Mở rộng bình ổn thị trường tại chợ truyền thống
(Chinhphu.vn) - Một trong những nội dung quyết định của chương trình bình ổn thị trường (BOTT) là tạo nguồn cung ứng hàng hóa ổn định, chủ động, chất lượng, đủ để chi phối thị trường.
Sau 20 năm thực hiện chương trình bình ổn thị trường TPHCM (2002-2022), chương trình đã tạo nguồn cung ứng hàng hóa ổn định, chủ động, chất lượng, đủ để chi phối thị trường. Từ năm 2013 đến nay, các doanh nghiệp (DN) tham gia chương trình không còn được thành phố trợ vốn lãi suất 0% nhưng ngày càng nhiều DN tham gia, quy mô và mặt hàng thực hiện bình ổn càng lớn. Hàng hóa thiết yếu của các DN bình ổn thị trường luôn chiếm khoảng 30% thị trường.
Đặc biệt, trong năm 2021, TPHCM đối mặt với đợt bùng phát của đại dịch COVID-19, gây ảnh hưởng lớn đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội của Thành phố. Nhiều DN chủ lực tham gia chương trình BOTT của Thành phố như Saigon Co.op, Satra, Vissan, Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt… đã phát huy được vai trò của mình, đảm bảo duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa với giá cả ổn định, đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân TPHCM.
DN bình ổn giữ vai trò điều tiết thị trường
Sở Công Thương TPHCM cho biết, chương trình BOTT được triển khai thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; tập trung các giải pháp hỗ trợ DN phục hồi sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, phát triển thương mại điện tử, kết nối cung cầu hàng hóa đồng thời triển khai quyết liệt các giải pháp tiết giảm chi phí trung gian trong lưu thông hàng hóa, giảm áp lực tăng giá bán đến tay người tiêu dùng.
Bước sang năm 2022, tình hình địa chính trị thế giới với nhiều diễn biến khó lường, giá xăng dầu trong nước có thời điểm tăng cao kỷ lục, đã kéo theo sự leo thang giá cả nhiều loại hàng hóa, gây ảnh hưởng đến sự phục hồi và phát triển kinh tế của cả nước nói chung và TPHCM nói riêng.
Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ , lãnh đạo TPHCM đã chỉ đạo các sở, ngành, trong đó chủ lực là Sở Công Thương tập trung khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng từ lưu thông đến sản xuất, phân phối tiêu dùng; bảo đảm cung cấp đầy đủ hàng hóa thiết yếu, giao thông thuận lợi, nhanh chóng, an toàn cho người dân.
Theo Sở Công Thương TPHCM, các mặt hàng bình ổn đang có giá thấp hơn thị trường 10% - 15%. Từ đầu năm đến nay, Thành phố chỉ 4 lần điều chỉnh giá các mặt hàng bình ổn và chỉ điều chỉnh rất ít mặt hàng trong vài trăm mặt hàng thuộc danh mục lương thực, thực phẩm các DN đang thực hiện BOTT. Thực tế cho thấy, việc bình ổn thị trường, điều tiết ổn định giá cả có vai trò rất lớn của các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường, bởi lượng hàng hóa thiết yếu của các DN này luôn chiếm khoảng 30% nhu cầu thị trường.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, hiện nay, bên cạnh các giải pháp dài hạn như xây dựng các chuỗi cung ứng, vùng nguyên liệu, Sở Công Thương Thành phố còn tập trung hỗ trợ doanh nghiệp bình ổn thị trường trong công tác chuẩn bị nguồn hàng và cung ứng; đẩy mạnh kết nối cung cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh, thành phố; qua đó tìm kiếm nguồn hàng chất lượng cao, giá cả hợp lý. Đến nay, Thành phố đã ký hợp tác thương mại với 22 tỉnh, thành phố, biên bản ghi nhớ được ký kết với giá trị thực hiện ước đạt bình quân 4.500 tỷ đồng/năm.
Đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng người tiêu dùng
Theo thống kê, phần lớn các DN BOTT của Thành phố đều đã xây dựng các chuỗi liên kết, hình thành vùng nguyên liệu ổn định, lâu dài tại các tỉnh, thành. Riêng Saigon Coop có hệ thống kho bãi, logistics, siêu thị phủ khắp cả nước, là đầu mối liên kết, thu mua tại chỗ các mặt hàng nông sản với những mặt hàng có sản lượng lớn được thu mua, cung cấp cho thị trường cả nước.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc vận hành chuỗi siêu thị Coopmart của Saigon Co.op cho biết, để chia sẻ, đồng hành cùng khách hàng trong bối cảnh giá cả hàng hóa trên thị trường còn cao, các hệ thống bán lẻ của Saigon co.op trên cả nước đã kích cầu tiêu dùng với nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Theo đó, hệ thống siêu thị của Saigon Co.op đã tổ chức thực hiện liên tục hơn 14 chương trình khuyến mãi, mỗi chương trình kéo dài gần 2 tuần liên tục. Trong đó có 4 chương trình lớn, mỗi chương trình kéo dài 3 tuần và mỗi chương trình đếu có hơn 20.000 sản phẩm nhu yếu giảm giá đến 50%.
Mới đây, tại hội nghị lấy ý kiến thực tiễn 20 năm và giải pháp nâng cao hiệu quả chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn TPHCM do Sở Công Thương tổ chức, đại diện cho các DN, ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) cùng nhiều DN cho rằng, chương trình bình ổn thị trường cần truyền thông rộng rãi hơn về quyền lợi của DN tham gia để thu hút thêm nhiều DN đăng ký. Bên cạnh đó, cần quan tâm phát triển mạng lưới bình ổn thị trường ở kênh chợ truyền thống; quy hoạch lại để mở rộng mạng lưới bình ổn tại các chợ truyền thống, sao cho mỗi điểm bán là 1 điểm bình ổn thị trường.
Lê Anh