Mở luồng Soài Rạp, TPHCM “gần hơn với biển”
(Chinhphu.vn) - Năm 2014, kinh tế biển TPHCM có bước đột phá mạnh mẽ với việc hoàn thành dự án khơi thông luồng tàu biển Soài Rạp. Giới chuyên gia cho rằng, đây là dấu ấn quan trọng, mở ra cơ hội phát triển mới cho ngành vận tải biển TPHCM “gần hơn với biển”.
Tàu Northern Genius qua luồng Soài Rạp cập cảng TPHCM ngày 17/5/2014.
|
Mở đường lớn ra biển
Tháng 5/2014, sự kiện tàu vận tải biển mang tên Northern Genius (Nhật Bản) tải trọng hơn 54.000 tấn, dài 264m tiến vào cảng Sài Gòn qua luồng Soài Rạp đánh dấu mốc quan trọng đối với sự phát triển ngành vận tải biển TPHCM. Luồng sông Soài Rạp sau khi hoàn thành nạo vét xuống độ sâu 9,5m đã lần đầu tiên tiếp nhận thành công tàu biển trọng tải lớn (từ 50.000 tấn) cập bến cảng an toàn.
Với tổng kinh phí đầu tư lớn (2.800 tỷ đồng), từ khi bắt đầu triển khai, Dự án nạo vét luồng Soài Rạp được kỳ vọng sẽ góp phần phát triển hệ thống cảng biển của TPHCM, phát huy thế mạnh là khu vực kinh tế năng động của TP đối với vùng Đông Nam Bộ và Nam Bộ.
Tháng 6/2014, dự án chính thức hoàn thành giai đoạn 2 (vượt tiến độ 2 tháng so với kế hoạch đề ra). Với khoảng 11,5 triệu m3 bùn, cát đã được nạo vét, luồng Soài Rạp đã đạt độ sâu tiêu chuẩn (9,5m) và có khả năng tiếp nhận tàu vận tải biển trọng tải từ 50.000 tấn ra vào an toàn. Theo kế hoạch, trong thời gian tới, luồng Soài Rạp sẽ tiếp tục được nạo vét sâu đến 12m, mở đường cho các doanh nghiệp vận tải đưa tàu biển lớn 70.000 tấn về cảng biển TPHCM.
Nhiều hiệu quả mang lại
Đánh giá về hiệu quả mang lại từ việc nạo vét thành công luồng Soài Rạp, ông Nguyễn Lê Chơn Tâm, Phó Tổng giám đốc Cảng Container Trung tâm Sài Gòn (SPCT) cho biết, trước đây, tàu biển từ Biển Đông vào TPHCM phải vòng qua mũi Vũng Tàu, vịnh Rành Rái và các sông Ngã Bảy, Lòng Tàu, Nhà Bè và Sài Gòn với quãng đường 85km. Trong khi đó, luồng Lòng Tàu không rộng, không đón được các tàu biển lớn ra vào. Điều này đã ảnh hưởng đến phát triển kinh tế biển của TP.
Với việc nạo vét luồng sông Soài Rạp đạt độ sâu 9,5m, hiện nay, khi các tàu đi qua luồng Soài Rạp để đến cảng SPCT sẽ giảm được 2 giờ chạy tàu, một nửa chi phí hoa tiêu cũng như chi phí nhiên liệu so với việc đi theo sông Lòng Tàu. Ước tính chi phí tiết kiệm hơn 500.000 USD trong 1 năm cho tàu 50.000 tấn.
Ngoài ra, luồng Soài Rạp không giới hạn về chiều dài tàu và hạn chế hàng hải vào ban đêm như luồng Lòng Tàu (giới hạn chiều dài tàu dưới 200m khi chạy ban đêm) nên chủ tàu có thể giải phóng và xếp hàng nhanh hơn, qua đó tiết kiệm nhiều chi phí và thời gian bốc xếp, giải tỏa hàng hóa.
Còn theo TS. Phạm Sanh (chuyên gia giao thông), việc hoàn thành nạo vét luồng Soài Rạp góp phần mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước, đồng thời đây cũng là tiền đề để TPHCM phát triển kinh tế “gần hơn với biển”.
Vị chuyên gia này cho rằng, luồng sông Soài Rạp được đưa vào sử dụng tác động rất lớn đến khối lượng hàng xuất nhập khẩu qua cụm cảng TPHCM, tăng thu ngân sách từ thuế xuất nhập khẩu rất lớn cho đất nước. Theo tính toán, sản lượng hàng hóa thông qua luồng Soài Rạp đến năm 2025 sẽ đạt khoảng 120-150 triệu tấn. Nguồn thu từ luồng Soài Rạp đem lại trong 10 năm đầu (2015-2025) ước chừng 580.000-720.400 tỷ đồng.
Bên cạnh hiệu quả kinh tế, với sức hút thương hiệu cảng Sài Gòn trong quá khứ và của TPHCM hiện nay, khi tuyến cao tốc Bến Lức-Long Thành đã được hình thành, cùng với luồng tàu biển Cái Mép-Thị Vải của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, luồng tàu biển trên sông Soài Rạp sẽ giúp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trở thành một trong những vùng phát triển quan trọng bậc nhất, qua đó góp phần đưa Việt Nam từng bước trở thành một trong những thương cảng quan trọng trong khu vực.
Việc tàu trọng tải lớn vào lấy hàng tại Cảng Hiệp Phước cũng sẽ tạo điều kiện đẩy nhanh việc di dời các cảng sông Sài Gòn ra khỏi nội thành TPHCM, qua đó góp phần giảm ùn tắc giao thông cũng như ô nhiễm môi trường, tạo động lực phát triển Khu đô thị cảng Hiệp Phước, hiện thực hóa chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của TPHCM “gần hơn với biển”.
Để phát huy và khai thác tối ưu hiệu quả kinh tế từ luồng tàu biển Soài Rạp, giới chuyên gia kiến nghị, TPHCM tăng cường đầu tư hệ thống bến cảng, kho bãi, hạ tầng phục vụ cảng, tổ chức dịch vụ quản lý khai thác cảng, dịch vụ vận tải Logistic, IDC…, đồng thời tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài cảng như hệ thống giao thông, điện nước, thông tin liên lạc…
Bên cạnh đó, TP cũng cần tập trung kêu gọi nguồn vốn nước ngoài đầu tư xây dựng các khu đô thị theo hình mẫu khu đô thị Phú Mỹ Hưng, với nhiều hình thức như PPP, BOT, BO…, đồng thời kêu gọi xã hội hóa đầu tư trong nước; khẩn trương chuẩn bị cho việc hình thành một đô thị vệ tinh phía Nam TP hướng ra biển.
Phan Hoàng