Nâng cao nhận thức của người dân về xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh
(Chinhphu.vn) - Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Hồ Hải cho rằng cần tập trung nâng cao nhận thức trong các tầng lớp nhân dân về xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh nhằm tạo sự đồng thuận chung trong nhận thức, tư tưởng, đến thống nhất trong hành động, từ đó phát động toàn dân tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ tại từng địa phương, đơn vị.
Sáng 6/6, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức Hội thảo khoa học "Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TPHCM - Nhiệm vụ và giải pháp". Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Hồ Hải; Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Nguyễn Như Khuê; Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Anh Đức chủ trì Hội thảo.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, vị lãnh tụ thiên tài, nhà văn hóa kiệt xuất và là người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM - một thành phố duy nhất trên cả nước được mang tên vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc thì đó là niềm vinh dự, tự hào to lớn. Thành phố còn là nơi lưu đậm dấu chân người thanh niên Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước với khát khao cháy bỏng giành độc lập cho dân tộc, đem lại cuộc sống ấm no cho đồng bào.
Vì vậy, việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TPHCM là hết sức cần thiết, vừa thể hiện tình cảm kính trọng sâu sắc của nhân dân Thành phố đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, vừa giúp phát huy các giá trị vật chất, tinh thần về thân thế, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với Sài Gòn - Gia Định - TPHCM; vừa phát huy đặc trưng, văn hóa, tính cách của con người Thành phố gắn với triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 01 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Tham luận tại Hội thảo với chủ đề "Giải pháp góp phần xây dựng văn hóa, con người thành phố và hình thành Không gian văn hóa Hồ Chí Minh giai đoạn từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo", Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao Thành phố Nguyễn Thị Thanh Thúy khẳng định hơn lúc nào hết, việc phát huy, bảo tồn và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống đang được xem là nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách. Mỗi người sẽ là một đại sứ văn hóa trong quá trình giao lưu văn hóa với thế giới, góp phần xây dựng một xã hội văn minh và giàu bản sắc riêng là nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình xây dựng văn hóa, con người thành phố và hình thành Không gian văn hóa Hồ Chí Minh.
Theo bà Thúy, để giải quyết vấn nạn "xâm lăng" văn hóa hiện nay, ý thức của mỗi người trẻ là yếu tố quan trọng nhất để bảo vệ văn hóa truyền thống của mỗi quốc gia. Để mỗi bạn trẻ có ý thức nhận biết và giữ gìn nền tảng văn hóa của dân tộc mình thì cần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, trong đó bao gồm cả môi trường gia đình, nhà trường và xã hội.
Sự gắn kết của 3 môi trường này cùng với quá trình tự rèn luyện của mỗi cá nhân sẽ góp phần nâng cao nhận thức, hình thành thái độ và hành vi trong việc tiếp thu chọn lọc và sử dụng những sản phẩm văn hóa giải trí có giá trị và sức ảnh hưởng rộng rãi. Bên cạnh đó, việc lên án, phê phán đúng mức, đúng cách của xã hội là cách thức đúng đắn giúp giới trẻ có thể kịp thời nhận ra được những cái xấu, cái chưa phù hợp để thay đối thái độ và điều chỉnh hành vi.
Phát triển văn hóa đi đôi với phát triển kinh tế
Theo ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, Hội thảo đã nhận được 63 tham luận của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia văn hóa, các đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố; của các sở, ban ngành và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố, Thành ủy Thủ Đức, các quận ủy, huyện ủy, đảng ủy cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy.
Các tham luận tại Hội thảo khoa học với những luận cứ xác đáng đã tập trung phân tích, làm rõ 4 nhóm vấn đề cơ bản.
Nhóm nội dung thứ nhất, tập trung làm rõ nội hàm về không gian văn hóa, không gian văn hóa Hồ Chí Minh và xây dựng không văn hóa Hồ Chí Minh tại Thành phố; tập trung phân tích và rút ra một số nhận định cơ bản về xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh.
Nhóm nội dung thứ hai, tập trung phân tích, làm rõ vai trò quan trọng của văn học, nghệ thuật đóng góp trong việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Thành phố mang tên Bác.
Nhóm nội dung thứ ba, giải pháp xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở cơ sở.
Nhóm nội dung thứ tư, tập trung đề xuất, làm rõ về vai trò, tầm quan trọng của xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên không gian mạng trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Hồ Hải đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy tiếp thu đầy đủ các nội dung tại Hội thảo để tham mưu, bổ sung, hoàn chỉnh Chương trình hành động của Thành ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ Thành phố về xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức trong các tầng lớp Nhân dân về xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nhằm tạo sự đồng thuận chung trong nhận thức, tư tưởng, đến thống nhất trong hành động, từ đó phát động toàn dân tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ tại từng địa phương, đơn vị.
Đồng thời, tập trung xây dựng và phát triển văn hóa - xã hội nhanh và bền vững, đồng bộ với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, làm nền tảng cho Thành phố phát triển bền vững.
Phát huy giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thấm sâu vào mỗi người dân thành phố. Đẩy mạnh sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tổ chức học tập, đa dạng hóa các mô hình giáo dục để tuyên truyền, phổ biến và lan tỏa các giá trị nhân cách Hồ Chí Minh rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân.
Theo Phó Bí thư Thành ủy, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Thành phố Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng. Trong quá trình thực hiện, Thành ủy rất mong tiếp tục được lắng nghe các chia sẻ, hiến kế, đề xuất của các chuyên gia, các nhà khoa học, các địa phương, đơn vị để có thể điều chỉnh các chỉ đạo, định hướng sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn của Thành phố, từ đó góp phần tạo động lực và nguồn lực nội sinh để xây dựng Thành phố có chất lượng sống tốt, xứng đáng là thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu.
Anh Thơ