Mở ra cánh cửa tiềm năng cho ngành công nghiệp điện tử và vi mạch Việt

05/07/2022 4:45 PM

(Chinhphu.vn) - Thiếu hụt chip trên toàn cầu là một vấn đề nóng được các quốc gia hết sức quan tâm. Thấy được cơ hội trong khó khăn, ngành điện tử và vi mạch Việt Nam đang từng bước mở cho mình hướng đi mới để phát triển mạnh hơn sau đại dịch.

Mở ra cánh cửa tiềm năng cho ngành công nghiệp điện tử và vi mạch Việt - Ảnh 1.

Nhiều DN ký kết hợp tác chiến lược với nhau với mong muốn tạo ra nhiều sản phẩm điện tử “make in Việt Nam” - Ảnh: VGP/Lê Anh

Theo các chuyên gia, Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu do thiếu các đơn vị sản xuất, có đủ năng lực sản xuất các sản phẩm có hàm lượng chất xám cao. Chúng ta chưa làm chủ được công nghệ do thiếu năng lực thiết kế, R&D. Điều này thể hiện rõ trong đại dịch COVID-19 khi hầu hết các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng do đứt gãy chuỗi cung ứng. Đặc biệt là rất nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề do thiếu chip và các linh kiện điện tử.

Với tầm quan trọng của ngành công nghiệp điện tử và vi mạch hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi và cơ chế thông thoáng nhằm thu hút sự đầu tư và tạo ra nhiều cơ hội phát triển cho ngành công nghiệp còn khá non trẻ này.

Trong quy hoạch công nghiệp Việt Nam giai đoạn năm 2016 - 2020 tầm nhìn 2030, tăng trưởng của ngành điện tử trong giai đoạn năm 2016 - 2020 đạt 17-18%/năm ( thực tế tăng trưởng 23,8%); giai đoạn đến năm 2030 đạt 19-21%/năm. Giai đoạn năm 2020-2025, ưu tiên phát triển các sản phẩm trong lĩnh vực như thiết bị tự động hóa, máy tính, điện thoại. Sau năm 2025, ưu tiên phát triển phần mềm, nội dung số, dịch vụ công nghệ thông tin và điện tử y tế. Mục tiêu là xây dựng ngành điện tử trở thành ngành công nghiệp chủ lực và tạo cơ sở hỗ trợ cho các ngành khác phát triển.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp bày tỏ sự mong muốn sử dụng vi mạch "make in Việt Nam" thay vì phải dùng sản phẩm nhập khẩu nước ngoài với tính phụ thuộc và chi phí rất cao. Chính vì vậy cần có sự bắt tay của các doanh nghiệp, cộng đồng điện tử, công nghệ thông tin (CNTT), viễn thông và các ngành công nghiệp phụ trợ để cho ra đời các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao ở trong nước mang thương hiệu "make in Việt Nam".

Doanh nghiệp "bắt tay" nâng cao thương hiệu "make in Việt Nam"

Ông Hồ Quỳnh Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang (Điện Quang) cho biết, trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với quá trình chuyển đổi số, ngành điện - điện tử lại càng thể hiện được tầm quan trọng hàng đầu. Điện - điện tử được xem là ngành kinh tế mũi nhọn, chi phối nhiều lĩnh vực khác như cơ khí, điện, nhựa và hóa chất,... và tác động mạnh mẽ đến sự phát triển bền vững của đất nước. Hiện tại, doanh nghiệp nào tự chủ được công nghệ và một phần vật liệu sẽ có nhiều lợi thế để phát triển các sản phẩm công nghệ có hàm lượng chất xám cao.

Mở ra cánh cửa tiềm năng cho ngành công nghiệp điện tử và vi mạch Việt - Ảnh 2.

