Năm 2022: TPHCM có hơn 2.800 lao động mất việc

11/11/2022 9:20 AM

(Chinhphu.vn) - Chiều 10/11, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH TPHCM đã thông tin với báo chí về tình hình lao động, việc làm trên địa bàn Thành phố.

Năm 2022: TPHCM có hơn 2.800 lao động mất việc - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH TPHCM thông tin tại họp báo - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Theo ông Lâm, qua tổng hợp, năm 202, trên địa bàn có 26 doanh nghiệp thông báo cho người lao động thôi việc vì lý do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế với số lao động bị mất việc là 2.844 người trên tổng số 14.861 người lao động. Số doanh nghiệp thông báo giảm lao động bằng so với năm 2021 (26 doanh nghiệp); thấp hơn so với giai đoạn năm 2019 - 2020 (năm 2019 có 74 doanh nghiệp, năm 2020 có 86 doanh nghiệp thông báo cho người lao động thôi việc).

Ông Lâm cho biết, hiện nay, theo thống kê trên địa bàn Thành phố, số doanh nghiệp đang hoạt động là 248.897 đơn vị. Tại thời điểm tháng 10/2022, tổng số lao động đang làm việc có tham gia bảo hiểm xã hội là 2.496.211 người, tăng 345.660 người so cùng kỳ năm 2021 và tăng 100.104 người so với 6 tháng đầu năm 2022.

Qua nắm bắt nhanh tình hình nhu cầu tuyển dụng lao động tại 285 doanh nghiệp có từ 200 lao động trở lên cho thấy có 159/285 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động, với số lượng tuyển là 8.232 người, tập trung ở ngành dệt may, cơ khí, giao hàng, chế biến thực phẩm.

Dự kiến nhu cầu tuyển dụng lao động trong những tháng cuối năm là 43.000 lao động, tập trung nhiều ở lĩnh vực thương mại dịch vụ, sản xuất tiêu dùng phục vụ dịp lễ, Tết. Do ảnh hưởng từ biến động của thị trường thế giới, đặc biệt là tình hình kinh tế, chính trị bất ổn ở một số nước châu Âu, một số doanh nghiệp gia công giày da, may mặc xuất khẩu gặp khó khăn, đơn hàng bị thiếu hụt buộc phải sắp xếp, tổ chức lại, giảm lao động như Công ty TNHH Việt Nam Samho (huyện Củ Chi), Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân)…

Ngoài ra, để ứng phó với khó khăn, một số doanh nghiệp đã sắp xếp lại thời giờ làm việc hợp lý với nhu cầu sản xuất (không tăng ca, cho người lao động nghỉ thêm thứ 7 hàng tuần) nhằm giữ chân người lao động, để có đủ nguồn nhân lực khi có các đơn hàng mới.

Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH thông tin, ngay khi nhận tin doanh nghiệp gặp khó khăn phải giảm lao động, Sở đã cử cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố và các phòng nghiệp vụ phối hợp ngay với Phòng LĐTB&XH, Liên đoàn Lao động làm việc trực tiếp với chủ doanh nghiệp, công đoàn cơ sở để nghe ý kiến của doanh nghiệp, của công đoàn về các khó khăn sản xuất; tình hình sử dụng lao động; phương án giảm lao động; nguyện vọng của người lao động để kịp thời tham vấn, hỗ trợ doanh nghiệp, công đoàn cơ sở.

Ngoài ra, Sở đã làm việc trực tiếp với Thường trực UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện để nắm cụ thể tình hình và có các biện pháp xử lý kịp thời nhằm ổn định tình hình lao động - việc làm, quan hệ lao động, kết nối nhu cầu tuyển dụng và nhu cầu làm việc tại các địa phương.

Vũ Phong

Top