Tàu, Phan Thiết, Đà Lạt,... không chỉ tạo được sự đa dạng sản phẩm du lịch, mà còn thống nhất các quy định về cách ly, để khách không phải gặp tình trạng phân biệt đối xử khi di chuyển sang các tỉnh thành khác.

Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng giám đốc Vietravel đề xuất Sở Du lịch TPHCM phải làm việc thêm với các cơ quan ban ngành để có thêm đội ngũ y tế đến khách sạn test cho khách du lịch quốc tế cũng như xem xét quy định mở cửa các hoạt động sau 22h để du khách có thêm các trải nghiệm về đêm.

Trong khi đó, ông An Sơn Lâm, Giám đốc Công ty TNHH Thuyền buồm Đông Dương thì cho hay đang mong chờ kế hoạch khai thác bến Bạch Đằng và bến Nhà Rồng để tận dụng lợi thế cảnh quan ở các khu vực trên. Thậm chí ông Lâm đề xuất Sở Du lịch xây dựng mới một tour đường sông từ bến Nhà Rồng đến chân cầu Sài Gòn - khu vực ngang tòa nhà Landmark 81 như một tour du lịch đặc trưng của Thành phố mà nhiều quốc gia đang làm rất thành công như Italy, Pháp…

Đối với vấn đề đội ngũ nhân lực, thực tế nhân sự trong ngành du lịch TPHCM bị xáo trộn rất nhiều sau thời gian ảnh hưởng dịch bệnh. Trong khi các chính sách cách ly F1 có thể ảnh hưởng đến nguồn lao động. Hiện đang có tình trạng các cơ sở lưu trú thiếu nhân viên do bản thân hoặc người thân nhiễm COVID-19 và phải cách ly. Nếu không xem xét vấn đề này thì tới đây khi đón khách quốc tế, các đơn vị du lịch, lữ hành không có đủ nguồn lực để duy trì hoạt động cho tốt thì sự trả giá về chất lượng dịch vụ sẽ là báo động. Ngành du lịch TPHCM và các doanh nghiệp phải đánh giá lại vấn đề này một cách nghiêm túc.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM cho biết, trong trường hợp chưa sẵn sàng cho tất cả các địa phương thì Thành phố cũng có sự chuẩn bị về y tế, về nhân lực, các phương án, quy trình dự phòng để làm sao TPHCM có cơ chế thoáng hơn, thu hút khách quốc tế đến Thành phố ngay thời gian đầu mở cửa. Việc đảm bảo an toàn cho du khách cũng như đảm bảo xử lý các tình huống khi du khách đến Thành phố sẽ là kinh nghiệm cho các địa phương khác.

Trong kế hoạch mở cửa đón du khách quốc tế, sở Du lịch TPHCM đề xuất 5 nhóm giải pháp: Nhóm giải pháp truyền thông, quảng bá; nhóm giải pháp gia tăng giá trị cộng thêm cho du khách khi đến Thành phố; nhóm đa dạng các sản phẩm, sự kiện; nhóm về chính sách giá hướng đến sự ổn định; nhóm giải pháp tăng cường hỗ trợ du khách.

Về công tác quảng bá, sở Du lịch Thành phố đang xây dựng chương trình xúc tiến, quảng bá trên tất cả các nền tảng, phối hợp với các hãng hàng không, doanh nghiệp lữ hành và các cơ quan ngoại giao để đẩy mạnh giới thiệu du lịch Thành phố.

Về nhóm sản phẩm, sự kiện, sở phối hợp các quận, huyện nâng cao chất lượng các điểm đến hiện có, tập trung cho sản phẩm thế mạnh từng địa phương, sản phẩm liên vùng. Ví dụ liên quận Gò Vấp, Hóc Môn, Tân Bình khai thác các điểm quanh sân bay Tân Sơn Nhất; liên quận 6, quận 8 khai thác các tour du lịch đường thủy; mô hình du lịch cộng đồng tại huyện Cần Giờ….

Băng Tâm

Top