Nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Thành phố

01/07/2022 5:31 PM

(Chinhphu.vn) - Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh, cần nâng cao hơn nữa chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Thành phố và các tổ chức chính trị-xã hội; tập trung vào những vấn đề, lĩnh vực, vụ việc có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của nhân dân.

Nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Thành phố - Ảnh 1.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu phát biểu khai mạc Hội nghị - Ảnh: VGP

Sáng 1/7, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức Hội nghị Sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu khóa XI (2019-2024). Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến dự Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, trong từng năm, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã đánh giá cao kết quả hoạt động toàn diện của MTTQ Việt Nam Thành phố.

Với tinh thần năng động, sáng tạo, Mặt trận và các tổ chức thành viên của Mặt trận Thành phố đã tăng cường phối hợp và thống nhất hành động, không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, đa dạng hoá các hình thức tập hợp, tăng cường và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, nâng cao chất lượng các cuộc vận động, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của Thành phố.

Cùng với sự phát triển của Thành phố trên các lĩnh vực, Mặt trận Thành phố đã có sự tiến bộ về nhiều mặt, ngày càng khẳng định vị trí của mình trong hệ thống chính trị, được đông đảo các tầng lớp nhân dân Thành phố tin cậy. Liên tục trong 3 năm 2019, 2020 và 2021, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam xét công nhận và trao tặng cờ thi đua "Đơn vị xuất sắc toàn diện".

Hội nghị là dịp để Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố tổ chức phân tích, đánh giá rõ những kết quả đã đạt được, chỉ ra những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm sau 03 năm triển khai thực hiện Nghị quyết.

Từ đó, để từ giờ đến cuối nhiệm kỳ (vào năm 2024), Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố tiếp tục bám sát chương trình phối hợp thống nhất hành động theo Nghị quyết Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam Thành phố nhiệm kỳ 2019 - 2024, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố nhiệm kỳ 2020 - 2025, đồng thời có điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn công tác Mặt trận và chủ đề từng năm của chính quyền Thành phố.

Nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Thành phố - Ảnh 2.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Hồ Hải phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP

Không chủ quan, lơ là trước dịch bệnh

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định tầm quan trọng và yêu cầu mới, cao hơn về chiến lược "phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc", đó là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Với ý nghĩa và quyết tâm chính trị cao nhất, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM kỳ vọng và luôn tin tưởng MTTQ Việt Nam Thành phố trong thời gian tới sẽ làm tốt hơn nữa vai trò là nòng cốt chính trị, có trách nhiệm vẻ vang trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp, vận động nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hành dân chủ, xây dựng đồng thuận xã hội để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu chính trị của đất nước trong giai đoạn mới.

Phó Bí thư Thành ủy cũng góp ý, MTTQ Việt Nam Thành phố cần làm chuyển biến sâu sắc hơn nữa cả về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân về chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng. Đó là truyền thống quý báu của dân tộc, lời dạy thiêng liêng, ước vọng cao quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công".

Ngoài ra, mặc dù tình hình dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, nhưng để đảm bảo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, an ninh quốc phòng trong năm 2022 và những năm tiếp theo, Mặt trận các cấp cần xây dựng kế hoạch thực hiện thật tốt các giải pháp tuyên truyền, vận động, nâng cao cảnh giác, không chủ quan lơ là, tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch.

Mặt trận cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động của mình và các tổ chức chính trị - xã hội. Hệ thống Mặt trận Thành phố cần sâu sát hơn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các giới, các tầng lớp nhân dân, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức làm thước đo cải cách hành chính...

Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền về biển, đảo đi vào chiều sâu, nâng cao ý thức người dân trong bảo vệ chủ quyền biển đảo, tăng cường vận động Quỹ "Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc"; mở rộng các hoạt động hướng về biển, đảo quê hương nhằm chăm lo thiết thực cho cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng đang làm nhiệm vụ ở biên giới, hải đảo; chăm lo lực lượng vũ trang nhân dân, làm tốt công tác hậu phương quân đội…

Chú trọng việc tuyên truyền xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Thành phố - nơi tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiện hữu thường xuyên, trở thành tài sản tinh thần, giá trị văn hóa đặc trưng của người dân, cán bộ, đảng viên của Thành phố mang tên Bác.

MTTQ Việt Nam Thành phố cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án số 06/ĐA-TU của Ban Thường vụ Thành ủy. Để hoàn thành nhiệm vụ kiểm tra, giám sát trong bối cảnh hiện nay, Mặt trận cần tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; phát huy tối đa trí tuệ của các nhà khoa học, những chuyên gia giàu kinh nghiệm, đóng góp ý kiến cho các chủ trương, chính sách của Đảng và của cấp ủy, chính quyền các địa phương.

Nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Thành phố - Ảnh 3.

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP

Nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội

Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nêu rõ, bên cạnh kết quả đáng phấn khởi đã đạt được, hoạt động của Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố cũng còn một số hạn chế, bất cập.

Trên cơ sở kết quả Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ, theo ông Đỗ Văn Chiến, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố cần quán triệt sâu sắc hơn nữa Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng gắn với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố nhiệm kỳ 2020-2025, xây dựng kế hoạch cụ thể làm thế nào để thực hiện được chủ trương MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ. Thực hiện hiệu quả, thực chất phương châm: "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng".

"Tôi cho rằng, chủ trương của Đảng đã rõ, vấn đề là cơ chế nào để thực hiện được chủ trương đó. Từ hoạt động thực tiễn của MTTQ Thành phố ở một địa bàn trọng yếu, năng động, dân số đông, nhiều vấn đề phức tạp…, các đồng chí tích cưc, chủ động đề xuất với Thành ủy, phối hợp với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Nghị quyết liên tịch để thực hiện thí điểm nhằm bổ sung thêm thực tiễn để Trung ương triển khai trong phạm vi cả nước", ông Đỗ Văn Chiến nêu.

Bên cạnh đó, cần chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân để kịp thời phản ánh với cấp ủy, chính quyền các cấp có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân, qua đó bảo vệ tốt hơn nữa quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của nhân dân; làm cho Mặt trận Thành phố trở thành địa chỉ tin cậy của nhân dân, để người dân thông qua Mặt trận phản ánh tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của mình gửi tới các cơ quan Đảng, Nhà nước, cấp uỷ, chính quyền Thành phố.

Nâng cao hơn nữa chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Thành phố và các tổ chức chính trị-xã hội; tập trung vào những vấn đề, lĩnh vực, vụ việc có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của nhân dân; chú trọng bản lĩnh, ý thức chính trị, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào trong quá trình giám sát, phản biện xã hội. Sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội, Mặt trận Thành phố tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy điều chỉnh, bổ sung các nội dung mới vào trong Đề án "Nâng cao vai trò của MTTQ Việt Nam và nhân dân giám sát tổ chức Đảng, đảng viên và hoạt động của chính quyền các cấp Thành phố giai đoạn 2021-2030" để kịp thời đáp ứng được các yêu cầu, chỉ đạo mới của Ban Bí thư.

Cũng theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố cùng với các tổ chức chính trị-xã hội, các tổ chức thành viên làm nòng cốt để phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, huy động sức mạnh của nhân dân, dựa vào dân để đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, thực hiện thật tốt lời di huấn của Bác Hồ kính yêu là: "Làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng vạn, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp". Được như vậy, Mặt trận Thành phố sẽ thực sự trở thành nơi hội tụ của ý Đảng, lòng dân, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng và phát triển Thành phố nói chung, phòng chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng.

Tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy và nâng cao hơn nữa năng lực đội ngũ cán bộ Mặt trận trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng và cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Mỗi cán bộ Mặt trận không chỉ nắm vững chuyên môn, nghiệp vụ, gần dân, biết lắng nghe, đánh giá, phân tích, tổng hợp ý kiến của nhân dân… mà cần phải có phong cách làm việc chuyên nghiệp.

Theo lộ trình, cuối năm nay, Bộ Chính trị sẽ cho ý kiến thông qua Đề án cơ cấu tổ chức, bộ máy, biên chế của cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam; khi đó sẽ có một số thay đổi về cơ cấu tổ chức, bộ máy của cơ quan Trung ương MTTQ Việt Nam. Sau năm 2022, UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ đề xuất xây dựng cơ cấu tổ chức, bộ máy của MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, thành phố, cấp huyện, quận, xã, phường trình Ban Bí thư phê duyệt. Trên cơ sở đó, Mặt trận Tổ quốc Thành phố nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan hữu quan để tham mưu Thành ủy việc điều chỉnh cơ cấu tổ chức, bộ máy của cơ quan Mặt trận Thành phố cho phù hợp với chỉ đạo của Ban Bí thư.

Đối với 3 kiến nghị của Mặt trận Thành phố gửi tới Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ông Đỗ Văn Chiến cho biết, Ban Thường trực sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan, nghiên cứu để có đề xuất với Chính phủ chỉ đạo điều chỉnh nội dung các văn bản tương ứng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của Mặt trận Thành phố  nói riêng và toàn bộ hệ thống MTTQ Việt Nam nói chung.

Anh Thơ

Top