Lễ ký kết hợp tác phát triển các dòng máy tính xách tay trên nền tảng Qualcomm Snapdragon và thiết bị 5G router “make in VietNam” giữa Xelex và Qualcomm - Ảnh: VGP/Lê Anh

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Ái Hữu, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám Đốc, Công ty Cổ phần Công nghệ Xelex (Xelex) cho biết: Việc đầu tư vào nền công nghiệp điện tử tại Việt Nam không những đòi hỏi các nguồn kinh phí đầu tư ban đầu khổng lồ mà còn cần có một đội ngũ nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là các chuyên gia, kỹ sư có trình độ chuyên môn vững vàng.

Là một đơn vị tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu, thiết kế và chế tạo các dòng máy tính bảng, laptop, máy server và các thiết bị điện tử bảo mật chất lượng cao mang thương hiệu Việt nam. Xelex làm chủ được toàn bộ công nghệ thiết kế, quy trình sản xuất và quy trình đảm bảo chất lượng sản phẩm đạt chất lượng quốc tế. Đặc biệt, Xelex là một trong năm công ty trên thế giới được Tập đoàn Intel công nhận có đủ khả năng thiết kế dòng máy tính cao cấp chạy trên nền tảng hệ Chip mới nhất của Intel.

Ông Nguyễn Ái Hữu cho biết, để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp điện – điện tử Việt Nam,  Xelex sẽ "bắt tay" cùng Điện Quang, và cộng đồng điện tử, CNTT, viễn thông và các ngành công nghiệp phụ trợ sẽ bắt tay nhau cho ra đời các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao ở trong nước.

"Đây là một bước đi then chốt nhằm hạn chế sự phụ thuộc của ngành điện - điện tử Việt Nam vào doanh nghiệp nước ngoài, đồng thời, tạo ra các sản phẩm mới mang tính đột phá về công nghệ và bảo mật. Thông qua đó, lợi ích về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng trong nước càng được nâng cao hơn, kéo theo những bước chuyển biến tích cực cho sự phát triển toàn diện của Việt Nam", Chủ tịch HĐQT Xelex nhấn mạnh.

Mở ra cánh cửa tiềm năng cho ngành công nghiệp điện tử và vi mạch Việt - Ảnh 3.

Các doanh nghiệp điện tử - CNTT giới thiệu sản phẩm công nghệ với đối tác - Ảnh: VGP/Lê Anh

Ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm tại Việt Nam cho biết, là doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực điện tử, Qualcomm coi Việt Nam là một trong những trọng điểm hợp tác đầu tư trong thời gian tới. Đồng thời cho biết, sẽ hỗ trợ mục tiêu "make in Việt Nam" thông qua việc hợp tác, chuyển giao công nghệ cho các đối tác, trong đó có các DN Việt Nam có đủ năng lực như công ty Xelex.

Ngày 5/7 tại TPHCM, đã diễn ra một loạt lễ ký kết hợp tác quan trọng giữa các DN ngành điện – điện tử, mở ra cánh cửa tiềm năng cho ngành công nghiệp điện tử và vi mạch Việt

Theo đó, Công ty Điện Quang và Xelex ký kết hợp tác chiến lược với mong muốn tạo ra nhiều sản phẩm điện tử "make in Việt nam" đạt chất lượng quốc tế. Bên cạnh đó, Công ty Xelex và Công ty Total Logistics Solution ký kết hợp tác triển khai kết hợp giữa thiết bị phần cứng và giải pháp phần mềm bảo mật cao cấp.

Đặc biệt là lễ ký kết hợp tác phát triển các dòng máy tính xách tay trên nền tảng Qualcomm Snapdragon và thiết bị 5G router "make in VietNam" giữa Xelex và Qualcomm. Lễ ký kết này đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử ngành công nghiệp máy tính Việt Nam khi máy tính xách tay được thiết kế bởi người Việt Nam trên nền tảng chip snapdragon của hãng Qualcomm - một trong các hãng chip hàng đầu trên thế giới.

Lê Anh

Top